TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 09/01/2025 09:22

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

Ngày 30/12/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 298/KH-UBND về thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Kế hoạch nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chủ trương, đường lối của Đảng.

NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến

- Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố được thể hiện trong Nghị quyết số 29-NQ/TW và các nghị quyết khác của Trung ương, Thành ủy về giáo dục và đào tạo.

- Tổ chức nghiên cứu học tập, quán triệt, phổ biến Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 407-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, tạo sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

2. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

- Tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục.

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới, thực hiện các giải pháp huy động trẻ đến trường, lớp mầm non hướng đến thực hiện thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi theo Kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập.

- Tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Củng cố hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành. Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, gắn với thị trường lao động, chú trọng các ngành nghề, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.

- Tập trung đầu tư chiều sâu về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập nhằm tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; chú trọng các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bán dẫn...

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi trong giáo dục và đào tạo. Tăng cường rà soát, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bảo đảm đủ trường, lớp học, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp, khu vực đông dân cư, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập phù hợp và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; quan tâm đầu tư cho giáo dục chất lượng cao. Rà soát, ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn. Tăng cường chuyển đổi số trong quản trị, quản lý và giảng dạy; hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo; đồng bộ, thống nhất kết nối dữ liệu từ các cơ sở giáo dục, các cấp quản lý giáo dục; liên thông dữ liệu giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia; phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục cá nhân hóa, giáo dục sáng tạo, giáo dục thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.

- Phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý và đồng bộ về cơ cấu; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập theo đúng định mức và số lượng do cơ quan có thẩm quyền giao.

- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo. Bố trí nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm của giáo dục.

Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra; đồng thời, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của kinh tế thành phố.

- Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Khuyến khích và tạo cơ chế thuận lợi cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn hợp tác với các cơ sở giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, tài trợ cho giáo dục thành phố; xúc tiến thu hút cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới mở phân hiệu tại Hải Phòng.

Tích cực tham gia các cuộc thi, tổ chức diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh đàm phán ký kết chương trình hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thành phố trong việc hỗ trợ cơ sở giáo dục nghề nghiệp giúp học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Tổ chức hội nghị nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Kết luận số 91- KL/TW tới các cơ sở giáo dục và đào tạo, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đội ngũ nhà giáo; hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Kết luận số 91-KL/TW và Kế hoạch này.

Căn cứ chức năng nhiệm vụ, phạm vi quản lý được giao, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các nội dung trọng tâm tại Kế hoạch; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để thực hiện.

Phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố đảm bảo các điều kiện về đội ngũ nhà giáo theo quy định. Tuyển dụng, tiếp nhận và quản lý, sử dụng giáo viên tại các cơ sở giáo dục trực thuộc đảm bảo theo quy định.

Phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố đảm bảo các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp của thành phố.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến các chính sách về giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; kết quả triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp làm tốt công tác quản lý, quản trị nhà trường; bồi dưỡng đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong dạy và học nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Triển khai hiệu quả Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

2. Sở Nội vụ

Trên cơ sở tổng hợp, kiểm tra, đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố về số lượng thừa, thiếu giáo viên của từng trường, từng cấp học, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giao, phân bổ biên chế giáo viên theo quy định và theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Kiểm tra, giám sát, thanh tra việc tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức tại các cơ sở giáo dục theo quy định..

3. Sở Tài chính

Trên cơ sở đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Hải Phòng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố, chủ trì tổng hợp chung trong dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương hằng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện; đồng thời, lồng ghép trong các Chương trình, Đề án, Đề tài được cấp có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định và trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt theo quy định. Cân đối bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm của giáo dục; bảo đảm chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Xây dựng chương trình, kế hoạch thông tin tuyên truyền thường xuyên trên báo chí, Internet và mạng xã hội, các loại hình truyền thông mới về Kết luận số 91- KL/TW và chủ trương, cơ chế, chính sách mới của thành phố; kết quả triển khai thực hiện việc phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, kết quả đồi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của thành phố. Tăng cường nắm bắt dư luận xã hội để có các giải pháp truyền thông kịp thời, hiệu quả.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Ưu tiên tham mưu phê duyệt và hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học với doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên.

6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố

Tiếp tục rà soát, tổ chức, sắp xếp các cơ sở giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp điều kiện thực tế địa phương, bảo đảm thuận lợi, đáp ứng việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Dành quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục khi quy hoạch khu đô thị mới. Chú trọng phát triển và tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục trên địa bàn; nhất là các nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập, tư thục, các trung tâm ngoại ngữ, tin học... Rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy và học tại các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý; nghiên cứu cơ chế, chính sách để thu hút giáo viên đến công tác và gắn bó lâu dài.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư.

5. Trường Đại học Hải Phòng

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp đồng bộ thực hiện hiệu quả Kết luận số 91-KL/TW. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo lộ trình, kế hoạch đề ra; hướng đến mục tiêu đến năm 2030 Trường Đại học Hải Phòng trở thành trường đại học lớn, có uy tín của khu vực Duyên hải Bắc Bộ và trong nước, tiệm cận với các trường trong khu vực Châu Á và thế giới.

8. Các sở, ban ngành, đoàn thể, đơn vị thành phố

Tuyên truyền nội dung cốt lõi, trọng tâm của Kết luận số 91-KL/TW phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Hà Chi

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 2987273
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn