Ngay sau khi Chương trình phối hợp số 162/CTPH-TANDTC-BTP ngày 08/4/2019 giữa Toà án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp được ban hành, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân thành phố đã xây dựng và ký kết Chương trình phối hợp số 1113/CTrPH-TANDTP-STP ngày 19/7/2019 về phối hợp PBGDPL và hòa giải ở cơ sở giữa Tòa án nhân dân thành phố và Sở Tư pháp giai đoạn 2019-2023 trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân thành phố tiếp tục thực hiện ký kết các chương trình phối hợp liên ngành.

Trong 5 năm qua, Sở Tư pháp tổ chức 35 hội nghị, tọa đàm, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên và hòa giải viên cơ sở, cán bộ bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng viên, quản tài viên, giám định viên, tư vấn viên...). Trung bình mỗi lớp tập huấn thu hút từ 350 đến 500 đại biểu tham dự. Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Kỹ năng hòa giải ở cơ sở và một số quy định của pháp luật vận dụng trong hòa giải ở cơ sở, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Hàng năm, Toà án nhân dân hai cấp phối hợp với các thành viên trong Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp tham mưu, đề xuất xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Ngành Tòa án nhằm tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đa dạng hoá các hình thức gắn với chức năng, nhiệm vụ của mình trong đó chú trọng thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng được phổ biến đặc thù của Ngành. Gắn kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.

Trong hoạt động xét xử, các đơn vị Tòa án nhân dân hai cấp kết hợp chặt chẽ với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố - Sở Tư pháp thực hiện tư vấn cho người dân thuộc các đối tượng chính sách, cũng như trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng theo quy định trên tất cả các lĩnh vực: Hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động. Trong 05 năm, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tham gia tố tụng 1.399 vụ việc, 04 vụ đại diện ngoài tố tụng.
Từ năm 2019 đến nay, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân thành phố đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức 05 phiên tòa giả định các vụ án hình sự, có bị can, bị cáo, đương sự… là người chưa thành niên cho học sinh tại các trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn, Đồng Hòa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thái Phiên nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh.
- Tòa án nhân dân thành phố thực hiện đăng tải 25.427 bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đủ điều kiện công khai đều được đăng tải; qua đó tăng tính chất giáo dục, tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trần Hồng