Quyền bí mật đời tư được thừa nhận rộng rãi trong pháp luật nhiều nước trên thế giới và được ghi nhận trong các điều ước quốc tế quan trọng. Thời gian qua, Nhà nước ta nỗ lực xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật hoàn chỉnh và đầy đủ để điều chỉnh về vấn đề này.
Hiện nay, Việt Nam đã công nhận và bảo hộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và pháp luật chuyên ngành.
Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người cũng có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Khoản 2 Điều 46 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 16 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, theo đó: Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý”.
Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định việc xử phạt như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác…
Bên cạnh đó, Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Tại Điều 17 Công ước khẳng định: Không ai bị can thiệp một cách độc đoán và bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín; hoặc bị xúc phạm một cách bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại mọi sự can thiệp và xúc phạm như vậy.
Có thể thấy, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ và hoàn thiện về việc bảo vệ quyền bí mật đời tư. Tuy nhiên, pháp luật về bảo vệ quyền bí mật đời tư còn một số điểm hạn chế, cụ thể như sau:
- Chế tài xử phạt hay xử lý hình sự các tội liên quan đến xâm phạm bí mật đời tư còn chưa đầy đủ, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mới chỉ có một số quy định tại Điều 159 về tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” và Điều 288 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”. Tuy nhiên, 02 tội danh này chưa bao quát các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới thông tin cá nhân đang diễn ra hiện nay.
Một số kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện, bảo đảm quyền bí mật về đời tư của công dân
Thứ nhất, cần phải khắc phục những điểm chưa thống nhất, đồng bộ trong nội dung và kỹ thuật lập pháp giữa các văn bản có liên quan về bảo vệ quyền bí mật đời tư.
Thứ hai, xây dựng các văn bản hướng dẫn rõ hơn về việc bồi thường thiệt hại (chế tài dân sự) đối với chủ thể có hành vi vi phạm theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể thông tin bị xâm hại quyền lợi có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, nghiên cứu tội phạm hóa đối với hành vi thu thập, sử dụng, khai thác, chuyển nhượng trái phép thông tin cá nhân gây hậu quả nghiêm trọng hoặc được thực hiện ở quy mô lớn, từ đó bổ sung các quy định về tội phạm hình sự có liên quan trong Bộ luật Hình sự hiện hành.
Thứ tư, nghiên cứu xây dựng Luật Bảo vệ thông tin cá nhân, trên cơ sở kế thừa một số quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên nền tảng quy định pháp luật hiện nay, nhất là việc quy định đầy đủ hơn các nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân, quy định về việc thu thập và xử lý thông tin cá nhân liên quan tới trẻ em, quy định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình thu thập, lưu trữ, xử lý, khai thác, chuyển giao thông tin cá nhân cùng các biện pháp chế tài nghiêm khắc, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ thông tin cá nhân để xử lý nhiều bất cập trong thực tiễn.