Theo Điều 9 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định như sau:
“1. Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.
2. Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết; không được từ chối bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện được bảo lãnh”.
Theo đó, trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng có thể hiểu là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc bảo lãnh tín dụng dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.
Trách nhiệm và quyền hạn của Quỹ bảo lãnh tín dụng
|

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm và quyền hạn của Quỹ bảo lãnh tín dụng được quy định như sau:
- Thực hiện cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo đúng đối tượng và đáp ứng các điều kiện theo quy định;
- Sử dụng vốn đúng mục đích để thực hiện bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Thực hiện chế độ kế toán, thống kê và báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật có liên quan;
- Chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Cung cấp số liệu, công bố công khai về quy chế hoạt động, cơ chế tài chính, kế hoạch tài chính, kết quả hoạt động của Quỹ và báo cáo tài chính hàng năm đã được kiểm toán theo quy định của pháp luật có liên quan;
- Mua bảo hiểm tài sản, bảo hiểm rủi ro hoạt động bảo lãnh tín dụng và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn cho Quỹ bảo lãnh tín dụng;
- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và các quy định khác có liên quan đến hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng…
Như vậy, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có trách nhiệm phải bảo hiểm rủi ro hoạt động bảo lãnh tín dụng theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn cho Quỹ.
Mức bảo lãnh tín dụng tối đa có thể cấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
|
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, mức bảo lãnh tín dụng tối đa có thể cấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
- Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tối đa bằng 100% giá trị khoản vay (bao gồm cả vốn lưu động và vốn trung, dài hạn) tại tổ chức cho vay. Căn cứ vào tính khả thi, mức độ rủi ro của doanh nghiệp, dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của Quỹ, Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét, quyết định cụ thể mức bảo lãnh cho doanh nghiệp.
- Bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng bao gồm một trong các trường hợp sau đây:
+ Bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay của bên được bảo lãnh tại các tổ chức cho vay;
+ Bảo lãnh nghĩa vụ trả lãi khoản vay của bên được bảo lãnh tại các tổ chức cho vay;
+ Bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ gốc và nợ lãi khoản vay của bên được bảo lãnh tại các tổ chức cho vay và phải được quy định cụ thể tại hợp đồng bảo lãnh tín dụng.
- Căn cứ vào khả năng tài chính, quản trị điều hành của Quỹ bảo lãnh tín dụng, tính khả thi và mức độ rủi ro của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét, quyết định phạm vi bảo lãnh tín dụng theo quy định và phải được quy định cụ thể tại hợp đồng bảo lãnh tín dụng.
Như vậy, mức bảo lãnh tín dụng tối đa mà quỹ bảo lãnh tín dụng có thể xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng 100% giá trị khoản vay (bao gồm cả vốn lưu động và vốn trung, dài hạn) tại tổ chức cho vay.
Mức bảo lãnh cụ thể được căn cứ vào tính khả thi, mức độ rủi ro của doanh nghiệp, dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của Quỹ.
Huy Hưng