Ngày 07/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Nghị định số 85/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 07/12/2023 với nhiều quy định mới, cụ thể:
1. Mở rộng về thẩm quyền xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức
Nghị định số 85/2023/NĐ-CP quy định đối tượng xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức gồm:
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên;
- Cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên;
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan quản lý viên chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng.
Như vậy, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức so với trước đây, qua đó việc tuyển dụng viên chức sẽ phù hợp hơn với mục tiêu, nhu cầu tuyển dụng của cơ quan, đơn vị.
2. Bổ sung đối tượng được cộng điểm ưu tiên
Ngoài các đối tượng được cộng điểm ưu tiên theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (bao gồm: Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B được cộng 7,5 điểm; Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội hoặc công an, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh… được cộng 5,0 điểm; Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong được cộng 2,5 điểm); Nghị định số 85/2023/NĐ-CP bổ sung đối tượng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân được cộng 1,5 điểm vào kết quả vòng 2 trong thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức.

3. Thi tuyển viên chức với nhiều quy định mới
* Việc thi tuyển viên chức trải qua 2 vòng thi; trong đó: vòng 1 thi kiểm tra kiến thức chung bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính (gồm Phần I thi Kiến thức chung và Phần II thi Ngoại ngữ); vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.
Đối với vòng 1, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP đã bỏ quy định thi tin học, đồng thời bổ sung quy định trường hợp đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì được miễn thi Phần I. Đối với vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì không phải tổ chức thi Phần II.
* Về thi môn nghiệp vụ chuyên ngành: Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa hình thức thi “Phỏng vấn” nêu trong Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thành hình thức thi “Vấn đáp” và bổ sung quy định: Trường hợp lựa chọn thi viết thì được lựa chọn một trong ba hình thức: Trắc nghiệm hoặc tự luận hoặc trắc nghiệm kết hợp với tự luận.
Ngoài ra, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP còn quy định theo hướng tăng thẩm quyền cho cơ quan, đơn vị tuyển dụng, cụ thể: Căn cứ vào nhu cầu và đặc thù của cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định yêu cầu cao hơn về nội dung, hình thức, thời gian thi vòng 2. (Trước đây theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì phải thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ trước khi thực hiện). Điều này giúp tăng tính chủ động đối với người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.
* Về thi môn ngoại ngữ: Nghị định số 85/2023/NĐ-CP bổ sung quy định: Trường hợp tổ chức thi ngoại ngữ thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ; Nếu đạt kết quả thì được coi là đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ.
Đối với các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngoài việc kế thừa Nghị định số 115/2020/NĐ-CP còn bổ sung một số trường hợp được miễn thi ngoại ngữ như sau: Có bằng tốt nghiệp chuyên môn chuẩn đầu ra về ngoại ngữ theo quy định có giá trị tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn về ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển.
4. Quy định về việc trúng tuyển viên chức: Ưu tiên thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan
- Thẩm quyền quyết định cao nhất thuộc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng: Nghị định số 85/2023/NĐ-CP quy định: Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm tính vòng 2 bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người trúng tuyển là người đạt kết quả thi phần thi kiến thức chung tại vòng 1 cao hơn (nếu có). Trường hợp vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định người trúng tuyển.
- Bổ sung ứng viên được đăng ký 2 nguyện vọng: Trường hợp ứng viên đăng ký 02 nguyện vọng nhưng không trúng tuyển ở nguyện vọng 1 thì được xét ở nguyện vọng 2 nếu vị trí việc làm đăng ký ở nguyện vọng 2 vẫn còn chỉ tiêu tuyển dụng sau khi đã xét hết nguyện vọng 1, bao gồm cả việc xét nguyện vọng của người có kết quả trúng tuyển thấp hơn liền kề theo quy định.
Trường hợp có 02 người trở lên bằng điểm nhau ở nguyện vọng 2 thì người trúng tuyển được xác định là người đạt kết quả thi phần thi kiến thức chung cao hơn (nếu có).
5. Quy định mới trong xét tuyển viên chức
Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và Nghị định số 85/2023/NĐ-CP đều quy định việc xét tuyển viên chức được thực hiện theo 02 vòng; tuy nhiên, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP bổ sung quy định tại vòng 1 như sau: Trường hợp vị trí việc làm yêu cầu trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng phải thông báo cụ thể yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu có một trong các văn bằng, chứng chỉ theo quy định thì được sử dụng thay thế. Nếu không có văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp thì Hội đồng xét tuyển tổ chức sát hạch để đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng. Việc quy định này nằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các ứng viên dự tuyển.
Hội đồng tuyển dụng kiểm tra việc đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ theo thông tin người dự tuyển kê khai tại Phiếu đăng ký dự tuyển. Sau khi trúng tuyển, người trúng tuyển nộp bản sao văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định.
6. Quy định mới về tiếp nhận viên chức
Nghị định số 85/2023/NĐ-CP bổ sung một số quy định mới về tiếp nhận viên chức như:
- Người tốt nghiệp tiến sĩ trở lên (được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định) đang làm việc tại cơ quan, tổ chức có trụ sở hoặc chi nhánh được thành lập ở nước ngoài hoặc tại cơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở hoặc chi nhánh được thành lập ở Việt Nam, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đủ 03 năm công tác trở lên làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận.
- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của pháp luật, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.
7. Quy định rõ ràng hơn về trường hợp viên chức không phải tập sự
Nghị định số 85/2023/NĐ-CP quy định: Các trường hợp được tuyển dụng vào viên chức không phải thực hiện chế độ tập sự nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: (1) Được bố trí làm công việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo và theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ của công việc trước đây đã đảm nhiệm; (2) Thời gian công tác làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục thì được cộng dồn), bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng theo quy định.
Trường hợp đáp ứng điều kiện (1) nhưng chưa đủ thời gian theo quy định tại (2) thì thời gian đã công tác được trừ vào thời gian tập sự theo quy định. Đáng chú ý, theo quy định mới, những người này được hưởng 100% lương và phụ cấp (nếu có). Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải cử viên chức tham gia khóa bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm.
8. Bổ sung trường hợp xem xét miễn nhiệm viên chức quản lý
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định 05 trường hợp viên chức quản lý bị xem xét miễn nhiệm trong khi nội dung này ở Nghị định số 85/2023/NĐ-CP là 07 trường hợp. Như vậy, quy định mới đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các chức danh giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Cụ thể, việc xem xét miễn nhiệm đối với viên chức quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà cấp có thẩm quyền xác định là năng lực hạn chế, uy tín giảm sút;
- Bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo 02 lần trở lên trong cùng thời hạn bổ nhiệm;
- Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định (mới).
- Có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;
- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và đơn vị nơi đang công tác;
- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm;
- Viên chức quản lý là người đứng đầu để đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng (mới).
9. Những điểm mới khác
- Bỏ hình thức thi tuyển viên chức (bằng bài thi viết) trên giấy: Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định 02 hình thức thi tuyển đó là thi trên máy tính hoặc thi trên giấy. Nghị định số 85/2023/NĐ-CP chỉ quy định 01 hình thức thi trên máy tính và thí sinh được thông báo kết quả vòng 1 ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài thi. Quy định này vừa đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch vừa phù hợp với yêu cầu của thời kỳ “chuyển đổi số” trong giai đoạn hiện nay. Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả thi vòng 1.
- Bỏ hình thức thi thăng hạng viên chức: Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định 02 hình thức thăng hạng viên chức là thi hoặc xét thăng hạng viên chức. Nghị định số 85/2023/NĐ-CP bỏ quy định thi thăng hạng, chỉ quy định về xét thăng hạng viên chức. Điều này phù hợp với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc rà soát văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023 nêu trong Thông báo số 319/TB-VPCP ngày 11/8/2023.
- Không giới hạn số lần bổ nhiệm lại viên chức: Theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì thời hạn viên chức giữ một chức vụ quản lý không quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp. Hiện nay, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP quy định: Viên chức quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế để giữ một chức vụ quản lý, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành.
- Quy định rõ trường hợp miễn tập sự: Nghị định số 85/2023/NĐ-CP bổ sung quy định: Trường hợp đáp ứng điều kiện được bố trí làm công việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo và theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ của công việc trước đây đã đảm nhiệm nhưng chưa đủ thời gian công tác làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian đã công tác được trừ vào thời gian tập sự theo quy định. Đối với các trường hợp không phải thực hiện chế độ tập sự được hưởng 100% tiền lương và các loại phụ cấp (nếu có).
Phạm Liên, Trường chính trị Tô Hiệu