TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 28/06/2022 15:00

​​​​​​​ Ai chịu trách nhiệm khi gia súc thả rông gây tai nạn?

Hỏi: Thời gian qua, trên nhiều tuyến đường (cả quốc lộ và tỉnh lộ, huyện lộ), tình trạng thả rông gia súc không phải hiếm gặp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Vậy ai chịu trách nhiệm khi gia súc thả rông gây tai nạn?

( Thu Thủy, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên)

Trả lời: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới” (khoản 2 Điều 34). Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 35 nêu ra một trong số những hành vi không được thực hiện là: “Thả rông súc vật trên đường bộ”.

Do vậy, với những trường hợp vật nuôi, súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng. Cụ thể:

Xử phạt vi phạm hành chính:

Căn cứ Điều 10, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ:

- Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng nếu không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố; điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông; để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển;

- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ.

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định.

Truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Trường hợp gây tai nạn giao thông làm chết người, chủ sở hữu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 đến 05 năm.

- Trường hợp vô ý làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 đến 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.

Trách nhiệm dân sự

Chủ sở hữu có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gia súc của mình gây ra theo quy định của pháp luật, cụ thể:

- Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 2035480
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn