1. Xin cho biết nguyên tắc thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai?
Điều 14 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/07/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều quy định nguyên tắc thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai như sau:
- Chủ động sử dụng nguồn lực tại chỗ để khắc phục hậu quả thiên tai, trường hợp vượt quá khả năng cân đối của bộ, ngành, địa phương, báo cáo, đề xuất gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ.
- Đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
- Ưu tiên hỗ trợ dân sinh, phục hồi sản xuất và khắc phục khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai và công trình xây dựng thiết yếu.
- Khôi phục, sửa chữa, xây dựng lại đảm bảo bền vững hơn.
2. Việc thống kê, đánh giá thiệt hại thiên tai như thế nào?
Điều 15 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định thống kê, đánh giá thiệt hại thiên tai như sau:
- Công tác thống kê, đánh giá thiệt hại được thực hiện ngay sau khi thiên tai xảy ra và được cập nhật thường xuyên cho đến khi có báo cáo tổng hợp thiệt hại đợt thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định.
3. Xác định, tổng hợp, đề xuất nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai như thế nào?
Điều 15 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định:
- Căn cứ tình hình thiên tai và thiệt hại, ảnh hưởng của thiên tai đến các mặt đời sống, sản xuất và cơ sở hạ tầng; các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xác định nhu cầu, hình thức, đối tượng và nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu báo cáo.
- Trách nhiệm xác định, tổng hợp, đề xuất nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ:
+ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm xác định, tổng hợp thiệt hại, đề xuất nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ trên địa bàn quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm báo cáo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên trong trường hợp vượt quá khả năng của địa phương;
+ Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai trong trường hợp vượt quá khả năng;
+ Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
* Nguồn lực cho cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai: Thực hiện theo quy định sau:
- Nguồn lực cho cứu trợ khẩn cấp bao gồm lương thực, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước và môi trường thuộc dự trữ quốc gia; kinh phí dự phòng hằng năm từ ngân sách nhà nước; Quỹ phòng, chống thiên tai và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ quốc tế.
- Nguồn lực cho hỗ trợ trung hạn bao gồm lương thực, hàng hóa dự trữ của Nhà nước; ngân sách nhà nước; Quỹ phòng, chống thiên tai và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ quốc tế.
- Nguồn lực cho hỗ trợ dài hạn bao gồm ngân sách nhà nước và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ quốc tế.
- Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai:
+ Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai bao gồm:
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai;
Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền;
Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền;
Tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền;
Người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
+ Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định trên cơ sở nguồn nhân lực quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, bao gồm dân quân ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu; dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương.
- Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai:
+ Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hằng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính.
+ Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp.
Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Dự phòng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng theo quy định sau đây:
Hỗ trợ cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;
Căn cứ vào hoạt động ứng phó, mức độ thiệt hại, nhu cầu cứu trợ và chế độ, chính sách, Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương để xử lý nhu cầu khẩn cấp cho ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ngoài dự toán chi hằng năm đã được phê duyệt;
Trường hợp dự phòng ngân sách địa phương đã sử dụng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của địa phương và đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định.
+ Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai với mức độ nghiêm trọng, phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.”.
+ Các nguồn lực hợp pháp khác.
4. Hỗ trợ về hàng hóa, dân sinh khắc phục hậu quả thiên tai như thế nào?
Điều 18 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định về hỗ trợ về hàng hóa, dân sinh khắc phục hậu quả thiên tai như sau:
- Hàng hóa thuộc dự trữ quốc gia
Việc phân phối, hỗ trợ hàng hóa thuộc dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng hóa dự trữ quốc gia.
- Hỗ trợ về dân sinh
+ Hỗ trợ về dân sinh bao gồm hỗ trợ về lương thực, hỗ trợ chi phí điều trị cho người bị thương nặng, hỗ trợ chi phí mai táng cho hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai;
+ Đối tượng được hỗ trợ gồm người dân, hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai;
+ Mức hỗ trợ, quy trình, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
- Hỗ trợ về nhà ở bị thiệt hại do thiên tai
+ Đối tượng được hỗ trợ gồm người dân, hộ gia đình có nhà ở bị thiệt hại do thiên tai theo quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
+ Mức hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ, trình tự, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; trường hợp thiên tai gây thiệt hại lớn về nhà ở, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư được quy định thế nào?
Điều 19 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư như sau:
- Căn cứ quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai tại Điều 12 Nghị định này, Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp triển khai hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư, đảm bảo kịp thời, an toàn tính mạng cho người dân.
- Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã huy động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và các lực lượng tại chỗ rà soát, xác định số hộ cần di dời khẩn cấp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Ủy ban nhân dân cấp xã chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc xác minh, báo cáo kịp thời Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện về số hộ cần di dời khẩn cấp và nhu cầu hỗ trợ di dời.
- Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện tổng hợp về số hộ cần di dời khẩn cấp và nhu cầu hỗ trợ di dời, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Căn cứ quy định Luật Đất đai, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và các quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất, bố trí chỗ ở cho các hộ dân cần di dời; quyết định huy động kinh phí, lực lượng, trang thiết bị, vật tư và các tổ chức, cá nhân liên quan theo thẩm quyền để triển khai thực hiện. Trường hợp vượt quá khả năng, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo, đề xuất Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.
- Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu các huyện, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Căn cứ quy định Luật Đất đai, Luật Trưng mua trưng dụng và các quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất, bố trí nơi ở cho các hộ dân cần di dời; quyết định huy động kinh phí, lực lượng, trang thiết bị, vật tư và các tổ chức, cá nhân liên quan theo thẩm quyền để hỗ trợ di dời. Trường hợp vượt quá khả năng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời xử lý.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh huy động các nguồn lực hợp pháp và quy định trình tự chi tiết, tổ chức thực hiện phù hợp với đặc thù của địa phương.
6. Vận động, quyên góp và phân bổ nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai ra sao?
Điều 20 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định vận động, quyên góp và phân bổ nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai như sau:
- Vận động, quyên góp và phân bổ nguồn lực trong nước
Việc tổ chức huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực trong nước theo quy định tại Điều 11, Điều 33 Luật Phòng chống thiên tai, khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
- Huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực quốc tế
Việc huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực quốc tế để cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai được thực hiện theo các quy định về quản lý và sử dụng viện trợ phát triển chính thức, viện trợ phi chính phủ nước ngoài; quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.