Hỏi: Vi bằng có thay thế được văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác hay không?
(Nguyễn Hà, phường An Hồng, quận Hồng Bàng)
Trả lời:
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về lập vi bằng như sau:
- Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không được lập vi bằng.
- Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
- Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.
Theo đó, vi bằng chỉ là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác, không phải là cơ sở pháp lý để thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, mua bán tài sản đặc biệt bất động sản.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người dân hiểu nhầm về giá trị pháp lý của vi bằng và thực hiện việc mua bán bất động sản thông qua hình thức lập vi bằng và không ít trường hợp người mua đã bị thiệt hại. Đa số các trường hợp mua bán thông qua hình thức lập vi bằng là do bất động sản không đủ điều kiện giao dịch nên không thể thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch theo quy định. Chính vì vậy, người dân cần lưu ý không thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua hình thức lập Vi bằng để tránh các rủi ro, phát sinh các tranh chấp, gây thiệt hại tài sản của cá nhân, tổ chức.
Hỏi: Tôi được biết Nhà nước có chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho người khuyết tật, vậy cụ thể những quy định đó là gì?
Trả lời:
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Nhiều chính sách về người khuyết tật ban hành mới và điều chỉnh phù hợp với thực tế, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật. Trong lĩnh vực tư pháp, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định người khuyết tật được trợ giúp pháp lý như sau:
1. Người khuyết tật có khó khăn về tài chính là người khuyết tật thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.
2. Người khuyết tật thuộc các diện người được trợ giúp pháp lý khác như: Người có công với cách mạng; Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi...
Đồng thời, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định các quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật khi được trợ giúp pháp lý như sau:
*Người khuyết tật được trợ giúp pháp lý có các quyền, gồm:
- Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.
- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.
- Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định.
- Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
*Người khuyết tật được trợ giúp pháp lý có nghĩa vụ:
- Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
- Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.
- Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết.
- Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
Như vậy, khi có nhu cầu được trợ giúp pháp lý, người khuyết tật sinh sống trên địa thành phố Hải Phòng có thể liên hệ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hải Phòng (địa chỉ số 112 đường Lê Duẩn, phường Quán Trữ, quận Kiến An) để được hướng dẫn và giải quyết.