Theo thống kê của Công an thành phố, những năm gần đây, trung bình mỗi năm, ô tô cá nhân trên địa bàn thành phố tăng từ 8% đến 10%. Cùng với đó nhu cầu học giấy phép lái xe ô tô cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Song, các vụ tai nạn liên quan xe tập lái cũng xảy ra, đòi hỏi công tác dạy và quản lý trong lĩnh vực này cần chặt chẽ hơn, phòng ngừa rủi ro khi tham gia giao thông.
Không thể lơ là
Đã quen với việc nhìn thấy những chiếc xe ô tô gắn biển “xe tập lái” chạy lòng vòng, lùi tới lùi lại ở khu đô thị Nam Sông Lạch Tray, phường Anh Dũng (quận Dương Kinh), tuy nhiên, chiều ngày 29-3 vừa qua, bác Hoàng Văn Giang, người dân sống ở đây được phen hú vía khi chứng kiến chiếc xe tập lái bỗng rồ ga lao lên vỉa hè. “Rất may, không có tai nạn về người, song nếu đổi lại là đường giao thông đông người thì không biết hậu quả sẽ ra sao khi tập lái xe như vậy” - Bác Giang ngao ngán lắc đầu.
Quả thật, ẩn họa từ những chiếc xe tập lái là điều khiến nhiều người dân lo ngại. Vụ tai nạn do xe tập lái gây ra ngày 27-3 vừa qua tại đường 363 thôn Kim Đới 2, xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy) càng làm dấy lên nỗi lo này. Theo người dân chứng kiến vụ việc, thời điểm xảy ra tai nạn, xe ô-tô tập lái mang biển kiểm soát 15A-558.01 chạy với tốc độ cao bất ngờ lao vào lề đường tông trúng với anh Đinh Văn G ở phường Hưng Đạo (quận Dương Kinh) và tông tiếp vào khu vực hàng rào gần đó mới dừng lại. Thời điểm xảy ra tai nạn, có giáo viên ngồi cạnh học viên trên xe. Hậu quả, anh G. bị thương, vụ việc đang được Công an huyện Kiến Thụy điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định.
Hiện, chưa có thống kê chính thức về số vụ tai nạn do xe tập lái gây ra, nhưng từ các vụ tai nạn dẫn đến thương vong trên địa bàn thành phố, cũng như trên toàn quốc, có thể nhận thấy ô tô tập lái đã và đang trở thành nguy cơ gây nguy hiểm cho những người cùng lưu thông trên đường. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, do bận công việc, lại mang tâm lý học cho nhanh, nhiều người chọn cách thuê thầy dạy lái riêng thay vì đến các trường, trung tâm dạy lái xe học bài bản theo quy định trong các sa hình trước khi lưu thông ra đường. Chị Nguyễn Thị Linh, ở đường Phạm Văn Đồng, phường Hải Thàn, quận Dương Kinh chia sẻ: Do được giới thiệu, chị đăng ký học lái xe trực tiếp với giáo viên. Chỉ sau khoảng 3 ngày làm quen xe, giáo viên để chị và các học viên khác cầm vô lăng, lái thử tại đường nội bộ khu dân cư hoặc các tuyến đường giao thông. Khi đó, chị thực sự lo lắng do mình chưa có kỹ năng lái xe. Cũng may chị lái xe không xảy ra tai nạn gì, song việc các học viên không may đâm xe vào vỉa hè, thậm chí vọt ga khi đang tập lái… là chuyện không lạ.

Hình ảnh vụ tai nạn xe do xe tập lái gây ra ngày 27-3 vừa qua tại xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy).
Ảnh: Người dân cung cấp.
Người dạy lái nâng cao trách nhiệm
Có thể thấy, việc dạy và học lái xe ô tô không phải lúc nào cũng tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Sự chủ quan của cả giáo viên dạy lái ô tô và người học dễ gây tiềm ẩn các vụ tai nạn giao thông nguy hiểm cho bản thân và những người chung quanh.
Chánh Thanh tra Sở Giao thông- Vận tải ông Hoàng Tiến Nam cho biết: Để bảo đảm an toàn, các cơ sở đào tạo, giáo viên dạy thực hành và các học viên tập lái cần nghiêm túc thực hiện các quy định chung quanh về ô tô tập lái trong Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải. Giáo viên dạy thực hành phải cho học viên chạy đúng tuyến đường, thời gian quy định trong giấy phép xe tập lái, luôn luôn ngồi trong xe và có thẻ giáo viên trong quá trình dạy thực hiện trên đường… Thời gian tới, đơn vị tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện các xe tập lái vi phạm, cơ sở tổ chức đào tạo lái xe không đúng quy định, đơn vị sẽ nhắc nhở và xử phạt nghiêm theo quy định.

Giáo viên và học viên thực hành lái xe trong sân tập lái của Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe (Trường cao đẳng GTVT Trung ương 2).
Ảnh: Hải Vân
Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ, người tập lái ôtô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái. Nếu xe tập lái gây tai nạn, tùy theo mức độ lỗi, hậu quả cụ thể, học viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự, giáo viên tội “Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trong quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự, trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe nơi người học đăng ký cũng sẽ phải bồi thường theo Điều 600 của Bộ luật dân sự.
Như vậy, mỗi vụ tai nạn khi xảy ra, dù không mong muốn cả 3 bên đều phải chịu trách nhiệm. Do đó, để hạn chế tình trạng mất an toàn giao thông do các ô tô tập lái gây ra, công tác quản lý của đơn vị đào tạo lái xe, ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật trong công tác đào tạo, thực hành lái xe của mỗi giáo viên và học viên là yếu tố quan trọng nhất để phòng ngừa các vụ việc đáng tiếc từ hoạt động tập lái xe tiềm ẩn gây ra.
Tuệ Minh