TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/10/2024 08:53

Thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng góp phần bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ IX đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật An ninh mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật này gồm có 7 chương với 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan... Sự ra đời Luật An ninh mạng góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân trên không gian mạng.

Sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng

Luật An mạng góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống Nhà nước, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động.

Không chỉ vậy, Luật còn có ý nghĩa trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, chiến tranh mạng khi hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin nước ta ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ tác nhân tiến hành hoạt động gián điệp mạng, sử dụng không gian mạng để chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước, đặc biệt là hoạt động xâm nhập, tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; thông qua đó sẽ góp phần hạn chế và tiến tới không còn tình trạng đăng tải bí mật nhà nước trên mạng Internet do chủ quan hoặc thiếu kiến thức an ninh mạng; bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và áp dụng các biện pháp cần thiết, tương xứng. Đây là hệ thống thông tin của các mục tiêu, cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, cơ quan chứa đựng bí mật nhà nước, nếu bị tấn công, xâm nhập, phá hoại, chiếm đoạt thông tin có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Mặt khác, hiện nay công tác quản lý nhà nước về an ninh thông tin, an ninh mạng tại các bộ, ban, ngành cũng như các địa phương trong cả nước còn thiếu tính đồng bộ và tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc. Từ những yêu cầu bức thiết đó mà Quốc cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng. Đây cũng là xu thế chung của mọi quốc gia trên thế giới. Cho dù việc đặt tên đạo luật này ở mỗi nước có sự khác nhau nhưng điểm chung là đều hướng đến mục tiêu bảo vệ an ninh thông tin quốc gia, bảo vệ con người và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Như vậy, có thể khẳng định, việc ban hành Luật An ninh mạng ở nước ta là vô cùng cấp thiết, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.

Luật An ninh mạng bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Điều này được thể hiện ở những nội dung cơ bản nêu sau:

Một là, Luật An ninh mạng trực tiếp bảo vệ những quyền cơ bản của con người phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam. Cụ thể, Luật An ninh mạng bảo vệ quyền con người phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc, Tuyên ngôn về quyền con người của Đại hội đồng Liên hiệp quốc năm 1948; Phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Dân sự năm 2015… Phạm vi bảo vệ quyền con người tập trung vào các nội dung sau: Quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật được pháp luật bảo vệ; quyền không bị can thiệp vào đời tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín; quyền không bị xâm hại danh dự hay uy tín cá nhân; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo của công dân và quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân... Hơn nữa, Luật An ninh mạng còn giúp phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hai là, các thế lực thù địch cho rằng Luật An ninh mạng xâm phạm quyền tự do ngôn luận, cấm người sử dụng Internet truy cập Facebook, Google, Youtube… Thực tế, Luật An ninh mạng không có quy định nào ngăn cản, xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân. Mọi hoạt động liên lạc, trao đổi thông tin, kinh doanh, mua bán của cá nhân, tổ chức… không hề bị ngăn cản, cấm đoán miễn là những hoạt động đó thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật. Cụ thể, Luật quy định bảo vệ các hoạt động tự do ngôn luận, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi mua bán, kinh doanh, trao đổi trên không gian mạng. Mặt khác, Luật An ninh mạng quy định công dân có quyền truy cập các trang mạng xã hội của Facebook, Google, Youtube… hay bất kỳ trang mạng xã hội nào khác ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, người sử dụng những mạng xã hội nếu vi phạm pháp luật Việt Nam đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ba là, Luật An ninh mạng không làm lộ thông tin cá nhân, không kiểm soát thông tin cá nhân. Theo quy định của Luật An ninh mạng, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật về kinh doanh, về cá nhân, về gia đình, về đời sống riêng tư trên không gian mạng… Nếu các cá nhân hoặc tổ chức có những hành vi vi phạm pháp luật an ninh mạng thì cơ quan có thẩm quyền mới yêu cầu cung cấp các thông tin để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật đó. Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) phải tuân theo một trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Bốn là, Luật An ninh mạng góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Luật An ninh mạng của nước ta quy định cụ thể các nhóm hành vi vi phạm bao gồm: thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

 Để bảo vệ an ninh mạng, Luật đã quy định hệ thống các biện pháp cụ thể tại khoản 1 Điều 5 của Luật, như: Thẩm định an ninh mạng; Đánh giá điều kiện an ninh mạng; Kiểm tra an ninh mạng; Giám sát an ninh mạng; Ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng; Đấu tranh bảo vệ an ninh mạng; Sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin mạng; Ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet, sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật; Yêu cầu xóa bỏ, truy cập xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; Phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật; Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Biện pháp khác theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Một số giải pháp thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng trong giai đoạn hiện nay

Để thực thi có hiệu lực và hiệu quả Luật An ninh mạng trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung thực hiện một số giải pháp nêu sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là vai trò của báo chí về vấn đề an ninh mạng và trách nhiệm của công dân đối với việc bảo đảm an ninh mạng trong giai đoạn nay. Nội dung tuyên truyền phải mang tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng khu vực, từng địa bàn.

Thứ hai, khẳng định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đấu tranh kiên quyết đối với một vài hiện tượng nói và làm chưa đúng với Cương lĩnh và Nghị quyết của Đảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng trong việc chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc phát tán những đơn thư nặc danh, mạo danh có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động.

Thứ ba, chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thi hành Luật An ninh mạng; tăng cường chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong an ninh mạng, đặc biệt là những thông tin mang tính bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ của các thế lực thù địch.

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tình hình chính trị - xã hội ổn định, thân thiện, an toàn và phát triển. Tuy nhiên, hàng năm hệ thống mạng thông tin nước ta bị ảnh hưởng bởi hàng ngàn cuộc tấn công mạng, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Việc xây dựng, tạo lập môi trường thông tin mạng lành mạnh, an toàn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, công chức và mỗi người dân nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia và phát triển đất nước một cách bền vững./.

ThS Phạm Thị Liên - GVC Khoa Nhà nước và Pháp luật,

 Trường Chính trị Tô Hiệu Hải Phòng

 

Lượt truy cập: 2818442
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn