Thời gian qua, những thông tin, clip về các vụ đánh nhau của học sinh được chia sẻ rộng rãi trên mạng Internet đã và đang khiến dư luận lo ngại và phẫn nộ về sự gia tăng cùng tính chất côn đồ, hung hãn của đối tượng gây ra các vụ bạo lực học đường. Nạn nhân trong đa số các vụ việc thường là một người, bị một nhóm học sinh dùng chân tay đấm đá, cá biệt có vụ dùng hung khí (dao), mũ bảo hiểm... gây thương tích.
Mặc dù các cấp, các ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp và triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong các trường học và phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật hay các văn bản hướng dẫn vẫn chưa có chế tài cụ thể trong giải quyết các vụ bạo lực học đường, chưa có quy định trách nhiệm cho từng cá nhân liên quan, nhất là đối với các trường hợp chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, do vậy, trên thực tế việc xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe.
Ngày 17/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 05/9/2017.

Theo đó, phòng chống bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của mỗi giáo viên, mỗi cán bộ quản lý trong cơ sở giáo dục và lớp độc lập thuộc phạm vi quản lý của mình mà là trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội.
Theo Điều 2 Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định: bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra tại cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
Với vai trò của người thầy, người làm công tác giáo dục, giáo viên và cán bộ quản lý trường học phải có trách nhiệm phòng chống bạo lực học đường, biến trường học thành một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện với mỗi học sinh, tạo một môi trường giáo dục, học tập, rèn luyện và phát triển bình đẳng, nhân ái cho mỗi người học.
Bên cạch đó, cũng có trường hợp hợp việc một số giáo viên không ngăn chặn và bao che cho hành vi bạo lực học đường, thậm chí bạo hành với học trò là đi ngược lại với trách nhiệm của người làm công tác giáo dục, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Quy định về đạo đức nhà giáo do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 16-4-2008 cũng quy định lối sống, tác phong của nhà giáo như sau: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp. Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật.
Những giáo viên, các bộ quản lý giáo dục nếu vi phạm đạo đức nghề nghiệp có thể bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ - Công chức hoặc Luật Viên chức. Tùy thuộc vào mức độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi mà cá nhân đó sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt bạo lực học đường cần có sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội. Đã đến lúc pháp luật và ngành giáo dục phải có những biện pháp mạnh đối với các hành vi bạo lực diễn ra trong học đường. Các ban, ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình cần quan tâm, giáo dục học sinh và con em mình; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong phòng chống bạo lực học đường cho học sinh, sinh viên. Đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp, quản lý chặt chẽ, giáo dục về lối sống, đạo đức, pháp luật cho học sinh; chủ động phát hiện, răn đe, xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên và học sinh có hành vi liên quan đến bạo lực học đường để giáo dục, phòng ngừa chung. Chung tay đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường là góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục, vì những thế hệ tương lai của đất nước.
Thu Huyền