Ngày 15/3 hằng năm là Ngày quyền của người tiêu dùng và tháng 3 luôn là tháng cao điểm mà các cấp, ngành triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều người dân mong mỏi, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2024 tới đây sẽ phát huy hiệu quả, là bước đột phá trong bảo vệ quyền của người tiêu dùng.
Nhiều điểm mới có lợi
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội khóa 15 thông qua tháng 6/2023. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, lần sửa đổi, bổ sung này, Luật được hoàn thiện toàn diện, kịp thời bổ sung nhiều quy định và điều chỉnh các vấn đề mới, phù hợp với xu hướng phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, khu vực và trên thế giới. Trong đó, lần đầu tiên quy định về sản xuất, tiêu dùng bền vững được đề cập chính thức, cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để mở rộng phạm vi triển khai các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Đặc biệt, luật đã bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ…
Luật cũng quy định tách biệt, cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân từng cấp; bổ sung trách nhiệm xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại trung ương và các cấp địa phương…
Đồng thời, với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp, bán hàng trên nền tảng số, Luật cấm thực hiện hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; cấm hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng.

Khách hàng xem và mua hàng tại Trung tâm thương mại
Aeonmall Hải Phòng (quận Lê Chân).
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung các nhóm quy định để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, như quy định về phân loại và xác định trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; phân loại trách nhiệm của một số mô hình kinh doanh có các yếu tố đặc thù. Cùng với đó, luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc công bố, công khai các thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. Liên quan tới các phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, luật mới cũng hoàn thiện quy định có tính đột phá, tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong việc áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mỗi cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ luật
Để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào đời sống, công tác tuyên truyền là hoạt động quan trọng, cần được ưu tiên thực hiện để bảo đảm mọi chủ thể đều hiểu và tuân thủ các quy định của luật.
Chủ tịch Hội luật gia thành phố Trần Ngọc Vinh khẳng định: Để các quy định tại Luật đi vào cuộc sống và đáp ứng được mục tiêu xây dựng Luật, việc triển khai và giám sát thực thi là vô cùng quan trọng. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Do vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương sớm xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trước hết là tới các cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sau là các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Việc tăng cường hiệu quả thực thi của Luật cần gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu quản lý.
Còn theo ông Nguyễn Đình Minh, Chủ tịch Hội đo lường và bảo vệ tiêu dùng Hải Phòng cho biết: Bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng mới là chủ thể quan trọng và giữ vai trò quyết định trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi vậy, về phía doanh nghiệp cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn. Người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, mạnh dạn lên tiếng đề xuất, khiếu nại khi gặp vấn đề bị xâm hại quyền lợi. Có như vậy, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội về quyền người tiêu dùng mới biết và có cơ sở để vào cuộc.

Khách hàng xem và mua hàng tại phố Nguyễn Khuyến (quận Ngô Quyền).
Có thể nói, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có hiệu lực là căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ khi có sự quyết liệt vào cuộc của cả cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội cũng như chính doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc thực thi và áp dụng pháp luật thì quyền lợi người tiêu dùng mới thực sự được bảo vệ đúng nghĩa.
Bài và ảnh: Phạm Hải Vân