Thực hiện Kế hoạch số 05/KH-BCĐNQ ngày 14/10/2024 của Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ về việc triển khai đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới; nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin đối ngoại về nhân quyền mạnh mẽ trước thời điểm Việt Nam bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước Chống tra tấn (CAT), bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và việc tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028; Ban Chỉ đạo Nhân quyền thành phố xây dựng kế hoạch số 130 /KH-BCĐNQ ngày 31/10/2024 để triển khai đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức về nội dung, ý nghĩa của Ngày Nhân quyền thế giới (10/12); nỗ lực thúc đẩy, bảo đảm, bảo vệ quyền con người tại Việt Nam nói chung, thành phố Hải Phòng nói riêng trên các lĩnh vực; nhấn mạnh thành tựu của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới, trọng tâm là thành tựu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền của các nhóm yếu thế; quyền của người lao động...; bồi đắp niềm tin của Nhân dân về Đảng, Nhà nước và công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới; nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của công tác bảo vệ và đấu tranh về quyền con người; nâng cao ý thức cảnh giác trước các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, vu cáo, của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam.
* Thời gian tuyên truyền: từ ngày 01/11/2024 - 31/12/2024
* Trước thời điểm Ngày Nhân quyền thế giới (Từ ngày 01/11 đến 09/12/2024)
- Tập trung tuyên truyền về nội dung, giá trị lý luận và thực tiễn của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 của Liên hợp quốc; ý nghĩa của Tuyên ngôn đối với thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam; tập trung tuyên truyền đậm nét những giá trị phổ quát về quyền con người đã được thế giới công nhận, điển hình như nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử... Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn độc lập và trong Hiến pháp; Đảng và Nhà nước ta luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững và cụ thể trong các Văn kiện Đại hội, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các Quyết định của Chính phủ.
- Tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vấn đề quyền con người trong xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh".

- Thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới trên các lĩnh vực: dân sự, chính trị; kinh tế, xã hội và văn hóa; bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có HIV/AIDS, người dân chịu ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu...); đặc biệt là bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; quyền của người dân tộc thiểu số; quyền tự do báo chí, ngôn luận, Internet, quyền của người lao động...
- Thành tựu trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người; công tác đặc xá, đảm bảo các quyền cơ bản của những người chấp hành án phạt tù (bao gồm cả người nước ngoài).
- Vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động chung vì quyền con người, bắt đầu có đóng góp cho việc định hình thể chế thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong khu vực và thế giới. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong sạch bộ máy và quyết tâm chính trị, định hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.
- Đấu tranh, phản bác các thông tin xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo, tự do báo chí và vấn đề “dân tộc bản địa” của các thế lực thù địch, các tổ chức NGO về nhân quyền.
* Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/2024).
- Tập trung tuyên truyền những kết quả đạt được của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 (những sáng kiến đóng góp của Việt Nam về công tác bảo vệ bảo vệ quyền con người toàn cầu như: biến đổi khí hậu, thúc đẩy quyền phụ nữ, trẻ em, nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương...).
- Kết quả thực thi các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (ICCPR, CERD, CAT...).
- Các chương trình, chính sách bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đảm bảo nhân quyền cho nhóm dễ bị tổn thương khác như người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, nạn nhân của bạo lực, buôn bán người, người nghiện ma túy... (Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đến năm 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng).
- Các chủ trương, chính sách, tình hình bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo tinh thần tôn giáo là nguồn lực phát triển đất nước.
* Sau thời điểm Ngày Nhân quyền thế giới (Từ ngày 10/12/2024 đến 31/12/2024).
- Tập trung tuyên truyền công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV với những chủ trương liên quan đến thúc đẩy và bảo đảm quyền con người.
- Kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030 và các chương trình, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi khác.
- Tiếp tục tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các thông tin xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo, các đối tượng vi phạm pháp luật phía nước ngoài quan tâm và vấn đề “dân tộc bản địa”.
- Công an thành phố - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Phối hợp các cơ quan chức năng liên quan cung cấp thông tin, định hướng truyền thông về đợt cao điểm tuyên truyền cho các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thành phố. Chủ động thông tin, tình hình các vụ việc nhạy cảm về an ninh, trật tự liên quan đến quyền con người, lĩnh vực dân chủ, tôn giáo, khiếu kiện... để cung cấp cho các cơ quan truyền thông phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền bảo, đảm khách quan, định hướng dư luận.
- Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức đợt tuyên truyền cao điểm về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam nói chung, thành phố Hải Phòng nói riêng từ ngày 01/11/2024 đến ngày 31/12/2024.
- Sở Ngoại vụ: Phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí, truyền thông về những đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; thông tin về dư luận quốc tế liên quan đến Việt Nam; các vụ việc phức tạp, các đối tượng bên ngoài quan tâm tình hình nhân quyền Việt Nam; thông qua công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế để truyền tải thông điệp về quan điểm, chủ trương, chính sách và thành tựu bảo đảm quyền con người tại Việt Nam cũng như trên địa bàn thành phố.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Tích cực tham mưu Ban Chỉ đạo Nhân quyền thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Phối hợp các Sở, ban, ngành thành viên tăng cường công tác tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok...). Phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan tham mưu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức hội nghị, hội thảo tuyên truyền thành tựu nhân quyền ở Việt Nam nói chung, thành phố Hải Phòng nói riêng; cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tập trung vào thành tựu nhân quyền Việt Nam theo các nội dung tuyên truyền trọng tâm của Kế hoạch.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền về quyền của người lao động, bảo đảm thực hiện tốt Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành; các Công ước quốc tế về lao động; việc thực thi các cam kết về lao động trong các Hiệp định Thương mại tự do; đảm bảo an sinh xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhóm dễ bị tổn thương/đặc thù, cam kết thực hiện các Công ước của Liên hợp quốc về nhân quyền như Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) và Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật (CRPD), đặc biệt nhân Tháng, Hành động vì Bình đẳng giới và Ngày Quốc tế về Quyền trẻ em.
- Sở Tư pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền thành tựu hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người; tuyên truyền Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị trên các phương tiện truyền thông; tiếp tục phối hợp các Sở, ngành, cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Công ước CAT đảm bảo phù hợp với Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) phối hợp các Sở, ban, ngành thành viên kịp thời phát hiện và tham mưu giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh tại các điểm nhóm tôn giáo trên địa bàn thành phố, không để phía Mỹ và các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; khéo léo xử lý các trường hợp phức tạp trong việc đăng ký điểm nhóm tôn giáo. Tổ chức tuyên truyền thành tựu của Việt Nam, thành phố Hải Phòng trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, việc thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
- Các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Nhân quyền thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách tích cực, chủ động cung cấp thông tin, xây dựng bài viết về thành tựu bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực; phối hợp cơ quan báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn thành phố và các phương tiện truyền thông thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo nội dung tuyên truyền trọng tâm của Kế hoạch. Tổ chức phát động đợt tuyên truyền cao điểm, làm nổi bật những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, những tiến bộ, chuyển biến về bảo đảm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Hà Chi