Hội liên hiệp Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào quá trình hình thành và thực hiện các chính sách và pháp luật liên quan đến phụ nữ, đảm bảo quyền lợi và bình đẳng cho phụ nữ trong các lĩnh vực như lao động, giáo dục, sức khỏe và gia đình. Dù ở lĩnh vực nào, Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp đều giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ; chủ động, sáng tạo, vận động phụ nữ chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Việc nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ thường xuyên và đặc biệt quan trọng. Để thực hiện tốt những nội dung trên, Sở Tư pháp và Hội liên hiệp Phụ nữ đã tổ chức ký kết “Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới”. Trong những năm qua, chương trình phối hợp đã phát huy khả năng và thế mạnh của hai ngành trong công tác tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ đạt nhiều kết quả thiết thực.
Phối hợp trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật
|
Xác định rõ vai trò của phụ nữ trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật từ thành phố đến các quận, huyện, lựa chọn cán bộ, hội viên Hội liên hiệp Phụ nữ nòng cốt, có năng lực, có uy tín để tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tham gia công tác hòa giải tại cơ sở.
Đến nay, số thành viên nữ tham gia Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố đạt 33%, tham gia Báo cáo viên pháp luật thành phố tỉ lệ nữ đạt 45%, thành phố có 1.766 tổ hòa giải với 10.365 hòa giải viên, trong đó, có 4.316 hòa giải viên nữ. 100% chi hội trưởng Chi hội phụ nữ các xã, phường, thị trấn tham gia tổ hòa giải. Kết quả này thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp, phản ảnh sự đóng góp tích cực của phụ nữ thành phố trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Sở Tư pháp luôn đồng hành cùng các cấp Hội tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn, diễn đàn, đối thoại chính sách… cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết của người dân trong cộng đồng về các chính sách liên quan trực tiếp đến phụ nữ. Đặc biệt, thông qua đối thoại, trao đổi thông tin trực tiếp giữa hội viên Hội liên hiệp Phụ nữ với đại diện của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thành phố và địa phương đã góp phần nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.
Từ năm 2003 đến nay, Sở Tư pháp tiếp tục xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng Tờ Phụ trương “Pháp luật thành phố Hải Phòng” phát hành vào thứ Năm hằng tuần cùng với Báo Hải Phòng hàng ngày; Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật đăng nhiều tin, bài, câu hỏi về trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật với 850 tin, bài viết về nội dung này.
Từ năm 2022 đến nay, Sở Tư pháp và Hội liên hiệp Phụ nữ đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với 23 chương trình trên sóng phát thanh truyền hình với các chuyên mục “Cuộc sống và pháp luật”,“Bàn tròn pháp luật",“Điểm nhấn 365”, “Một giờ với Hải Phòng”, “Pháp luật cuộc sống”, “Nhịp cầu pháp luật”... trong đó có phóng sự với các chuyên đề “Phòng, chống xâm hại trẻ em”, “Bạo lực gia đình, giải pháp phòng chống bạo lực gia đình”...
Phối hợp trong công tác trợ giúp pháp lý
|
Phụ nữ chiếm trên 1/2 dân số trung bình của Việt Nam song, nhiều chị em phụ nữ khả năng tiếp cận pháp luật còn hạn chế, số ít còn là nạn nhân của các nạn bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, nghèo đói và phụ thuộc. Mặc dù pháp luật Việt Nam chưa quy định phụ nữ nói chung là người được trợ giúp pháp lý miễn phí, tuy nhiên, từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực, công tác trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực gia đình của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố luôn được ưu tiên thực hiện và triển khai sâu rộng đến cơ sở.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ nghèo, phụ nữ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, các đối tượng không có khả năng kinh tế được tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí, Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố và chính quyền các địa phương khảo sát nhu cầu cần trợ giúp của phụ nữ, Nhân dân. Sau đó, tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, tập trung trợ giúp những nội dung có nhiều người cùng quan tâm. Ngoài ra, lồng ghép, phổ biến, hướng dẫn những văn bản pháp luật mới, chế độ, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã thực hiện trợ giúp pháp lý 658 vụ việc là nữ, trong đó, tư vấn 417 vụ việc, tham gia tố tụng 241 vụ việc.
Trung tâm phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố, quận, huyện và xã, phường, thị trấn tổ chức 15 đợt trợ giúp pháp lý tại cơ sở cho các hội viên của Hội về các lĩnh vực pháp luật mà chị em quan tâm như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo hiểm, lao động, việc làm… Cấp phát 1500 tờ gấp truyền thông về trợ giúp pháp lý, truyền thông về pháp luật cho phụ nữ. Qua đó, góp phần đáng kể vào việc hạn chế đơn thư, khiếu kiện, duy trì ổn định trật tự xã hội và sự phát triển bền vững của địa phương…
Phối hợp trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương
|
Trong xu thế hội nhập và phát triển, Hải Phòng là một trong những thành phố có tốc độ phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời, là một trong những tỉnh, thành phố trong toàn quốc đứng đầu về số lượng có số phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài. Do đó, việc di cư tự do bằng con đường hôn nhân là tất yếu. Theo số liệu thống kê của các quận, huyện trong năm 2022 có 211 trường hợp và năm 2023 có 128 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hộ tịch, Sở Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ với Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan hỗ trợ chị em phụ nữ và trẻ em hồi hương được đăng ký hộ tịch, ổn định cuộc sống tại Việt Nam.
Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, với hình thức đa dạng phong phú, trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hải Phòng trong phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp, quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ hội, hội viên được đảm bảo.
Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới
|
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương hòa nhập cộng đồng hiệu quả, Sở Tư pháp đề xuất một số giải pháp sau:
- Hai ngành tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các cấp hội phụ nữ; huy động hội viên phụ nữ tham gia tổ hòa giải ở địa phương.
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý với các chương trình hoạt động của các cấp Hội.
- Phát huy hơn nữa vai trò của Trung tâm tư vấn pháp luật, Hỗ trợ hôn nhân và gia đình trong công tác vấn pháp luật, hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ trong hôn nhân - gia đình, đặc biệt là quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài.
- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội, nhân rộng những cách làm hay, những mô hình mới, hiệu quả trong công tác này.
Hà Châu