Ngày 23/4/2024, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản số 2704/VP-NCKTGS giao các Sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm trong Quý II/2024 theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ tại Mục III Báo cáo số 736/BC-BCĐ ngày 11/4/2024 về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm Quý I năm 2024.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 138/CP đề nghị Ban Chỉ đạo 138 các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương rà soát, chỉ đạo thực hiện bảo đảm tiến độ, chỉ tiêu, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm đã đề ra tại Kế hoạch số 18/KH-BCĐ138/CP ngày 15/01/2024, lồng ghép việc thực hiện công tác phòng, chống tội phạm với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành, địa phương. Trong đó, lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể và địa phương rà soát chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm, đánh giá những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra, đề xuất các giải pháp khắc phục; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện đảm bảo theo đúng tiến độ, hoàn thành kế hoạch năm 2024.
2. Tập trung giải quyết các mặt công tác liên quan đến phòng ngừa xã hội còn yếu, triển khai thực hiện chưa hiệu quả hiện nay để thực hiện trong thời gian tới như: Công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng người bị bệnh tâm thần, quản lý đối tượng, quản lý băng nhóm tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý địa bàn, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự...
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, chuyển đổi trạng thái phòng ngừa nghiệp vụ từ thủ công sang hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa nghiệp vụ của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm thuộc lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Hải quan, Thuế...
3. Tổ chức đánh giá sát đúng thực trạng tình hình tội phạm ở từng địa phương; phân tích kỹ về cơ cấu đối tượng phạm tội (đặc biệt là người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy phạm tội, đối tượng thất nghiệp không có việc làm), địa bàn phạm tội, để chủ động nhận diện tội phạm, nhất là những phương thức, thủ đoạn mới phát sinh tương ứng với biến chuyển của tình hình xã hội, từ đó có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh theo tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, phù hợp và hiệu quả với từng nhóm, từng địa phương.
4. Triển khai Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và Phương án xử lý, giải quyết một số tình huống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, kiên trì, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở các giải pháp nhằm kéo giảm tội phạm bền vững; kiểm soát tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm từ cấp xã, tập trung vào các chuyên đề lĩnh vực trọng tâm sau: Chuyên đề tín dụng đen, tội phạm có tổ chức theo Công điện 766/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chuyên đề đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo trên không gian mạng; Chuyên đề đấu tranh với tội phạm cờ bạc, mại dâm; Chuyên đề phòng ngừa tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội; Chuyên đề đấu tranh với tội phạm có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ....
Mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy - Tháng 6/2024.

5. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; nâng cao tính nghiệp vụ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội. Làm tốt công tác quản lý nhà nước và tổ chức thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm.
Chú trọng khai thác hiệu quả của các phần mềm, ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, phục vụ quản trị xã hội, quản lý nghiệp vụ, phòng, chống tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ xác thực, làm sạch thông tin thuê bao điện thoại, tài khoản ngân hàng qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân.
6. Tập trung xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy; trình Quốc hội thông qua các dự án Luật tại kỳ họp thứ 7. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo chiều sâu ở cả cấp độ Trung ương và địa phương với các nước có chung đường biên giới, các nước có đông người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập để chủ động phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa và đấu tranh hiệu quả với tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm trên không gian mạng, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người.
7. Ban Chỉ đạo 138 các địa phương chủ động thành lập, tổ chức kiểm tra Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã (theo Thông báo Kết luận số 38/TB-VPCP ngày 02/02/2024 của Văn phòng Chính phủ); kiểm tra công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội năm 2024. Tổ chức sơ kết công tác phòng, chống tội phạm 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP.
Quang Tuấn