TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 28/06/2024 15:52

Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo quy định về hướng dẫn xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp”

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp”. Theo dự thảo, Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" là hình thức khen thưởng của Bộ Tư pháp nhằm ghi nhận, động viên đối với cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của ngành Tư pháp Việt Nam.

Mẫu Kỷ niệm chương, mẫu Bằng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" do Bộ Tư pháp quy định, phù hợp với quy định chung, thể hiện đặc trưng của ngành Tư pháp Việt Nam.

Đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng đối với cá nhân đã và đang công tác trong ngành Tư pháp:

- Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Tư pháp.

- Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ trưởng và tương đương; Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thời gian giữ chức vụ khi có đủ 05 năm trở lên và hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian là điều kiện để xét tặng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Phó Vụ trưởng và tương đương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thời gian giữ chức vụ khi có đủ 08 năm trở lên và hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian là điều kiện để xét tặng.

Trường hợp cá nhân công tác tại các ngành khác được điều động về ngành Tư pháp để bổ nhiệm các chức vụ trên phải có thời gian giữ chức vụ trong ngành Tư pháp khi có đủ 06 năm trở lên đối với cấp trưởng, 09 năm trở lên đối với cấp phó và hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian là điều kiện để xét tặng.

Đối với nữ là cán bộ lãnh đạo thì thời gian giữ các chức vụ để đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương được giảm 02 năm so với quy định chung. Trường hợp cá nhân có thời gian giữ chức vụ nhưng không đủ thời gian để đề nghị xét tặng theo tiêu chuẩn quy định đối với chức vụ đó thì được cộng với thời gian giữ chức vụ thấp hơn liền kề để đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương theo chức vụ thấp hơn liền kề.

- Cá nhân đã và đang công tác tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và Công chức Tư pháp - Hộ tịch được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 20 năm công tác trở lên đối với nam, 15 năm công tác trở lên đối với nữ và hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian là điều kiện để xét tặng.

- Cá nhân công tác trong các ngành, tổ chức khác chuyển về ngành Tư pháp được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 22 năm công tác trở lên đối với nam, khi có đủ 17 năm công tác trở lên đối với nữ, trong đó có tối thiểu 10 năm công tác trong ngành Tư pháp và hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian là điều kiện để xét tặng.

Đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng đối với cá nhân đang làm công tác tư pháp

- Cá nhân trực tiếp làm công tác pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương; cá nhân đang công tác tại các cơ quan Thi hành án Quân đội; cá nhân là Giám định viên tư pháp được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 22 năm làm công tác tư pháp trở lên đối với nam, có đủ 17 năm làm công tác tư pháp trở lên đối với nữ và hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian là điều kiện để xét tặng.

- Cá nhân là Luật sư; Công chứng viên làm việc tại các Văn phòng Công chứng; Giám định viên làm việc tại các Văn phòng Giám định tư pháp; Đấu giá viên làm việc tại các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản; Thừa phát lại; Quản tài viên; Hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại; Trọng tài viên được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 22 năm làm công tác tư pháp trở lên đối với nam, có đủ 17 năm làm công tác tư pháp trở lên đối với nữ. Thời gian tính làm công tác tư pháp được tính từ thời điểm cá nhân được đăng ký hành nghề.

- Cá nhân là hòa giải viên ở cơ sở được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 13 năm trở lên liên tục trực tiếp làm công tác hoà giải tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố hoặc có đủ 11 năm trở lên trực tiếp làm công tác hoà giải và có thành tích xuất sắc được khen thưởng từ 03 Giấy khen hoặc 01 Bằng khen của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công tác hoà giải. Đối với hòa giải viên nữ thì thời gian làm công tác hòa giải quy định tại khoản này được giảm 02 năm.

Đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng đối với cá nhân khác có công lao đóng góp cho sự phát triển của ngành Tư pháp Việt Nam

- Cá nhân là lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và tương đương; Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Cá nhân có công lao lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác của ngành Tư pháp là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; Giám đốc, Phó Giám đốc sở, ngành và tương đương; Bí thư, Phó Bí thư huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có thời gian giữ chức vụ từ đủ 07 năm trở lên đối với cấp trưởng, từ đủ 10 năm trở lên đối với cấp phó.

- Cá nhân là lãnh đạo Liên đoàn Luật sư, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có thời gian giữ chức vụ từ đủ 07 năm trở lên đối với cấp trưởng, từ đủ 10 năm trở lên đối với cấp phó.

- Cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có công lao, thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các nước, các tổ chức quốc tế với ngành Tư pháp, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Tư pháp Việt Nam.

- Cá nhân có sáng kiến, giải pháp, công trình khoa học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, có giá trị thực tiễn, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của ngành Tư pháp; cá nhân có giúp đỡ, ủng hộ xứng đáng về tài chính hoặc vật chất cho sự phát triển ngành Tư pháp Việt Nam.

- Các trường hợp khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

Đức Minh

Lượt truy cập: 1563757
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn