TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 26/12/2023 16:39

Đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà

Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà. Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định đang được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Theo đó:

1. Mục đích xây dựng văn bản:

- Quy định cụ thể về phát triển điện mặt trời mái nhà, tạo hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Ban hành cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà đồng bộ để thu hút các doanh nghiệp, người dân tự đầu tư điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng;

- Phát triển điện mặt trời mái nhà để tiếp tục phát huy những lợi thế, ưu điểm của điện mặt trời mái nhà, góp phần bảo vệ môi trường, cung cấp nguồn năng lượng sạch tại chỗ phục vụ nhu cầu sử dụng năng lượng, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài ra, việc phát triển điện mặt trời mái nhà để cung cấp nguồn năng lượng tại chỗ giúp giảm tải cho lưới điện, hệ thống truyền tải quốc gia, từ đó giảm chi phí đầu tư cho ngành điện, giảm tổn thất điện năng...

- Một số mục tiêu:

+ Về quy mô phát triển: Trong Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô phát triển của điện mặt trời đến năm 2030 là 12.836 MW.

+ Về an toàn, an ninh, ổn định hệ thống điện: Chính sách của nhà nước nên khuyến khích phát điện dự án điện mặt trời mái nhà đấu nối hoặc liên kết với lưới điện quốc gia (đấu nối sau công tơ mua điện).

+ Về bảo vệ môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ: Việc phát triển điện mặt trời mái nhà cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ theo quy định của pháp luật về môi trường, phòng chống cháy nổ, qua đó hạn chế tối đa việc sử dụng công nghệ lạc hậu, các chất thải rắn thải ra môi trường và thiệt hại về tính mạng, tài sản do cháy nổ.

+ Về kiến trúc đô thị, trật tự xây dựng và an toàn xây dựng...

2. Chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản

Chính sách 1: Trường hợp liên kết với lưới điện, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Nội dung của chính sách:

- Mô hình điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác phù hợp cho các đối tượng áp dụng là điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở, trụ sở doanh nghiệp... Các đối tượng này có đặc thù riêng, thường diện tích mái nhà và quy mô công suất không lớn, có thời điểm sử dụng điện chủ yếu vào ban ngày, phù hợp với thời điểm hoạt động của điện mặt trời mái nhà.

- Tổ chức, cá nhân khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác (nghĩa là không có đầu tư kinh doanh điện, không cho phép hoạt động kinh doanh mua bán điện), bao gồm việc bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

- Cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện. Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng (không được thanh toán, đổi lại nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để điện mặt trời mái nhà vận hành, hoạt động ổn định). Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sản lượng điện dư vào lưới điện quốc gia thì phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện.

- Công suất điện mặt trời mái nhà của mỗi tổ chức, cá nhân phải phù hợp với phụ tải hiện có tại thời điểm thực hiện đăng ký phát triển.

 Chính sách 2: Trường hợp không liên kết với lưới điện quốc gia. Nội dung của chính sách:

- Mô hình này nên xem xét ưu tiên phát triển để tự sử dụng với điều kiện cả Nguồn phát - Phụ tải không liên kết với lưới điện quốc gia. Chủ đầu tư, dự án phát triển theo chính sách này vẫn bị điều chỉnh bởi các quy định khác của pháp luật như đầu tư, xây dựng, môi trường, PCCC...

- Quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực: Về quy hoạch, tại khoản 1 Điều 11 Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 24/2012/QH13 quy định “Đầu tư phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực. Dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực chỉ được thực hiện khi cơ quan lập quy hoạch phát triển điện lực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép”. Tại điểm c khoản 1 Mục III Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII (điện mặt trời tự sản tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất). Về giấy phép hoạt động điện lực, nguồn điện tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực (điểm a khoản 1 Điều 34 Luật Điện lực năm 2004). Trường hợp bán điện cho tổ chức, cá nhận khác và có quy mô công suất lớn hơn mức miễn trừ thì phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.

- Quản lý nhà nước các lĩnh vực khác: Tuỳ theo mục tiêu dự án, chức năng, loại công trình xây dựng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý công trình theo quy định của pháp luật hiện hành và chủ đầu tư phải thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.

* Bộ Công Thương dự kiến hoàn thiện Hồ sơ và trình Chính phủ ban hành Nghị định vào tháng 08/2024.

 Trần Khánh

 

 

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn