Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng đang lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử thành phố đối với dự thảo Nghị quyết về việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại thành phố Hải Phòng. Theo đó, một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết gồm:
1. Quy định chính sách đặc thù trong việc thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, cụ thể như sau:
Ngân sách thành phố hỗ trợ:
- Tài sản, vật kiến trúc trên đất tặng cho quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trong phạm vi mặt bằng xây dựng, mở rộng các công trình nông thôn mới. Mức hỗ trợ không vượt quá 100% giá trị tài sản, vật kiến trúc (theo mức đơn giá tài sản, vật kiến trúc phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng).
- Tiền sử dụng đất khi giao đất ở mới đối với các hộ gia đình, cá nhân tặng cho quyền sử dụng đất khi xây dựng, mở rộng các công trình nông thôn mới kiểu mẫu mà diện tích còn lại không còn đủ điều kiện để ở (không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã có đất tặng cho). Diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng đất không vượt quá diện tích đất ở cũ của hộ dân trước khi tặng cho. Việc giao đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo quy định.
2. Thông qua Đề án Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại thành phố Hải Phòng
* Nội dung thực hiện của Đề án:
- Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá. Mục tiêu: Đạt yêu cầu của tiêu chí số 1 thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao.
- Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; Tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, bảo tồn các giá trị văn hóa, môi trường cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
- Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
- Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.
- Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.
- Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn; rà soát, bổ sung cây xanh trên các tuyến đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ và các khu vực công cộng trên địa bàn thành phố, đảm bảo đạt chuẩn.
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền từ thành phố đến cơ sở; nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố quản lý, đảm bảo Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan đạt từ 90% trở lên; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
- Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.
- Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn.
- Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới; truyền thông về xây dựng nông thôn mới; thực hiện Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.
* Các nhóm giải pháp thực hiện Đề án:
Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm: phát động phong trào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; huy động cả hệ thống chính trị, mọi người dân chung tay thực hiện Chương trình; kiện toàn, hoàn thiện Bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình các cấp đảm bảo đồng bộ; tuyên truyền công khai, sâu rộng nội dung Chương trình đến mọi người dân; áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới về xây dựng để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, độ bền, mỹ quan các công trình xây dựng; phát triển hiệu quả các vùng sản xuất tập trung, các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của địa phương; hoàn thiện, nâng cao năng lực bộ máy thực hiện Chương trình; ưu tiên nguồn vốn ngân sách, huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách; khuyến khích cho vay ủy thác qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; tăng cường vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ địa phương thực hiện xây dựng NTM; tăng cường kiểm tra, giám sát …
Vũ Giang