Sở Y tế Hải Phòng đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Quy định thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tếtrên địa bàn thành phố Hải Phòng. Dự thảo đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố để lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dưới đây là một số quy định của Dự thảo:
1. Nguyên tắc chung về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế
- Thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát sinh các loại chất thải rắn y tế.
- Chất thải rắn y tế phải được phân định, phân loại để quản lý ngay tại thời điểm phát sinh và tại nơi phát sinh; được thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn nhằm tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng; không được tái chế chất thải y tế nguy hại để sản xuất các đồ dùng, bao bì sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm.
- Chất thải rắn y tế nguy hại phải được phân loại, thu gom riêng biệt với chất thải rắn y tế thông thường trước khi đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế. Trường hợp chất thải rắn y tế thông thường lẫn vào chất thải rắn y tế lây nhiễm thì hỗn hợp chất thải đó phải quản lý như chất thải rắn y tế lây nhiễm.
- Ngoài việc thực hiện quy định này, việc thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế phải tuân theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các quy định pháp luật khác liên quan.
2. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế
- Việc thu gom, lưu giữ chất thải rắn y tế phát sinh trong khuôn viên cơ sở y tế được thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Thông tư số 20/2021/TT-BYT.
- Các cơ sở y tế hợp đồng với cơ sở có chức năng vận chuyển các loại chất thải rắn y tế để xử lý. Sử dụng biên bản bàn giao hoặc sổ giao nhận mỗi khi thực hiện chuyển giao chất thải.
- Các trạm y tế cấp xã thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại, chất thải rắn y tế thông thường (không bao gồm chất thải rắn sinh hoạt) theo mô hình cụm tại Điều 6 Quy định này.
- Các phòng khám đa khoa, chuyên khoa thực hiện chuyển giao chất thải rắn y tế nguy hại và chất thải rắn y tế thông thường (không bao gồm chất thải rắn sinh hoạt) cho các cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý chất thải nguy hại phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển và cơ sở có chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế thông thường (không bao gồm chất thải rắn sinh hoạt). Trường hợp không ký được hợp đồng với các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và cơ sở có chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế thông thường (không bao gồm chất thải rắn sinh hoạt) thì thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế theo mô hình cụm tại Điều 6 Quy định này.
3. Xử lý chất thải rắn y tế
- Chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý theo thứ tự ưu tiên tại Khoản 4 Điều 42 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
- Cơ sở y tế thực hiện ký hợp đồng với cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại có hạng mục xử lý chất thải y tế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường trong trường hợp không được đầu tư công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại hoặc có công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại nhưng bị hỏng, hoặc hoạt động không hiệu quả.
- Cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm), theo mô hình tự xử lý chất thải y tế (tự xử lý tại công trình, thiết bị xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế) thực hiện như sau:
+ Cơ sở y tế có công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đặt trong khuôn viên để thực hiện việc tự xử lý và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho các cơ sở y tế lân cận (theo mô hình cụm cơ sở y tế) phải ứng yêu cầu tại khoản 2 Điều 70 Nghị định 08/2022/NĐ-CP; không được coi là cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.
+ Trung tâm Y tế tại các huyện đảo sử dụng công trình, thiết bị xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở để tự xử lý chất thải rắn y tế nguy hại hoặc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế trong trường hợp các cơ sở y tế này không ký được hợp đồng với các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường.
+ Việc quản lý, vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phải tuân thủ Điều 11 Thông tư số 20/2021/TT-BYT.
+ Việc vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại từ các cơ sở y tế lân cận để xử lý theo mô hình cụm cơ sở y tế được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Quy định này.
- Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý theo quy định tại Điều 10 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 60/2023/QĐ-UBND.
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải rắn y tế thông thường khác được xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

4. Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh do dịch bệnh nguy hiểm
- Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh do dịch bệnh nguy hiểm được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm bố trí các điểm tập kết chất thải lây nhiễm từ dịch bệnh đảm bảo theo quy định; chủ trì, phối hợp với các cơ sở có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh do dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn.
- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh do dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn.