Sở Y tế thành phố đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Dự thảo đang được đăng tải trên Công thông tin điện tử thành phố để lấy ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân.
1. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân quận, huyện
- Ủy ban nhân dân quận, huyện (sau đây gọi là cấp huyện) tổ chức, điều hành Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm cấp huyện; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn theo các nội dung được phân công, phân cấp tại quy định này.
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tại Điều 65 của Luật An toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý.
- Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn cho các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
- Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
- Quản lý an toàn thực phẩm đối với:
+ Quản lý an toàn thực phẩm, tổ chức ký cam kết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
+ Quản lý và tổ chức tiếp nhận bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương theo quy định;
+ Tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với cơ sở sơ chế, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định và cơ sở kinh doanh thực phẩm chế biến bao gói sẵn thuộc lĩnh vực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp theo quy định.
- Tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho đối tượng phải tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.
- Tổ kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.
- Quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ hạng 2, hạng 3 trên địa bàn (trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản).
- Thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm theo phân cấp trên địa bàn.
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố an toàn thực phẩm trên địa bàn; báo cáo nhanh và báo cáo tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn về Sở Y tế theo quy định.
- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương trong việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
- Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng vùng sản xuất tập trung trên địa bàn quản lý.
- Quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh trên địa bàn.

2. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
- Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức, điều hành Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm cấp xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm cấp xã; thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn theo các nội dung được phân công, phân cấp tại quy định này.
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân thành phố về việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
- Tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với cơ sở sơ chế, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định và cơ sở kinh doanh thực phẩm chế biến bao gói sẵn không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trên địa bàn.
- Quản lý, tổ chức ký cam kết và kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; các bếp ăn nhóm trẻ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực lễ hội, hội chợ có ẩm thực do cấp xã quản lý; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống di động, nấu cỗ di động (cỗ cưới, hỏi, đám hiếu...) dưới 50 suất ăn/lần phục vụ; cơ sở sản xuất sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trên địa bàn.
- Tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho đối tượng phải tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.
- Tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
- Phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện tổ chức thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố an toàn thực phẩm trên địa bàn.
- Khi chưa hình thành được cơ sở giết mổ động vật tập trung phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý, giám sát hoạt động của cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ theo quy định.