TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/04/2024 10:33

Những điều cần biết về bảo tàng

1. Bảo tàng là gì?

Khoản 16 Điều 4 Luật di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:

Bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

2. Hệ thống bảo tàng

Điều 47 Luật di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:

- Hệ thống bảo tàng bao gồm bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập.

- Bảo tàng công lập bao gồm:

+ Bảo tàng quốc gia;

+ Bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương;

+ Bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương;

+ Bảo tàng cấp tỉnh.

- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của bảo tàng.

3. Nhiệm vụ của bảo tàng

Điều 48 Luật di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định bảo tàng có các nhiệm vụ sau đây:

- Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật.

- Nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Tổ chức phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ xã hội.

- Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của bảo tàng.

- Quản lý cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật.

- Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan phù hợp với nhiệm vụ của bảo tàng.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

4. Điều kiện để thành lập bảo tàng

Điều 49 Luật di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định điều kiện để thành lập bảo tàng bao gồm:

- Có sưu tập theo một hoặc nhiều chủ đề.

- Có nơi trưng bày, kho và phương tiện bảo quản.

- Có người am hiểu chuyên môn phù hợp với hoạt động bảo tàng.

5. Thẩm quyền và thủ tục thành lập bảo tàng

Điều 50 Luật di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:

- Thẩm quyền quyết định thành lập bảo tàng được quy định như sau:

+ Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương theo đề nghị của Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương;

+ Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương quyết định thành lập bảo tàng chuyên ngành thuộc đơn vị trực thuộc theo đề nghị của người đứng đầu đơn vị trực thuộc;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập bảo tàng cấp tỉnh theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch ở địa phương; cấp giấy phép hoạt động cho bảo tàng ngoài công lập theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập bảo tàng.

- Thủ tục thành lập, cấp giấy phép hoạt động bảo tàng được quy định như sau:

+ Tổ chức, cá nhân có yêu cầu thành lập hoặc đề nghị cấp giấy phép hoạt động bảo tàng phải gửi hồ sơ đến người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.

Hồ sơ gồm văn bản đề nghị thành lập hoặc văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động bảo tàng và văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này đối với bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành; văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh xác nhận đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này đối với bảo tàng cấp tỉnh, bảo tàng ngoài công lập;

+ Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, người có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động bảo tàng có trách nhiệm xem xét, quyết định; trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

6. Xếp hạng bảo tàng

Điều 51 Luật di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:

- Việc xếp hạng bảo tàng căn cứ vào các tiêu chuẩn sau đây:

+ Số lượng và giá trị các sưu tập;

+ Chất lượng bảo quản và trưng bày sưu tập;

+ Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật;

+ Mức độ chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ.

Trần Khánh

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn