Câu hỏi 14. Việc tính tiền thuê đất trong trường hợp thay đổi hình thức thuê đất từ thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và ngược lại?
Trả lời:
Điều 33 Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì việc tính tiền thuê đất trong trường hợp thay đổi hình thức thuê đất được thực hiện như sau:
- Trường hợp người sử dụng đất được Nhà nước ban hành quyết định cho phép chuyển từ thuê đất trả tiền hằng năm sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì phải nộp tiền thuê đất một lần cho thời gian thuê đất còn lại theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 103/2024/NĐ-CP. Đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất một lần của thời gian thuê đất còn lại được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 103/2024/NĐ-CP; trong đó giá đất để tính đơn giá thuê đất là giá đất tại thời điểm Nhà nước ban hành quyết định cho phép chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần.
Trường hợp người sử dụng đất đang được khấu trừ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc được trừ khoản tiền đã trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào tiền thuê đất theo hình thức quy đổi ra số năm, tháng hoàn thành nghĩa vụ về tiền thuê đất theo quy định thì nay số còn lại (chưa được khấu trừ) được khấu trừ vào tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Số tiền để khấu trừ nêu trên được tính bằng (=) tiền thuê đất tính theo đơn giá thuê đất trả tiền hằng năm theo quy định tại thời điểm Nhà nước ban hành quyết định cho phép chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhân (x) với thời gian đã xác định hoàn thành nghĩa vụ về tiền thuê đất hằng năm còn lại (chưa được khấu trừ).
- Trường hợp người sử dụng đất chuyển từ thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê sang thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm thì tiền thuê đất được tính như sau:
+ Trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ về tiền thuê đất thì người sử dụng đất không phải nộp tiền thuê đất hằng năm cho thời gian thuê đất còn lại.
+ Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ về tiền thuê đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền thuê đất hằng năm từ thời điểm Nhà nước ban hành quyết định cho phép chuyển từ thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê sang thuê đất trả tiền hằng năm. Đối với thời gian đã sử dụng đất thì xử lý như sau:
(i) Trường hợp chưa nộp tiền thuê đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền thuê đất cho thời gian đã sử dụng đất:
Tiền thuê đất phải nộp
|
=
|
Số tiền thuê đất trả một lần của cả thời gian thuê đất
|
x
|
Thời gian đã sử dụng đất
|
Thời hạn thuê đất
|
Đồng thời, người sử dụng đất phải nộp tiền chậm nộp tiền thuê đất tính trên số tiền thuê đất phải nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế tính từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho thuê đất đến thời điểm cho phép chuyển từ thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê sang thuê đất trả tiền hằng năm.
(ii) Trường hợp đã nộp một phần tiền thuê đất mà số tiền đã nộp nhỏ hơn số tiền phải nộp theo quy định tại tiết b1 điểm này (không bao gồm tiền chậm nộp) thì người sử dụng đất phải nộp số tiền còn thiếu và số tiền chậm nộp tiền thuê đất tính trên số còn thiếu theo quy định của pháp luật về quản lý thuế; trường hợp số tiền đã nộp lớn hơn số tiền phải nộp theo quy định tại tiết b1 điểm này (không bao gồm tiền chậm nộp) thì số chênh lệch tăng được trừ vào tiền thuê đất hằng năm bằng cách quy đổi ra số năm, tháng đã hoàn thành nghĩa vụ tiền thuê đất hằng năm theo đơn giá thuê đất hằng năm được xác định theo giá đất tại thời điểm Nhà nước ban hành quyết định cho phép chuyển từ thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê sang thuê đất trả tiền hằng năm.
Câu hỏi 15. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất được quy định tại Luật Đất đai năm 2024 như thế nào? Ngoài ra người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ nào khác không?
Trả lời:
- Điều 25 Luật Đất đai 2024 quy định về nghĩa vụ của công dân đối với đất đai bao gồm:
(1) Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai.
(2) Giữ gìn, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất.
(3) Tôn trọng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác.
- Điều 31 Luật Đất đai 2024 quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất; theo đó người sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:
(1) Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.
(2) Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; thực hiện đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
(3) Thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật.
(4) Thực hiện biện pháp bảo vệ đất; xử lý, cải tạo và phục hồi đất đối với khu vực đất bị ô nhiễm, thoái hóa do mình gây ra.
(5) Tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến tài sản và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.
(6) Tuân thủ quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.
(7) Bàn giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Luật Đất đai năm 2024 đã quy định riêng một điều về nghĩa vụ của công dân đối với đất đai để khẳng định trách nhiệm nghĩa vụ của người dân nói chung với đất đai thuộc sở hữu toàn dân và một điều về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất với đất đai được giao sử dụng. Như vậy, nghĩa vụ chung của người sử dụng đất phải bao gồm nghĩa vụ của công dân đối với đất đai theo Điều 25 và nghĩa vụ chung của người sử dụng đất theo Điều 31 Luật Đất đai.
Ngoài ra, tại mục 2 và 3, chương III của Luật Đất đai năm 2024 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dung đất. Do đó, tùy từng trường hợp cụ thể người sử dụng đất còn có các nghĩa vụ tương ứng theo quy định.
Câu hỏi 16. Cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ gì?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Đất đai năm 2024 thì cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế có các quyền và nghĩa sau:
- Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 26 và Điều 31 của Luật Đất đai;
- Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp với cá nhân khác;
- Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;
- Cho tổ chức, cá nhân khác, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thuê quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất;
- Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Trường hợp người được thừa kế là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó;
- Tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng hoặc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch; tặng cho quyền sử dụng đất để làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết gắn liền với đất theo quy định của pháp luật; tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với cá nhân hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này;
- Thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;
- Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất với tổ chức, góp quyền sử dụng đất với cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh.
Câu hỏi 17. Cá nhân được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm có các quyền và nghĩa vụ gì?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 37 Luật Đất đai năm 2024 quy định quyền và nghĩa vụ của cá nhân được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm gồm:
- Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 26 và Điều 31 của Luật Đất đai;
- Bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất, bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 46 của Luật này. Người mua tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được tiếp tục thuê đất theo mục đích đã được xác định và thời hạn sử dụng đất còn lại theo mục đích đã được xác định; được kế thừa các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
- Để thừa kế, tặng cho tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất; người nhận thừa kế, người được tặng cho tài sản và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;
- Cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất, cho thuê lại quyền thuê trong hợp đồng thuê đất;
- Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;
- Góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất với tổ chức, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định trong thời hạn còn lại.
Câu hỏi 18. Người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong điều kiện nào?
Trả lời:
Khoản 1, 3 Điều 45 Luật Đất đai năm 2024 quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
Một là, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật Đất đai;
Hai là, đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
Ba là, quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
Bốn là, trong thời hạn sử dụng đất;
Năm là, quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền trên còn phải đáp ứng các điều kiện khác như:
- Đối với trường hợp mua, bán tài sản gắn liền với đất, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hằng năm thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 46 của Luật Đất đai;
- Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 47 của Luật Đất đai;
- Đối với trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất của cá nhân là người dân tộc thiểu số được giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật này thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 48 của Luật Đất đai.
Lưu ý: Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
So với Luật Đất đai năm 2013 thì Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung một điều kiện là “Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật” và quy định cụ thể điều kiện trong một số trường hợp đáp ứng với tình hình thực tiễn. Như vậy, chỉ khi nào đáp ứng được tất cả các điều kiện trên thì người sử dụng đất mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Câu hỏi 19. Bố mẹ tôi có một mảnh đất với diện tích 80m2, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bố mẹ tôi chết không để lại di chúc, chỉ có một mình tôi là người thừa kế (ông bà nội, ngoại của tôi chết trước bố mẹ tôi từ lâu và bố mẹ tôi không có người con chung, con riêng nào khác). Nay tôi muốn bán mảnh đất trên thì điều kiện để được bán theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 là gì?
Trả lời:
Khoản 4 Điều 45 Luật Đất đai quy định: “Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật này”.
Như vậy, người nhận thừa kế chỉ được thực hiện các quyền của mình (trong đó có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất) khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Theo quy định tại điểm c, d khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:
“c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực”.
Do đó, đối với trường hợp này, bạn phải liên hệ với tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi tỉnh/Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế quyền sử dụng đất từ cha mẹ bạn để lại, sau đó làm thủ tục đăng ký biến động, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang tên bạn. Sau khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bạn mới thực hiện được quyền chuyển nhượng đất theo quy định tại khoản 4 Điều 45 nêu trên.
Câu hỏi 20. Pháp luật đất đai quy định những trường hợp nào không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất?
Trả lời:
Khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai năm 2024 quy định 03 trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, bao gồm:
Một là, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
Hai là, cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;
Ba là, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.
Câu hỏi 21. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là gì? Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao gồm những loại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nào? Thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất?
Trả lời:
- Theo quy định tại khoản 28 và khoản 36 Điều 3 Luật Đất đai năm 2024 thì quy hoạch, kế hoạch đất được giải thích như sau:
+ Kế hoạch sử dụng đất là việc phân kỳ quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện.
+ Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất và khoanh vùng đất đai cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng đơn vị hành chính cho thời kỳ xác định.
- Theo quy định tại Điều 61 Luật Đất đai, hệ thống quy quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao gồm các loại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau:
(1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia;
(2) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;
(3) Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện;
(4) Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng;
(5) Quy hoạch sử dụng đất an ninh.
Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất an ninh thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về quy hoạch.
Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
* Trong đó:
- Thời kỳ, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch.
- Thời kỳ, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thống nhất với thời kỳ, tầm nhìn của quy hoạch tỉnh.
- Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 10 năm. Tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 20 năm.
- Thời kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 05 năm; kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được lập hằng năm.
Câu hỏi 22. Căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện? Nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai 2024?
Trả lời:
- Theo quy định tại Điều 67 Luật Đất đai năm 2024 kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được lập trên các căn cứ cụ thể như sau:
+ Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; quy hoạch xây dựng; quy hoạch đô thị đối với trường hợp không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;
+ Hiện trạng sử dụng đất; kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm trước;
+ Nhu cầu, khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực của các cấp, của các tổ chức; các công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư;
+ Khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
- Nội dung kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện bao gồm:
+ Diện tích các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện, cấp xã trong năm kế hoạch và được xác định đến từng đơn vị hành chính cấp xã;
+ Danh mục các công trình, dự án dự kiến thực hiện trong năm; dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (nếu có); diện tích đất để đấu giá quyền sử dụng đất, các dự án thu hồi đất trong năm, dự án tái định cư, đất sản xuất dự kiến bồi thường cho người có đất thu hồi;
Trong đó, việc lựa chọn các công trình, dự án ưu tiên trong kế hoạch hằng năm cấp huyện phải dựa trên các tiêu chí: bảo đảm quốc phòng, an ninh; hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và tính khả thi của việc thực hiện.
+ Diện tích các loại đất, danh mục các công trình, dự án đã được xác định trong năm kế hoạch trước được tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này;
+ Xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng đối với các loại đất phải xin phép, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 116 của Luật này;
+ Giải pháp, nguồn lực thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
Câu hỏi 23. Trường hợp nào Dự án vẫn được thực hiện mà không phải bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 67 Luật Đất đai năm 2024 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 4 Điều 102 Luật Đầu tư công 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) thì dự án chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được thực hiện mà không phải bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện:
- Dự án đã có quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
- Dự án đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
- Dự án đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
- Dự án có sử dụng đất phục vụ cho việc thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người hoặc không còn khả năng tiếp tục sử dụng, bao gồm:
(i) Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất khác trong khu vực bị ô nhiễm môi trường không còn khả năng tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định;
(ii) Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người; đất khác bị sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác mà không còn khả năng tiếp tục sử dụng.
Câu hỏi 24. Cơ quan nào có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai năm 2024 thì việc công bố công khai quy hoạch sử dụng đất quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai.
Trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện như sau:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện và công bố công khai nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện có liên quan đến xã, phường, thị trấn tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm công bố công khai đến người dân, người sử dụng đất tại địa bàn xã.
Câu hỏi 25. Thời điểm nào phải công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất?
Trả lời:
Thời điểm, thời hạn phải công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 75 Luật Đất đai năm 2024. Theo đó, chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được công bố công khai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được công khai trong suốt kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tài liệu công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao gồm:
(1) Văn bản phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
(2) Báo cáo thuyết minh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt;
(3) Bản đồ về quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Câu hỏi 26. Luật Đất đai quy định những trường hợp nào Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh? Gia đình tôi có mảnh đất nằm trong Dự án xây dựng mở rộng Trại tạm giam có thuộc trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh không?
Trả lời:
Điều 78 Luật Đất đai năm 2024 quy định về việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Theo đó, Nhà nước chỉ được thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh trong các trường hợp sau đây:
- Làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc;
- Làm căn cứ quân sự;
- Làm công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh;
- Làm ga, cảng, công trình thông tin quân sự, an ninh;
- Làm công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh;
- Làm kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân;
- Làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí;
- Làm cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, cơ sở an dưỡng, điều dưỡng, nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng vũ trang nhân dân;
- Làm nhà ở công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân;
- Làm cơ sở giam giữ; cơ sở tạm giam, tạm giữ; cơ sở giáo dục bắt buộc; trường giáo dưỡng và khu lao động, cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, trại viên, học sinh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
Đối chiếu quy định trên, đất của gia đình bạn nằm trong Dự án xây dựng mở rộng Trại tạm giam nên thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh.