TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 09/03/2021 16:26

Bảo đảm nguồn lực cho công tác theo dõi thi hành pháp luật

 

Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tư pháp năm 2021. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần nhiều giải pháp trong đó có việc bảo đảm nguồn lực thực hiện.

Trong thời gian từ 2016-2020, công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai, bảo đảm ngày càng gắn kết chặt chẽ với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra, xử lý văn bản, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp.  Để khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Nhiều bộ, ngành đã chú trọng theo dõi các lĩnh vực gắn với đặc thù, trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của lĩnh vực quản lý. Năm 2020, Bộ Tư pháp tập trung theo dõi lĩnh vực thi hành án dân sự, đăng ký giao dịch bảo đảm; Bộ Quốc phòng tập trung theo dõi thi hành các quy định về chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, về an toàn, vệ sinh lao động và về thi hành án dân sự;  Bộ Tài chính tập trung theo dõi thi hành pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước, về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Bộ Y tế tập trung theo dõi thi hành pháp luật về quản lý chất thải y tế và đăng ký hoạt động của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ...

Qua công tác theo dõi thi hành pháp luật, các bộ, ngành, địa phương đã có phản ứng chính sách kịp thời hơn đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế: Bộ Tư pháp đánh giá hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật nhìn chung vẫn còn thấp. Đặc biệt theo phản ánh của nhiều địa phương là do kinh phí cho hoạt động theo dõi thi hành pháp luật cũng như bố trí cán bộ chuyên trách cho công tác này còn hạn chế. Trong khi đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 được Bộ Tư pháp xác định là “Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính; tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, lĩnh vực được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2021”

Để gỡ khó về vấn đề kinh phí hỗ trợ cho hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, theo Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 – 2022” (ban hành kèm theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định về kinh phí bảo đảm cho công tác  tổ chức thi hành pháp luật theo hướng bố trí toàn diện, đầy đủ các nội dung chi và mức chi phù hợp đối với các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn kinh phí bảo đảm thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật gửi đến các Bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Bộ Tư pháp vẫn đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về công tác theo dõi thi hành pháp luật, trong đó có nội dung phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác theo dõi thi hành pháp luật.

Cũng tại Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 – 2022” nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương kiện toàn tổ chức pháp chế các bộ, ngành; bố trí biên chế pháp chế chuyên trách tại các sở, ngành chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tổng biên chế được giao để thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế nói chung và làm đầu mối công tác tổ chức thi hành pháp luật nói riêng. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật tổ chức thi hành pháp luật, trong đó đề xuất nội dung hoàn thiện thể chế về điều kiện bảo đảm cho công tác tổ chức thi hành pháp luật, bao gồm biên chế và kinh phí thực hiện. Do đó, để tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, đầu tư về nguồn lực cho công tác này.

Hồng  Điệp

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn