TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 10/08/2021 08:02

Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam:  Ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường

Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.

Mục tiêu của Đề án

Mục tiêu chung

Tăng cường quản lý chất thải nhựa từ trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2025: Sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân huỷ; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

- Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện

 Nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nylon

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án là triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế về quản lý chất thải nhựa, trong đó, đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy chuyển sang sản xuất, phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường; đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xả rác thải nhựa, ngư cụ, sản phẩm nhựa thải bỏ ra môi trường biển và đại dương đối với các doanh nghiệp, cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch biển.

Hình thành mạng lưới tuyên truyền viên hướng dẫn phân loại, thu gom, tái chế, xử lý, quản lý chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng trên các địa phương. Khen thưởng, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có các hoạt động, giải pháp, sáng kiến hay về quản lý chất thải nhựa.

Xây dựng nội dung giáo dục về quản lý chất thải nhựa, túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần để đưa vào chương trình các cấp học theo các hình thức, nội dung phù hợp. Tăng cường vai trò tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí trong việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hạn chế sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường

Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ trên cả nước mô hình trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng túi nylon hoặc sử dụng túi nylon thân thiện với môi trường thay thế cho túi nylon khó phân hủy; thành lập và mở rộng các mô hình tổ chức tái chế chất thải, các phong trào chống rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ trên địa bàn cả nước, đặc biệt là vùng ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thu gom chất thải nhựa trôi nổi trong môi trường (thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa trên lưu vực sông, vùng ven biển, các bãi tắm, các khu du lịch, các âu thuyền, chợ cá ven biển).

Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động thu thuế bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi nylon khó phân hủy trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương; đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế bảo vệ môi trường.

Nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm trọng điểm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá và chứng nhận chất lượng các sản phẩm bao bì thay thế sản phẩm nhựa và sản phẩm túi ni lông phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường đáp ứng quy định của Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý hoạt động sản xuất, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nhựa; thúc đẩy phát triển thị trường tái chế, xử lý chất thải; xây dựng, cập nhật và tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý chất nhựa vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

Tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, phân phối sản phẩm nhựa và thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong đó có chất thải nhựa.

 Đức Thành

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn