TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 09/03/2021 16:19

Quyền tự ứng cử không bị hạn chế

 

 

 

Mọi công dân Việt Nam đủ điều kiện theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (sau đây gọi tắt là bầu cử), Thông báo kết luận số 174-TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cụ thể hóa đầy đủ hơn đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải là những người trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đối với cán bộ, đảng viên, phải là những người tiêu biểu, xuất sắc, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng, có năng lực, kinh nghiệm, thể hiện trách nhiệm nêu gương, không vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về quy trình nhân sự, để bảo đảm nguyên tắc quản lý cán bộ của Đảng, tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 45-CT/TW, Hướng dẫn 36-HD/BTCTW đã bổ sung, hoàn thiện thêm nội dung về quy trình nhân sự theo hướng, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện theo quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; quy trình, thủ tục, hồ sơ cụ thể thực hiện theo quy định của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đối với nhân sự là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, việc giới thiệu ứng cử phải thực hiện theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước.  

Đối với người ngoài Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.

Người ứng cử có quyền lợi như nhau: Tự ứng cử là một trong những yếu tố thể hiện sự bảo đảm dân chủ trong hoạt động bầu cử. Tự ứng cử đại biểu Quốc hội còn cho thấy các quyền hiến định được thực thi trên thực tế ở nước ta. Để trở thành đại biểu Quốc hội, trước hết mỗi ứng cử viên, trong đó có người tự ứng cử, phải tôn trọng các tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định trong các văn bản pháp luật, đồng thời phải thực sự tiêu biểu về năng lực, đạo đức để xứng đáng đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri cả nước.

Quy trình tự ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện theo các quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tất cả công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền ứng cử. Các đại biểu tự ứng cử gửi đơn xin ứng cử và hồ sơ đến Ủy ban bầu cử cấp tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên. Trên cơ sở đó, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh chuyển hồ sơ ứng cử của người tự ứng cử tại địa phương đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương.

Cán bộ, công nhân viên chức có nguyện vọng tự ứng cử nhưng đang công tác trong bộ máy Nhà nước thì theo quy định phải được cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận đồng ý cho cá nhân đó tự ứng cử thì cá nhân mới tiếp tục nộp hồ sơ. Với những người không công tác trong bộ máy nhà nước, có nguyện vọng tự ứng cử thì thực hiện căn cứ theo các quy định hướng dẫn về bầu cử.

Việc thẩm định hồ sơ đối với người tự ứng cử được thực hiện đồng thời với việc thẩm định hồ sơ của các cá nhân được các cơ quan, đơn vị giới thiệu. Quy trình thẩm định như nhau khi xem xét về các tiêu chuẩn, lịch sử chính trị, những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu có, ý kiến phản ánh của Nhân dân, những vấn đề cần phải làm rõ, xác minh...

Hồng  Điệp

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn