TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 27/05/2022 14:46

Các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng

Luật Trẻ em có nhiều quy định mới, tiến bộ nhằm hoàn thiện khung pháp lý về chính sách chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; đề cao, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của gia đình và toàn xã hội, thể hiện rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em Việt Nam, hài hòa với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật xin đăng tải một số nội dung về biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng theo Luật Trẻ em.

Các yêu cầu bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng

Theo Điều 30 Luật Trẻ em, trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.

Đồng thời, theo Điều 70 Luật này, quy định về các yêu cầu bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng như sau:

- Bảo đảm trẻ em được đối xử công bằng, bình đẳng, tôn trọng, phù hợp với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em; ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc liên quan đến trẻ em để giảm thiểu tổn hại đến thể chất và tinh thần của trẻ em;

- Bảo đảm sự hỗ trợ của cha mẹ, người giám hộ, người đại diện hợp pháp khác đối với trẻ em trong suốt quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em;

- Người tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, luật sư, trợ giúp viên pháp lý phải có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với trẻ em; sử dụng ngôn ngữ thân thiện, dễ hiểu với trẻ em;

- Bảo đảm quyền được bào chữa, trợ giúp pháp lý cho trẻ em;

- Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và tái phạm của trẻ em thông qua việc kịp thời hỗ trợ, can thiệp để giải quyết các nguyên nhân, điều kiện vi phạm pháp luật, giúp trẻ em phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng;

- Bảo đảm kịp thời cung cấp các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp an toàn, liên tục, đầy đủ, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh, độ tuổi, đặc điểm tâm lý, sinh lý của từng trẻ em trên cơ sở xem xét và tôn trọng ý kiến, nguyện vọng, tình cảm và thái độ của trẻ em;

- Bảo đảm sự liên kết chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, tổ chức, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, gia đình, cơ sở giáo dục với các cơ quan tiến hành tố tụng, xử lý vi phạm hành chính;

- Ưu tiên áp dụng các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em vi phạm pháp luật; biện pháp cưỡng chế và hạn chế tự do chỉ được áp dụng sau khi các biện pháp ngăn chặn, giáo dục khác không phù hợp;

- Bảo đảm bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế trẻ em phải xuất hiện trước công chúng trong quá trình tố tụng.

Các biện pháp bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, trẻ em là người làm chứng

Theo khoản 1 Điều 71 Luật Trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi được miễn trách nhiệm hình sự; hình phạt cải tạo không giam giữ; án treo theo quy định của Bộ luật Hình sự; trẻ em đã chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng hoặc tù có thời hạn được áp dụng các biện pháp bảo vệ sau đây nhằm khắc phục các nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật, phục hồi, tránh tái phạm:

- Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ hỗ trợ;

- Các biện pháp bảo vệ cấp độ can thiệp;

- Tìm kiếm đoàn tụ gia đình nếu thuộc trường hợp không có nơi cư trú ổn định;

- Áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định của Luật Trẻ em trong trường hợp trẻ em không còn hoặc không xác định được cha mẹ; không thể sống cùng cha, mẹ; không xác định được nơi cư trú trong thời gian thực hiện quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền;

- Hỗ trợ gia đình giám sát, quản lý, giáo dục trẻ em;

- Các biện pháp bảo vệ khác quy định tại các Điều 48 (Cấp độ phòng ngừa), Điều 49 (Cấp độ hỗ trợ) và Điều 50 (Cấp độ can thiệp) của Luật Trẻ em khi xét thấy thích hợp.

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 71 Luật Trẻ em, khi tham gia vào quá trình tố tụng với vai trò là người bị hại và người làm chứng mà bị tổn hại về thể chất, tinh thần, trẻ em có thể được áp dụng các biện pháp bảo vệ cấp độ hỗ trợ và cấp độ can thiệp sau:

1. Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ hỗ trợ bao gồm:

+ Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng)

+ Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em.

2. Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp gồm:

+ Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;

+ Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;

+ Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em.

+ Đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

+ Tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này;

+ Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

+ Các biện pháp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình của trẻ em nhằm hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hòa nhập, được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với độ tuổi và pháp luật về lao động; hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em.

+ Theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

Ngoài ra, trẻ em là người làm chứng còn được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư; hạn chế tối đa việc dẫn giải, gây áp lực về tâm lý.

Trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em

Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có trách nhiệm tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn trẻ em và cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em, trợ giúp pháp lý, xã hội, y tế, giáo dục và các nguồn trợ giúp khác.

Tìm hiểu, cung cấp thông tin về hoàn cảnh cá nhân và gia đình của trẻ em cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính để áp dụng các biện pháp xử lý, giáo dục và ra quyết định khác phù hợp.

Tham gia vào quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính có liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; tham gia cuộc họp của Hội đồng tư vấn áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quá trình xem xét tại Tòa án để áp dụng biện pháp đưa trẻ em vào trường giáo dưỡng.

Theo dõi, hỗ trợ việc thi hành các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính, tái hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em vi phạm pháp luật; kiến nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phù hợp đối với trẻ em vi phạm pháp luật theo quy định.

Tham gia xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trẻ em và theo dõi việc thực hiện; kết nối dịch vụ và hỗ trợ việc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em.

Phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em vi phạm pháp luật

Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em vi phạm pháp luật, Điều 73 Luật Trẻ em quy định:

- Cơ sở giam giữ, trường giáo dưỡng có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã nơi trẻ em cư trú thực hiện các biện pháp sau đây nhằm chuẩn bị và thúc đẩy việc tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em vi phạm pháp luật:

+ Duy trì mối liên hệ giữa trẻ em với gia đình; tổ chức học văn hóa, học nghề, kỹ năng sống cho trẻ em;

+ Xem xét, đánh giá quá trình chấp hành việc học tập, rèn luyện của trẻ em tại cơ sở giam giữ, trường giáo dưỡng để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù hoặc chấm dứt biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng theo quy định của pháp luật.

- Chậm nhất là 02 tháng trước khi trẻ em chấp hành xong hình phạt tù, 01 tháng trước khi trẻ em chấp hành xong biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ hoặc trường giáo dưỡng nơi trẻ em đang chấp hành hình phạt tù hoặc biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có trách nhiệm thông báo và cung cấp thông tin có liên quan cho UBND cấp xã nơi trẻ em về cư trú để chuẩn bị việc tiếp nhận và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em.

- Chủ tịch UBND cấp xã nơi trẻ em cư trú có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch can thiệp, hỗ trợ và áp dụng biện pháp bảo vệ đối với trẻ em vi phạm pháp luật theo quy định.

- Cơ quan lao động - thương binh và xã hội, tư pháp, công an, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để hướng dẫn, giúp đỡ UBND cấp xã trong việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp và áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp khác đối với trẻ em.

Minh Anh

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn