TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 04/12/2023 09:16

Hình thức xử phạt hành vi vi phạm hành chính và biện pháp  khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy  và cứu nạn, cứu hộ

  1. Hình thức xử phạt

Hình thức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được quy định tại Điều 3 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình., gồm các hình thức xử phạt sau đây:

1. Hình thức xử phạt chính:  Phạt cảnh cáo; Phạt tiền.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

- Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);

- Trục xuất.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép;

- Buộc nộp lại giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo; giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ; giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu; giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm duyệt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; chứng chỉ hành nghề, giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy; giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung (sau đây gọi chung là giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động);

- Buộc bảo quản, bố trí, sắp xếp hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định hoặc buộc giảm số lượng, khối lượng, chủng loại hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định hoặc buộc di chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ đến kho, địa điểm theo quy định;

- Buộc thực hiện biện pháp thông gió theo quy định;

- Buộc lắp đặt, duy trì hoạt động của thiết bị, hệ thống chống tĩnh điện theo quy định;

- Buộc lắp đặt và trang bị các thiết bị phát hiện, xử lý rò rỉ chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;

- Buộc lắp đặt hệ thống điện phục vụ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Buộc lắp đặt hệ thống chống sét bảo đảm quy định hoặc buộc khắc phục những sai sót, hư hỏng của hệ thống chống sét;

- Buộc thực hiện các giải pháp ngăn cháy lan bảo đảm quy định của pháp luật;

- Buộc cập nhật cơ sở dữ liệu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

- Buộc duy trì chế độ hoạt động thường xuyên của thiết bị truyền tin báo sự cố;

- Buộc thu hồi phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy hoặc buộc thu hồi biên bản kiểm định;

- Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Mức phạt tiền trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.

Và mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ quy định tại Chương II Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Cách tính mức phạt tiền

- Khi quyết định mức phạt tiền với một hành vi vi phạm cụ thể, cần chú ý căn cứ vào mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với từng hành vi vi phạm, kết hợp việc cân nhắc, đánh giá các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ của hành vi vi phạm để quyết định mức phạt tiền phù hợp.

- Đối với hành vi vi phạm có tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì áp dụng mức phạt thấp hơn nhưng không dưới mức tối thiểu của khung hình phạt.

- Đối với hành vi vi phạm có tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng mức phạt cao hơn nhưng không vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

- Đối với hành vi vi phạm hành chính có cả tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì tùy theo tính chất, mức độ của các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đó mà áp dụng mức phạt cao hơn, thấp hơn mức trung bình hoặc áp dụng mức trung bình của khung tiền phạt. Cụ thể tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:

+ Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;

+ Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra

- Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

- Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính (những trường hợp không ra quyết định xử phạt VPHC).

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn