TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 13/04/2022 10:05

Pháp luật lao động tại các doanh nghiệp

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động đang là một trong những vấn đề cấp thiết cần nghiên cứu. Điều này đã được minh chứng bằng việc thực hiện pháp luật lao động một cách có hiệu quả của các doanh nghiệp và người lao động nhằm cải thiện môi trường lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động.

Để đánh giá việc thực thi pháp luật lao động có hiệu quả cần phải quan tâm dưới nhiều góc độ khác nhau như nội quy lao động của doanh nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động của người lao động, mối quan hệ tương tác giữa doanh nghiệp với người lao động.

Doanh nghiệp quản lý lao động thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, việc thiết lập các quy tắc xử sự trong doanh nghiệp là điều quan trọng. Doanh nghiệp phải thông báo nội quy đến người lao động, những nội dung chính phải được niêm yết công khai, trường hợp không thông báo công khai hoặc không niêm yết công khai những nội dung chính của nội quy lao động ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, nội quy lao động có vai trò đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp bởi nội quy lao động, trực tiếp điều chỉnh quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp theo lĩnh vực hoạt động và quy mô của từng doanh nghiệp. Điều đó được thể hiện qua các vấn đề sau:

Một là, việc quy định thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong nội quy lao động là cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích, sức khỏe của người lao động và trực tiếp xây dựng môi trường lao động lành mạnh, có trật tự, kỷ cương, nề nếp và văn minh;

Hai là, vấn đề bảo vệ tài sản, bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp luôn được xem là nghĩa vụ bắt buộc của người lao động khi đã ký kết hợp đồng lao động, do vậy, việc doanh nghiệp cụ thể hóa và chi tiết hóa những nội dung trên trong nội quy lao động là tất yếu khách quan để người lao động biết và thực hiện;

Ba là, đưa vào nội quy các hành vi vi phạm, hình thức xử lý kỷ luật lao động, cũng như trách nhiệm vật chất và phương thức bồi thường sao cho phù hợp, thích ứng với đặc điểm của từng doanh nghiệp mà không trái với các quy định của pháp luật liên quan, nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, tại doanh nghiệp là không thể thiếu, vì đây là căn cứ (hay cơ sở) để xử lý kỷ luật người lao động khi họ vi phạm nội quy lao động;

Bốn là, đối với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài cần xây dựng nội quy lao động trên cơ sở tôn trọng pháp luật Việt Nam; không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Tuy nhiên, để nội quy lao động đi vào đời sống và được thực thi hiệu quả phải thông qua quá trình lao động của người lao động. Vì ý thức lao động của người lao động đã tác động trực tiếp đến việc thực hiện pháp luật lao động của người lao động tại các doanh nghiệp. Do vậy, việc nâng cao ý thức lao động của người lao động tại doanh nghiệp luôn có vai trò quan trọng, quyết định sự thành công và phát triển của doanh nghiệp hoặc là điều kiện then chốt để nâng cao hiệu suất lao động. Khi người lao động có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề, thì người lao động sẽ nâng cao năng suất lao động, tạo uy tín và nâng cao thu nhập cho mình và gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc nâng cao ý thức lao động cần có sự tương tác/hỗ trợ về nhiều mặt từ các bên tham gia quan hệ lao động.

Để nâng cao ý thức lao động, cũng như thực hiện tốt nội quy lao động tại doanh nghiệp, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sau:

Thứ nhất, cần phải thường xuyên nâng cao hiểu biết về pháp luật lao động cho người lao động, có như vậy, người lao động mới có ý thức chấp hành và có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và nhờ đó mới hạn chế được hiện tượng đình công phát sinh giữa doanh nghiệp với người lao động.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động cần có sự tham gia đồng bộ của các cơ quan chức năng từ trung ương tới cơ sở và được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như, tổ chức các hội nghị, hội thảo với các chủ đề về lao động và việc làm, về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động; đề xuất, đăng ký và thực hiện các đề tài, đề án nghiên cứu về lao động để kiến nghị sát với thực tiễn. Thông qua các hoạt động đó hình thành thói quen làm việc theo pháp luật, tạo ra môi trường văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp; giúp người lao động có thể tự mình giải quyết hài hòa các mối quan hệ lao động, hạn chế tối đa tình trạng xung đột với doanh nghiệp.

Thứ ba, cần có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với người lao động trong doanh nghiệp, trong đó, không thể không đề cập đến vai trò của công đoàn cơ sở.

Thứ tư, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và bền vững giữa doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, diễn biến tình hình thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp để tăng cường công tác quản lý; kịp thời kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền kịp đưa ra các giải pháp để tháo gỡ; nêu gương và phê bình những đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, không tốt chính sách, pháp luật lao động.

Thứ năm, người lao động cần nỗ lực, rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp, tự học hỏi và luôn có tư tưởng cầu tiến để không ngừng nâng cao trình độ tay nghề, nâng cao thu nhập, tự khẳng định năng lực để thăng tiến và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.

Ngoài các giải pháp nói trên, để thực hiện tốt pháp luật lao động tại doanh nghiệp, các bên của quan hệ lao động cần tuân thủ nội quy lao động, nâng cao ý thức lao động cho người lao động, khuyến khích sự hợp tác tích cực giữa doanh nghiệp, người lao động và các bên có quyền lợi liên quan trong việc tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp và môi trường làm việc.

(Theo Tạp chí dân chủ và pháp luật.

Trang điện tử: www.tcdcpl.moj.gov.vn)

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn