TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 27/06/2022 11:18

Pháp luật về hợp đồng theo mẫu

Hợp đồng mẫu được áp dụng phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Lợi ích không thể phủ nhận của hợp đồng mẫu là sự gia tăng hiệu quả về mặt kinh tế, giảm thiểu chi phí giao dịch một cách đáng kể về thời gian và công sức để thương lượng chi tiết từng điều khoản nội dung của hợp đồng mỗi lần giao dịch. Bài viết chỉ ra những bất cập và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hợp đồng theo mẫu.

Theo Điều 405 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng theo mẫu như sau:

“1. Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.

Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng.

Trình tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.

3. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Một số bất cập về hợp đồng theo mẫu

Thứ nhất, mâu thuẫn trong việc nhận diện hợp đồng theo mẫu.

Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận hợp đồng theo mẫu là “hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; Nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 lại tiếp cận hợp đồng theo mẫu là “hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng” (khoản 5 Điều 3). Cách tiếp cận của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 là chưa phù hợp, bởi vì, không phải bất cứ hợp đồng nào do người cung cấp hàng hóa, dịch vụ soạn thảo đều là hợp đồng theo mẫu. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh soạn thảo trước hợp đồng nhưng khách hàng vẫn có quyền đàm phán, sửa đổi nội dung thì hợp đồng này là hợp đồng soạn sẵn, không phải là hợp đồng theo mẫu.

Định nghĩa hợp đồng theo mẫu khác nhau tại các văn bản pháp luật dẫn đến hệ quả là các chủ thể khó tiếp cận và có cách nhận diện hợp đồng theo mẫu không thống nhất. Đặc biệt, định nghĩa hợp đồng theo mẫu tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 sẽ không giới hạn được phạm vi các hợp đồng được coi là hợp đồng theo mẫu, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên. Việc vi phạm các quy định về soạn thảo, thực hiện hợp đồng theo mẫu có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý bất lợi như hợp đồng bị hủy bỏ, không đăng ký hợp đồng theo mẫu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính…

Thứ hai, bất cập trong quy định công khai, đăng ký hợp đồng theo mẫu.

Quy định bắt buộc công khai hợp đồng theo mẫu là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung cần công khai và những hình thức công khai nào là đúng quy định pháp luật.

Đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một trong những cách công khai hiệu quả nhất và có căn cứ pháp lý rõ ràng. Hiện nay, pháp luật quy định tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi áp dụng hợp đồng.

Theo cách quy định trên thì hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục thiết yếu phải công khai nhưng không cần đăng ký với cơ quan nhà nước thì cần có hình thức công khai như thế nào? Có một số hình thức tự công khai như: Đăng trên website của doanh nghiệp, đặt bản hợp đồng mẫu công khai tại trụ sở doanh nghiệp, công khai qua một bên thứ ba… Tuy nhiên, các cách thức này đều phát sinh rủi ro vì bên đưa ra hợp đồng trực tiếp quản lý nên vẫn có cơ hội để chỉnh sửa, thay đổi hợp đồng. Mặt khác, dù hợp đồng đã được công khai nhưng không có cơ chế bảo đảm các bên không thể thay đổi nội dung của hợp đồng. Nếu các bên vẫn có thể sửa đổi hợp đồng thì một trong những đặc tính cơ bản của hợp đồng theo mẫu không được bảo đảm.

Thứ ba, danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu còn chưa hợp lý.

Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thì bắt buộc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Hiện nay có 09 loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Cụ thể đó là: Cung cấp điện sinh hoạt; cung cấp nước sinh hoạt; truyền hình trả tiền; Dịch vụ điện thoại cố định mặt đất; Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán trả sau); Dịch vụ truy nhập internet; Vận chuyển hành khách đường hàng không; Vận chuyển hành khách đường sắt; Mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp. Hai dịch vụ là phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng) và bảo hiểm nhân thọ.

Quy định danh mục như trên còn có một số hạn chế như sau:

(i) Không phải hàng hóa, dịch vụ nào trong Danh mục trên cũng là thiết yếu. Luật Giá năm 2012 quy định, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, gồm: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh. Nếu đối chiếu với Danh mục hàng hóa và dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu ở trên thì có thể thấy có những nhu cầu thực sự thiết yếu với con người như sử dụng điện, nước; nhu cầu đi lại. Bên cạnh đó, những hàng hóa, dịch vụ như internet, dịch vụ di động, mua chung cư, vay vốn, mua bảo hiểm nhân thọ là những nhu cầu thiết yếu. Trong lĩnh vực vận tải hành khách, Việt Nam có dịch vụ vận tải bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không. Trong đó, nhu cầu đi lại bằng đường bộ là lớn hơn so với đường hàng không. Vậy chỉ quy định vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là chưa phù hợp.

Đặc điểm chung lớn nhất của các hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục kể trên là tính phổ biến, có số lượng người dùng lớn trên phạm vi cả nước. Vì vậy, cần phải lấy tính phổ biến và số lượng người sử dụng lớn để nói về những hàng hoá, dịch vụ trên mà không phải là tính thiết yếu.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hợp đồng theo mẫu

Thứ nhất, cần thống nhất định nghĩa hợp đồng theo mẫu trong các văn bản pháp luật. Theo đó, nên áp dụng thống nhất về hợp đồng theo mẫu theo quy định tại Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015, vì định nghĩa này là đầy đủ, phù hợp pháp luật Việt Nam hiện hành. Cần sửa đổi định nghĩa về hợp đồng theo mẫu tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thống nhất với Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thứ hai, sửa đổi nội dung về danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu bắt buộc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Nên sửa tên danh mục thành “Danh mục hàng hóa, dịch vụ bắt buộc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu”, bỏ cụm từ “thiết yếu” đang được sử dụng. Bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi danh mục hàng hóa, dịch vụ theo hướng hợp lý hơn, thêm những hàng hóa, dịch vụ phổ biến khác như dịch vụ vận tải hành khách đường bộ vào danh mục này.

Thứ ba, cần sửa đổi quy định về công khai và đăng ký hợp đồng theo mẫu. Cụ thể, cần quy định tất cả các hợp đồng theo mẫu đều phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và áp dụng chung một trình tự, thủ tục đăng ký dù đó là hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hay không bởi chỉ đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới bảo đảm tính công khai của hợp đồng theo mẫu. Ngoài ra, vẫn phải áp dụng đồng bộ đăng tải trên  website của doanh nghiệp…

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn