TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 28/06/2022 15:08

Quy định về chuẩn bị phạm tội, phạm tội có tổ chức, che dấu tội phạm  theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Chuẩn bị phạm tội là hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm cố ý (cố ý trực tiếp) như chuẩn bị kế hoạch, công cụ, phương tiện, điều kiện khác để phạm tội; tìm người cùng phạm tội như thành lập nhóm tội phạm, tham gia nhóm tội phạm.

Chuẩn bị phạm tội tuy chưa phải là hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội cụ thể, chưa trực tiếp làm biến đổi tình trạng của đối tượng tác động để gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, nhưng với tính chất là hành vi tạo điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm cũng như cho việc gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, hành vi chuẩn bị phạm tội là nguy hiểm cho xã hội và được coi là một giai đoạn của quá trình thực hiện tội phạm cố ý.

Về chuẩn bị phạm tội: Khoản 1, 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau:

Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm sau:

Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố thuộc tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố thuộc tội khủng bố của Bộ luật Hình sự.

Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều sau của Bộ luật Hình sự thì phải chịu trách nhiệm hình sự:

- Phản bội Tổ quốc, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp, xâm phạm an ninh lãnh thổ, bạo loạn, khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, phá hoại cơ sở vật chất- kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế- xã hội, phá hoại chính sách đoàn kết, làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Phá rối an ninh, chống phá trại giam, tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân;

- Giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản;

- Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, khủng bố, tài trợ khủng bố, bắt cóc con tin, cướp biển, phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, rửa tiền.

Phạm tội chưa đạt

Theo Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Theo Điều 16 Bộ luật hình sự năm 2015, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Phạm tội có tổ chức

Tội phạm có tổ chức là hình thức đồng phạm có phân công vai trò (đồng phạm phức tạp) có kế hoạch phạm tội chi tiết, rõ ràng hoặc tuy không có kế hoạch nhưng mỗi người đảm nhiệm một phần nhất định và chịu trách nhiệm đối với phần việc của mình. Hay nói cách khác, trong phạm tội có tổ chức, mỗi người được giao một nhiệm vụ cụ thể và tất cả họ cùng nhau liên kết lại thực hiện tội phạm và che dấu tội phạm.

Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về phạm tội có tổ chức như sau:

 Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Như vậy, phạm tội có tổ chức là một loại đồng phạm.

- Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

+ Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

+ Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Hành vi che dấu tội phạm

Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về che giấu tội phạm như sau:

Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật Hình sự quy định.

Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định.

Không tố giác tội phạm

Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về không tố giác tội phạm như sau:

Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật Hình sự.

Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

Nguyễn Nguyên

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn