TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 28/12/2020 14:38

ĐỪNG VÌ CHUYỆN NHỎ MÀ MẤT VUI!

Trong đời sống xã hội, do sự khác biệt về suy nghĩ, lối sống nên phát sinh những tranh chấp nhỏ nhặt là điều khó tránh khỏi. Hòa giải ở cộng đồng được xem như một trong những phương thức hữu hiệu để giải quyết những tranh chấp đó.

“Triết lý” của hòa giải không nặng về sự phán xử ai đúng, ai sai mà hướng tới việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng kịp thời, thấu đáo để “chuyện to” thành “chuyện nhỏ”, “chuyện nhỏ” trở thành “không có”. Nhờ được giải quyết tận “gốc” nên kết quả của hòa giải thường mang tính bền vững bởi lẽ, hòa giải không chỉ dựa trên những quy định của pháp luật mà còn dựa vào những chuẩn mực đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp để tác động tới các bên. Đó là kết hợp hài hòa, nhuần nhị giữa “lý” với “tình”, giữa pháp luật và đạo đức. Ngày nay, dưới tác động của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, đời sống kinh tế - xã hội của người Việt Nam có những biến đổi sâu sắc nhưng hòa giải ở cơ sở vẫn là một nét văn hóa đẹp, một lựa chọn cần thiết trong giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.

Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi “Đừng vì chuyện nhỏ mà mất vui” giúp người đọc, người nghe hình dung rõ hơn về điều đó.

 

I. Nhân vật:

- Ông Bình.

- Bà Thảo: Hàng xóm của ông Bình.

- Ông Sáng: Cán bộ về hưu, hòa giải viên.

II. Nội dung tiểu phẩm:

Nhà ông Bình và nhà bà Thảo ở liền kề nhau đã gần hai mươi năm nay. Ranh giới giữa hai nhà là hàng rào râm bụt được trồng đã lâu. Để chuẩn bị tổ chức lễ cưới cho con trai, ông Bình định cho phá hàng rào râm bụt để xây tường bức tường chung…

 

  Phần 1. Buổi sáng - Tại nhà ông Bình:

Ông Bình: Này, các cậu thợ xây. Tôi đun một nồi nước nhân trần đấy. có khi tôi đi lấy khay đá về để các cậu uống cho mát nhé!

Thảo: Ông Bình ơi, ông định làm gì thế?

Ông Bình: Kìa,Thảo, bà đi chợ về đấy à? Hôm qua, tôi ngó sang nhà bà mấy lần nhưng toàn thấy nhà toàn đóng cửa nên chưa kịp nói chuyện cụ thể.

Thảo: Ông tìm tôi có việc gì thế?

Ông Bình: Chả là thế này, tôi chuẩn bị tổ chức đám cưới cho cháu Minh nhà tôi bà ạ!

Thảo:  Vâng, tôi mừng cho gia đình ông.

Ông Bình: Tôi muốn bàn với bà chuyện bức tường rào.

Thảo:  Bức tường nào hả ông?

Ông Bình: Thì khoảng sân giữa nhà tôi với nhà bà đó, chỉ là một hàng rào râm bụt đã gần hai mươi năm nay rồi. Trông nó không được đẹp cho lắm. Đợt tới, gia đình tôi tổ chức đám cưới cho cháu Minh, nhân tiện tôi muốn phá hàng rào cây râm bụt đi để xây một bức tường vừa sạch sẽ, vừa đẹp đẽ hơn, lại đỡ phải quét lá, bà xem có được không?

Thảo:  Ông định xây như thế nào?

Ông Bình: Thì mỗi gia đình chúng ta bớt một ít đất để xây tường chung bà ạ.

Thảo: Tôi thì tôi thấy hàng rào cây râm bụt cũng được đấy thôi, xây làm gì cho tốn công, tốn của hả ông.

Ông Bình: Xây cho đẹp hơn bà ạ! Với lại không có tường rào, trông cứ trống chếnh thế nào ấy.

Thảo: Thế này ông Bình! Tôi không cần tường rào. Ông muốn xây là tùy ông.

Ông Bình: Vâng, cảm ơn bà!

Thảo: Có điều, ông muốn xây tường rào thì chỉ được xây trên phần đất nhà ông, chứ ông không được lấn sang phần đất của nhà tôi.

Ông Bình: Vâng, tôi sẽ không lấn sang phần đất của bà. Nhưng tôi và bà mỗi người góp chung 5 phân đất thì mới đặt được viên gạch mà xây chứ.

Thảo: Tôi bảo ông rồi mà, tôi không cần xây. Tôi chỉ cần hàng rào cũ là được rồi. Ông cứ để nguyên hàng rào đấy cho tôi. Ông cứ xây trên phần đất của nhà ông ấy.

Ông Bình: Mỗi gia đình chỉ thiệt 5 phân đất chứ có nhiều nhặn gì đâu mà bà cứ khó dễ với tôi thế.

Thảo: Ông nói thế nào chứ, “tấc đất, tấc vàng” mà. Ông cứ xây từ hàng rào về đất nhà ông là được.

Ông Bình: Nếu nói như bà thì gia đình tôi chịu thiệt à?

Thảo:  Thế thì ông đừng xây nữa, cứ giữ nguyên như bây giờ thì chả ai thiệt cả.

Ông Bình: này nói ngang lắm, thế còn nói chuyện gì nữa.

Bà Thảo bỏ về nhà. Ông Bình cho rằng vì lợi ích chung nên vẫn định xây ở đúng vị trí của hàng rào râm bụt cũ. Khi ông Bình cho thợ phá hàng rào râm bụt để xây bức tường, các con bà Thảo ra ngăn cản. Hai bên lời qua, tiếng lại dẫn đến xô xát. Ông Bình liền gọi điện cho ông Sáng vốn là giáo viên đã nghỉ hưu, nay lại tham gia làm Tổ trưởng tổ hòa giải để nhờ giải quyết vụ việc. Vài ngày sau, ông Sáng và ông Bình sang nhà bà Thảo cùng nói chuyện.

  Phần 2. Tại nhà bà Thảo

Thảo (pha trà, rót nước): Nay hai ông sang nhà tôi chắc cũng vì câu chuyện cái tường rào hôm trước. Tính tôi cũng không thích vòng vo, mất thời gian của các ông. Nhưng tôi vẫn giữ nguyên ý kiến hôm trước đã nói với ông Bình rồi đó.

Ông Bình (quay sang ông Sáng): Đầu đuôi câu chuyện, ông cũng nắm được cả rồi. Bây giờ, ông cứ nêu ý kiến một cách khách quan nhất xem tôi nói đúng hay nhà bà Thảo đúng?

Thảo: Tôi đã không đồng ý mà ông Bình vẫn cố tình xây tường rào trên ranh giới chung, ông còn phải hỏi đúng - sai gì nữa.

Ông Sáng: Thôi được rồi, được rồi… Các ông, bà cứ bình tĩnh uống nước hẵng…Trà xanh bà Thảo nấu ngon thế này cơ mà! Chuyện đâu có đó. Các cụ nhà ta chẳng dạy “cả giận mất khôn” đấy thôi. Chuyện khúc mắc giữa hai gia đình, tôi đã tìm hiểu rồi. Bây giờ, chưa cần nói ai đúng, ai sai, ông Bình, bà Thảo cứ nghe tôi đọc các quy định của pháp luật thì rõ nhé:

Ông Sáng: (đọc to, rõ ràng): Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 quy định ranh giới giữa các bất động sản như sau:

“1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình ….”.

Ông Bình: Đó là quy định của pháp luật về ranh giới giữa các bất động sản liền kề, thế còn mốc giới ngăn cách các bất động sản thì được quy định thế nào hả ông?

Ông Sáng: Đây, đây ông ơi! Điều 176 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rất cụ thể nhé: “Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình”...

Thảo:  Đấy, ông Bình thấy chưa?

Ông Sáng: Được rồi, bà cứ bình tĩnh nghe tiếp nào! “Những người sử dụng đất liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn, trồng cây trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản và những vật mốc giới là sở hữu chung của những người đó. Trong trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý, thì mốc giới ngăn cách đó là của chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng, thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, tường ngăn phải dỡ bỏ”.

Ông Bình: Như thế có nghĩa là…

Ông Sáng: Pháp luật quy định rất rõ ràng rồi đấy. Lẽ ra ông Bình nên bàn bạc, thuyết phục cẩn thận, thấu đáo hơn để bà Thảo thấy được việc làm của ông xuất phát từ lợi ích chung của hai gia đình mà đồng ý cho xây tường rào. Khi bà Thảo chưa đồng ý mà ông Bình tự ý phá dỡ, xây tường rào như vậy là chưa đúng.

(Rồi ông chậm rãi quay sang nói với bà Thảo): Còn theo tôi, bà Thảo cũng nên vì tình làng nghĩa xóm bấy lâu nay và xét ý định của ông Bình là vì lợi ích chung mà đồng ý cho ông ấy xây tường rào trên ranh giới giữa hai nhà là tốt nhất. Ông cha ta xưa đã có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “Hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau”… Hai gia đìnnh đã gắn bó cùng nhau bao năm nay rồi. Hơn nữa, ông Bình đang chuẩn bị đám cưới cho con trai. Đấy là việc hệ trọng cả đời người nên đừng vì những chuyện nhỏ mà làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của con trẻ bà ạ.

Bà Thảo: Vâng, vâng, ông nói vừa có “lý”, vừa có tình” nên tôi cũng hiểu ra rồi.

Ông Bình: Đi đâu mà thiệt phải không bà, sạch đẹp cả hai nhà chúng ta. Cũng coi như món quà bà mừng cưới cho cháu Minh bà ạ!

Ông Sáng: Bà cũng nên khuyên bảo các con nhà mình không nên mất bình tĩnh có những việc làm không hay, mất đi tình cảm xóm giềng bà ạ.

Thảo (cười, ngại ngùng): Tính tôi cũng hơi nóng và cố chấp. Ông Bình đừng để bụng nhé! Thôi được rồi, thế ông cứ xây đi, tôi xin góp một nửa tiền công thợ giúp ông nhé!

Ông Bình: Cảm ơn ông Sáng, cảm ơn bà Thảo! Bà nói như vậy là tôi vui lắm rồi. Mọi chi phí xây tường rào bà cứ để tôi lo. Mà hôm nào tôi tổ chức cho các cháu, nhất định ông bà sang chung vui cùng gia đình tôi nhé!

 

 

 

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn