TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 01/06/2023 16:08

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT HỖ TRỢ, TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động là một trong những chủ trương, chính sách của Nhà nước ta trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhà nước ta rất quan tâm và thể hiện trách nhiệm trong việc bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách về việc làm; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm và tự tạo việc làm có thu nhập từ mức lương tối thiểu trở lên nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội; có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp; có chính sách đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề; có chính sách ưu đãi đối với ngành, nghề sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc sử dụng nhiều lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội…

 Theo đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung cho người lao động thuộc hộ nghèo còn được hưởng nhiều chính sách ưu tiên về hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm. Công tác xuất khẩu lao động được xác định là giải pháp quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Để khuyến khích, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo tham gia xuất khẩu lao động, Nhà nước đã có những hỗ trợ cụ thể, nhiều người lao động đã có cơ hội xuất khẩu lao động, tạo đà cho việc xóa nghèo bền vững của địa phương.

Tiểu phẩm pháp luật “Hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động” giới thiệu đến bạn đọc một số quy định của pháp luật liên quan đến xuất khẩu lao động.

I. NHÂN VẬT

- Minh: 21 tuổi;

- Anh Tuấn: hàng xóm, là nhân viên công ty xuất khẩu lao động M;

- Bà Hồng: mẹ Minh;

- Chị Mai: nhân viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện.

II. NỘI DUNG TIỂU PHẨM

Tại nhà, Minh đang ngồi suy nghĩ thì anh Tuấn đến chơi

Anh Tuấn: Đang tương tư cô nào đấy thằng em? Trời đẹp thế này mà ngồi ở nhà rầu rĩ như cụ già vậy.

Minh: Em chào anh, anh về bao giờ đấy? Em cũng đang định đợi anh về hỏi xem anh có việc gì làm cho em theo với chứ ở nhà nhiều thế này ươn cả người anh ạ.

Anh Tuấn: À, mà anh tưởng em vẫn bán hàng online gì đó cơ mà?

Minh: Em bán hàng thuê thôi, mà cũng không có hiệu quả mấy. Với cả em cũng không có khiếu ăn nói. Nghề em học là làm thợ cơ khí nên trong lúc chưa tìm được việc làm em tranh thủ làm thêm để có chút thu nhập. Em chỉ muốn làm việc liên quan đến ngành nghề mình đã học thôi anh ạ.

Anh Tuấn (suy nghĩ): Công ty anh chuyên về xuất nhập khẩu, nghề cơ khí của em lại không phù hợp để ứng tuyển. À, anh có ý này, hay em đi xuất khẩu lao động đi? Anh thấy các công ty xuất khẩu lao động họ đưa người đi lao động tại nước ngoài, ngành nghề cơ khí anh thấy cơ hội việc làm tốt đấy. Em suy nghĩ đi rồi hỏi ý kiến bố mẹ xem, bên công ty bạn anh đang tuyển lao động đi làm việc ở Đài Loan đấy, chi phí thấp nhất trong số các nước đi xuất khẩu lao động rồi đấy.

Minh: Vâng, nhưng mà nhà em nghèo thế này lấy tiền đâu mà đi hả anh.

Anh Tuấn: Thế càng phải cố gắng đi làm để còn kiếm tiền mà trang trải cuộc sống chứ. Em cứ bàn với bố mẹ trước xem sao. Anh nghe có thông tin Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người đi lao động ở nước ngoài đấy. Nhà mình đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện mình hỏi cụ thể xem sao.

Minh: Vâng, em sẽ nói chuyện với bố mẹ em.

Tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, bà Hồng – mẹ Minh đến gặp chị Mai, là chuyên viên làm việc ở đây để hỏi một số thông tin liên quan đến việc đi xuất khẩu lao động của Minh .

Bà Hồng: Chào cháu!

Mai: Chào cô, cháu có thể giúp gì cho cô không?

Bà Hồng: Cô có việc muốn nhờ cháu tư vấn giúp. Chuyện là cô có đứa con trai đã học xong trường trung cấp cơ khí. Giờ chưa xin được việc làm, em muốn đi xuất khẩu lao động mà cô không biết có được không vì nhà cô nghèo lắm, không đủ tiền cho em nó đi. Nay cô lên đây nhờ cháu tư vấn giúp hộ cô, nhà cô thuộc hộ nghèo của xã, con cô có cơ hội được nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động không?

Mai: Cháu hiểu ý cô rồi. Cô ạ, xuất khẩu lao động bây giờ nhiều người đi lắm. Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Trong đó có hỗ trợ cho đối tượng là hộ nghèo như nhà mình cô ạ.

Bà Hồng: Cô nghe có thông tin là nhà nước mình tạo điều kiện cho vay vốn phải không cháu?

Mai: Dạ, đúng rồi cô. Nếu cô có nhu cầu vay vốn cho em nhà mình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì đến Ngân hàng chính sách xã hội để được hỗ trợ vay vốn ạ.

Bà Hồng: Cháu cho cô biết đối tượng được vay vốn là những ai hả cháu?

Mai: Theo quy định tại khoản 2 Hướng dẫn số 7886/NHCS-TDNN ngày 24/10/2019 của Ngân hàng chính sách, về nghiệp vụ cho vay đối với người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đối tượng cho vay được quy định như sau:

“2.1. Người lao động thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo được Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ;

2.2. Người lao động thuộc diện hộ cận nghèo theo chuẩn cận nghèo được Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ;

2.3. Người lao động là người dân tộc thiểu số;

2.4. Người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng. Thân nhân người có công với cách mạng được Ủy ban nhân dân xã xác nhận theo Mẫu số 4 ban hành kèm theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ.

2.5. Người lao động bị thu hồi đất gồm:

- Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã được Nhà nước giao đất nông nghiệp theo quy định (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi;

- Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở.

2.6. Người lao động tại các huyện nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Như vậy, nếu nhà mình thuộc hộ nghèo theo quy định của Nhà nước thì thuộc đối tượng được hỗ trợ vay vốn.

Bà Hồng: Cháu có biết mức cho vay và lãi suất vay được quy định như thế nào không cháu?

Mai: Cô ơi, khoản 5 Hướng dẫn số 7886/NHCS-TDNN đã quy định mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết giữa người lao động và Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Còn về lãi suất cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng lãi suất cho vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định, từng thời kỳ (hiện nay, lãi suất cho vay hộ nghèo là 6,6%/năm). Riêng đối tượng vay vốn là người lao động thuộc hộ nghèo hoặc người dân tộc thiểu số được vay vốn với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Thời hạn cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động ghi trong hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, tại Hướng dẫn cũng quy định rất rõ, vốn vay được sử dụng vào việc chi trả các khoản chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo quy định được ghi theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bà Hồng: Vậy tốt quá, thế thủ tục, giấy tờ vay vốn và thời gian giải quyết có phức tạp không cháu?

Mai: Cô ơi, theo quy định tại khoản 11 Hướng dẫn số 7886/NHCS-TDNN, thủ tục, quy trình cho vay được quy định như sau:

Về hồ sơ vay vốn: Khách hàng vay vốn viết Giấy đề nghị vay vốn theo Mẫu số 01/LĐNN gửi kèm các giấy tờ sau:

- Bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, số hộ khẩu hoặc sổ tạm trú;

- Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn thời hạn của người lao động;

- Bản sao có chứng thực hợp đồng ký kết giữa người lao động với Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

- Văn bản ủy quyền của người lao động Mẫu số 03/LĐNN;

- Hợp đồng thỏa thuận về việc chuyển tiền lương của người lao động để trả nợ, trả lãi tiền vay Mẫu số 07/LĐNN (sau đây viết tắt là Hợp đồng thỏa thuận) đối với trường hợp người lao động được Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài quản lý tiền lương;

- Đối với khách hàng vay vốn là thân nhân của người có công với cách mạng nộp Bản sao có chứng thực Giấy xác nhận Mẫu số 4 ban hành theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP;

- Đối với khách hàng vay vốn thuộc đối tượng bị thu hồi đất theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ nộp Bản sao có chứng thực Quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền;

- Các giấy tờ chứng minh về tài sản bảo đảm trong trường hợp khoản vay phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định.

Về quy trình cho vay: Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ vay vốn, Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay phân công cán bộ tín dụng thực hiện:

- Kiểm tra, đối chiếu, thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của đối tượng vay vốn, hồ sơ vay vốn, đồng thời lập Báo cáo thẩm định Mẫu số 02/LĐNN trình Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ /Tổ trưởng tổ Kế hoạch - Nghiệp vụ Tín dụng kiểm soát, sau đó trình Giám đốc xem xét phê duyệt hồ sơ vay vốn.

+ Nếu không phê duyệt thì Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay thông báo từ chối cho vay Mẫu số 04a/LĐNN ghi rõ lý do từ chối gửi đến khách hàng vay vốn.

+ Nếu phê duyệt cho vay thì Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay gửi thông báo kết quả phê duyệt cho vay Mẫu 04/LĐNN đến khách hàng vay vốn.

- Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay cùng khách hàng vay vốn lập Hợp đồng tín dụng Mẫu số 05/LĐNN; lập Hợp đồng bảo đảm tiền vay và thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay (nếu có) theo quy định của pháp luật và quy định của Ngân hàng chính sách xã hội.

- Báo cáo thẩm định và các hợp đồng nêu trên được lập phù hợp với từng đối tượng vay vốn, loại tài sản bảo đảm nhưng phải tuân thủ theo nội dung mẫu hướng dẫn tại văn bản này và được đánh máy.

- Sau khi hồ sơ vay vốn được hoàn thiện được bàn giao cho bộ phận kế toán làm căn cứ giải ngân vốn vay cho khách hàng, trong đó Báo cáo thẩm định được lập 02 bản theo Mẫu số 02/LĐNN, 01 bản lưu tại bộ phận tín dụng, 01 bản lưu tại bộ phận kế toán.

- Trước khi giải ngân vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay: nhập kho hồ sơ bảo đảm tiền vay và giấy tờ liên quan đến bảo đảm tiền vay (nếu có) theo quy định hiện hành của Ngân hàng chính sách xã hội; hướng dẫn khách hàng vay vốn thực hiện mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay. Việc mở tài khoản tiền gửi thanh toán được thực hiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng chính sách xã hội”.

Bà Hồng: Đấy, hôm nay cô mà không lên đây thì không biết có quy định vay vốn này. May quá. Cô cảm ơn cháu! Hy vọng nhà cô sẽ thuộc đối tượng được hỗ trợ vay vốn. Gia đình cô cũng cố gắng cho em đi để hy vọng em nó có thêm thu nhập để không phải khổ như mình cháu ạ.

Mai: Vâng cô, em chịu khó vài ba năm cho có chút vốn sau này cô ạ. À, cháu quên chưa nói với cô, ngoài việc hỗ trợ vay vốn thì đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng cũng được hỗ trợ một số khoản sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đấy cô ạ.

Bà Hồng: Cụ thể như thế nào cháu?

Mai: Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:

“Người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ:

1. Hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết gồm:

a) Học phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết;

b) Tiền ăn trong thời gian thực tế học;

c) Chi phí đi lại (01 lượt đi và về) từ nơi cư trú đến địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên hoặc từ 10 km trở lên đối với người lao động cư trú hợp pháp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Riêng người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ thêm tiền ở và đồ dùng cá nhân thiết yếu.

2. Hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khoẻ, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

3. Hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

4. Hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu”.

Để dễ nhớ, dễ hiểu cháu tóm gọn lại để cô dễ hình dung là đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người thuộc hộ nghèo sẽ được Nhà nước hỗ trợ các nội dung như hỗ trợ đào tạo nghề, học ngoại ngữ, tiền ăn trong thời gian thực tế học, chi phí đi lại. Ngoài ra, lao động thuộc hộ nghèo còn được hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khoẻ, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận có yêu cầu.

 Bà Hồng: Tốt quá cháu ạ, thế có mức hỗ trợ cụ thể không cháu?

Mai: Có cô ạ. Theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15/6/2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách h trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm quy định nội dung và mức chi hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:

“1. Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết:

a) Đào tạo nghề: theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định tại Điều 4 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng;

b) Đào tạo ngoại ngữ: theo mức cụ thể của từng khóa học và thời gian học thực tế, tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học;

c) Bồi dưỡng kiến thức cần thiết: theo chi phí thực tế, tối đa 530.000 đồng/người/khóa học;

d) Tiền ăn trong thời gian đào tạo: mức 40.000 đồng/người/ngày;

đ) Chi phí đi lại (01 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi cư trú hợp pháp đến địa điểm đào tạo: mức 200.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên; mức 300.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên;

e) Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (sau đây gọi là Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP) được hỗ trợ thêm tiền ở trong thời gian đào tạo và tiền trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu theo mức quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 31/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020.

2. Hỗ trợ chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài gồm:

a) Lệ phí làm hộ chiếu theo mức quy định tại Thông tư số 157/2015/TT- BTC ngày 08 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam;

b) Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp theo mức quy định tại Thông tư số 174/2011/TT-BTC ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp;

c) Lệ phí làm thị thực (visa) theo mức quy định hiện hành của nước tiếp nhận lao động;

d) Chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực tế của cơ sở y tế được phép thực hiện khám sức khỏe đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, mức hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người.

3. Hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài:

Người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro được hỗ trợ giải quyết rủi ro theo mức quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước và các văn bản hướng dẫn.

4. Hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề:

a) Người lao động tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề theo yêu cầu của hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài được hỗ trợ một phần chi phí bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo ngoại ngữ, mức hỗ trợ bằng 70% chi phí đào tạo của từng khóa học của cơ sở đào tạo nhưng không quá mức hỗ trợ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;

b) Người lao động tham gia các chương trình đào tạo trình độ cao theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và nước tiếp nhận lao động được hỗ trợ chi phí đào tạo theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ.

5. Trường hợp người lao động đồng thời thuộc hai hay nhiều đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này thì được lựa chọn áp dụng theo đối tượng có lợi nhất cho người lao động và chỉ được hưởng một lần các khoản hỗ trợ quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.

6. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP có thể lựa chọn áp dụng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Thông tư liên tịch này hoặc quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg. Trường hợp người lao động thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch này thì không thực hiện theo quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg và ngược lại”.

Bà Hồng: Cám ơn cháu. Cháu cho cô hỏi thủ tục xin hỗ trợ có khó không cháu?

Mai: Thủ tục hỗ trợ đã có quy định của pháp luật rồi cô ạ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chi trả tiền hỗ trợ sau khi nhận đủ hồ sơ giấy tờ. Tất nhiên là hỗ trợ sẽ chi trả sau khi em nhà mình hoàn thành chương trình đào tạo, chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bà Hồng: Ừ, cô hiểu rồi, để cô về báo cho con cô biết, cho em nó đỡ lo. Cảm ơn cháu nhiều nhé!

 

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn