TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 01/06/2023 16:07

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT QUYỀN ĐƯỢC HỌC TẬP CỦA TRẺ EM

Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Phổ cập giáo dục bậc tiểu học là bắt buộc, người dân không phải trả học phí. Công dân có quyền học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức. Học sinh có năng khiếu được nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Nhà nước có chính sách học phí, học bổng, nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác được học văn hóa và học nghề phù hợp.

Trẻ em có quyền được học tập, điều này có nghĩa là bất kì trẻ em dưới mười sáu tuổi, là công dân Việt Nam đều có quyền được đi học đúng độ tuổi, có quyền tham gia học đầy đủ các chương trình giáo dục của Nhà nước. Quyền năng này được Nhà nước quy định và bảo đảm thực hiện. Mọi hành vi ngăn cấm việc trẻ em không được thực hiện  quyền được học tập một cách chính đánh đều là hành vi đi ngược lại lợi ích, sự phát triển một cách bình thường của trẻ. Việc quy định cụ thể thành văn bản pháp luật của Nhà nước cho thấy sự quan tâm đặc biệt của toàn thể xã hội đối với những mầm non tương lai đất nước sau này.

Tiểu phẩm pháp luật “Quyền được học tập của trẻ em” giới thiệu đến bạn đọc một số quy định liên quan đến quyền được học tập của trẻ em.

  1. NHÂN VẬT

Trung: Người môi giới lao động;

Em Tùng: Học sinh vừa tốt nghiệp cấp 2, chuẩn bị vào lớp 10;

Chị Oanh: Bác của Tùng - Cán bộ tư pháp của xã.

II. NỘI DUNG TIỂU PHẨM

Trung là thanh niên không có công ăn việc làm ổn định. Sau một thời gian ra thành phố kiếm việc, Trung về tìm các thanh niên trong xã để giới thiệu cho các chủ thầu thuê làm phụ hồ, bốc vác trong các công trường xây dựng để ăn hoa hồng. Hôm đó, khi đi ngang qua nhà Tùng, thấy Tùng đang quét sân, Trung liền gọi:

Trung: Tùng! Tùng! Ra đây chú bảo.

Tùng: Dạ cháu chào chú ạ!

Trung: Hôm nay cháu được nghỉ học à?

Tùng: Dạ vâng. Chú tìm bố mẹ cháu à? Bố mẹ cháu không  có ở nhà đâu chú ạ!

Trung (cười to): Hôm nay, chú không sang tìm bố mẹ cháu mà chú tìm cháu. Này, chú thấy cháu rất có tiềm năng làm kinh tế đấy nên chú quyết định đầu tư cho cháu.

Tùng: Thật hả chú? Nhưng cháu mới học lớp 10 thôi mà.

Trung: Ôi giời ơi. Lớp 10 quan trọng gì! Chú nói cho cháu biết công ty chú đang làm chuyên cung cấp công nhân cho các công ty lớn trên thành phố đấy.

Tùng: Ý của chú là bảo cháu bỏ học để đi làm ấy ạ?

Trung: Đúng rồi! Bé mà đã thông minh như thế này rồi. Chú thấy cháu có tương lai đấy. Thế này nhé, chú sẽ nói công việc cụ thể cho cháu.

Chú sẽ giới thiệu cho cháu một công việc ổn định với mức lương từ 10 đến 12 triệu một tháng. Mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt đi cháu tiết kiệm được từ 5 đến 6 triệu cháu gửi về cho bố mẹ. Số tiền còn lại cháu chi tiêu thoải mái. Cháu thử tính xem bố mẹ cháu ở quê hàng tháng có kiếm được số tiền đấy không?

Tùng (phân vân): Dạ. Không ạ!

Trung: Tất nhiên là không rồi.

Tùng: Dạ. Vâng ạ!

Trung: Chú tính cho cháu nghe nhé! Ba năm cháu học cấp ba cộng thêm bốn năm cháu học đại học, như vậy là mất khoảng bảy năm đúng không. Trong bảy năm cháu đi học ấy, cháu có biết là bố mẹ cháu phải mất bao nhiêu tiền cho cháu ăn học không hả? Nếu như mà bảy năm ấy cháu không đi học, cháu đi làm cho chú cháu sẽ kiếm ra được rất nhiều tiền.

Tùng: Nhưng chú ơi, cháu còn chưa đủ 16 tuổi mà lại gầy gò như thế này thì làm được việc gì hả chú? À. Hay chú đợi cháu học xong ba năm cấp ba với thi xong đại học đã chú nhé!

Trung: Ôi, cái thằng này, chú đã nói với cháu rồi. Học không quan trọng. Bằng đại học lại càng không quan trọng. Chú lấy ví dụ cho cháu nhé, cháu biết anh Sơn và anh Hà ở làng mình rồi đúng không. Đấy, các anh ấy đã học xong đại học rồi, mà lại là bằng đại học tốt nghiệp hạng ưu đó mà đã xin được việc làm đâu. Bây giờ cứ có việc làm kiếm được nhiều tiền là tốt rồi, đại học có phải là tất cả đâu mà cháu phải nghĩ phấn đấu làm gì.

Tùng đang băn khoăn suy nghĩ, có vẻ như bị thuyết phục bởi những lời lẽ lôi kéo của Trung thì chị Oanh - bác của Tùng bước vào cắt ngang câu chuyện của Trung và Tùng. Nãy giờ đứng ngoài bà đã nghe hết câu chuyện, thấy Trung đang khuyên cháu Tùng bỏ học, bà không thể yên lặng được và đi vào nói.

Chị Oanh: Đấy chỉ là số ít thôi. Không đại diện cho tất cả. Anh Trung này. Nhà nước đang thực hiện bao nhiêu chính sách hỗ trợ để tất cả trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học. Tôi nói anh nghe, khoản 1 Điều 44 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về việc bảo đảm về giáo dục cho trẻ em như sau:

1. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hòa nhập, được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với độ tuổi và pháp luật về lao động.

Đấy anh Trung có thấy Nhà nước ta bằng mọi biện pháp, cách thức để cho mọi trẻ em được đến trường. Quyền được học tập là một trong những quyền cơ bản của trẻ em được pháp luật Nhà nước ta quy định. Đây là một quyền đương nhiên mà cháu tôi được hưởng, mọi trẻ em không phân biệt điều kiện và hoàn cảnh đều được bình đẳng về cơ hội học tập, được tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Là hàng xóm, láng giềng, anh không động viên cháu Tùng phấn đấu học tập mà anh lại sang xui cháu nó bỏ học là sao? Anh vì lợi ích của anh, được việc của anh mà anh dám làm một việc tán tận lương tâm như vậy sao?

Trung: Chị Oanh! Sao chị lại nói là tôi xui cháu nó bỏ học là thế nào?

Chị Oanh: Thì đấy. Anh vừa mới nói đấy còn gì. Tôi đứng ngoài nãy giờ chứng kiến cuộc nói chuyện của anh và cháu Tùng.

Trung: Ối giời ơi! Đấy là chị đổ vạ cho tôi đấy. Tôi thấy nhà cháu Tùng hoàn cảnh khó khăn, tôi đang làm phúc, tạo điều kiện cho gia đình nhà cháu chứ, không phải ai tôi cũng tạo điều kiện đâu nhé. Đi với tôi là toàn làm cho các công ty lớn về xây dựng này, về khoáng sản này… Toàn những công ty cực lớn.

Chị Oanh: Anh Trung này, cháu Tùng còn nh, quyền của cháu là được học hành. Điều 16 Luật Trẻ em có quy định rõ ràng: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh”.

Nhà cháu Tùng có nghèo nhưng cũng không khó khăn đến mức phải để con bỏ học đi làm nuôi gia đình. Mà tôi cũng thấy lạ về các công ty khoáng sản với công ty xây dựng cực lớn của các anh. Anh dụ trẻ em ở làng này bỏ học rồi đi làm. Mà làm cái gì? Làm phu hồ, làm bốc vác. Rồi bị chủ lao động bóc lột sức lao động chứ gì.

Trung: Này! Này! Bằng chứng đâu mà chị bảo công ty của tôi chuyên tuyển người đi làm phu hồ, làm bốc vác hả? Chị nói không cẩn thận là tôi kiện chị đấy.

Chị Oanh: Chắc là gần đây anh không đọc báo rồi. Cháu Huy và cháu Tuấn ở làng mình anh dụ dỗ theo anh đi làm bị đưa lên báo vì chưa đủ tuổi lao động, bị chủ bóc lột sức lao động đến kiệt quệ sức khỏe đấy anh Trung ạ! Đây anh đọc đi, báo đưa nội dung trên trang nhất đấy.

Tùng: Thật thế hả bác Oanh?

Chị Oanh: Ừ, cháu đọc đi thì sẽ rõ nội dung.

Anh Trung này, anh làm như thế có khác gì anh hủy hoại tiền đồ của chúng nó. Người nhà của mấy đứa mà bị anh lôi kéo đang làm đơn kiện anh vì cái tội lôi kéo, dụ dỗ trẻ em bỏ học đấy!

Trung: Này! Này! Tôi nói cho chị biết nhé! Tôi làm cái gì mà kiện tôi hả? Đây là tôi đang tạo cho các cháu nó có công ăn việc làm ổn định, thu nhập đàng hoàng. Làm gì mà kiện tôi.

Chị Oanh: Ừ. Anh cứ giữ cái thái độ ấy đi. Anh có biết việc anh dụ dỗ trẻ em bỏ học bị xử lý như thế nào không?

Trung: Hừ, chị nói thử xem, đừng có mà dọa tôi.

Chị Oanh: Cũng vừa hay, sáng nay trên báo người ta cũng có nói đấy. Riêng việc anh dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc các cháu trong làng và cháu Tùng bỏ học như vừa rồi là đã có thể bị xử phạt hành chính. Đấy là còn chưa kể anh đưa chúng nó đi làm công việc nặng nhọc ở công trường xây dựng. Đó là những nơi cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên.

Trung: Chị nói thế nào ấy chứ, bây giờ cứ ai có sức lao động thì có quyền  đi làm để kiếm tiền, sao lại phải cấm như chị nói.

Chị Oanh: Điều 143 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về lao động chưa thành niên như sau:

Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.

 Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.

Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.

Đồng thời, Điều 144 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định về nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên như sau:

Lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách.

Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.

Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề”.

Tôi nói như vậy chắc anh Trung cũng thấy được việc mình dụ dỗ trẻ em đi làm những công việc nặng nhọc tại các công trường xây dựng là vi phạm pháp luật lao động. Anh và các công ty vi phạm về việc sử dụng lao động là người chưa thành niên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đấy.

Trung ngạc nhiên: Thế cơ à

Chị Oanh: Đúng đấy anh Trung ạ. Điều 26 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em cũng đã quy định như sau:

“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em;

b) Cố ý không thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc học tập của trẻ em theo quy định của pháp luật;

c) Không bảo đảm thời gian, điều kiện học tập cho trẻ em.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc đi học của trẻ em.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học”.

Ngoài ra, Điều 29 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động,  đối với người sử dụng lao động vi phạm quy định về lao động chưa thành niên sẽ bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập sổ theo dõi riêng nhưng không ghi đầy đủ nội dung theo quy định của Bộ luật Lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng lao động chưa thành niên mà chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó;

b) Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc mà: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; bố trí thời giờ làm việc ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; không có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc; không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần trong 06 tháng hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi;

c) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Điều 146 của Bộ luật Lao động;

d) Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;

đ) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng người từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 143 của Bộ luật Lao động;

b) Sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật Lao động hoặc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc được pháp luật cho phép mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc bị cấm hoặc làm việc tại nơi làm việc bị cấm theo quy định của Bộ luật Lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Anh Trung này, pháp luật đã quy định rất rõ ràng, đây mới chỉ là mức xử phạt hành chính, tuy nhiên nếu để xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt theo chế tài nghiêm khắc hơn như là truy cứu trách nhiệm hình sự. Là người cùng làng, tôi cũng không muốn nhìn thấy anh phải vướng vòng lao lý. Tôi khuyên anh hãy dừng ngay công việc mình đang làm may ra còn kịp.

Trung: Đúng là tôi cũng không nắm được các quy định của pháp luật. Vâng, cám ơn chị đã nhắc nhở.

Trung nghe chị Oanh nói vậy không khỏi lo lắng vì những việc mình đã làm, tay không ngừng quệt mồ hôi đang vã ra trên trán rồi ra về.

 

 

 

 

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn