TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 26/02/2024 14:35

Tìm hiểu về xóa án tích

Khi một người phạm tội và bị kết án bởi bản án hình sự có hiệu lực pháp luật, họ sẽ có án tích. Án tích tồn tại trong suốt quá trình người phạm tội bị kết án về một tội phạm cho đến khi được xoá án tích.

Xoá án tích là một chế định mang tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam, thể hiện sự thừa nhận của Nhà nước về mặt pháp lý việc người bị kết án đã đủ điều kiện theo luật định để được coi là không có án tích, góp phần thực hiện chính sách tái hòa nhập cộng đồng cho người phạm tội.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, có hai hình thức xóa án tích: Đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án.

1. Đương nhiên xóa án tích

- Đương nhiên xóa án tích là đến một thời hạn theo quy định của pháp luật, người bị kết án chấp hành xong đầy đủ các quyết định của bản án và không có hành vi phạm tội mới trong thời hạn do luật định, thì người đó đương nhiên được xóa án tích mà không cần Tòa án ra quyết định xóa án tích.

Người đương nhiên được xóa án tích: Người bị kết án không phải về các tội: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

Điều kiện đương nhiên được xóa án tích: Khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách đối với án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án, đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn được xem xét xóa án tích nêu trên (01 năm, 02 năm, 03 năm, 05 năm) thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

- Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định sau đây: 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Như vậy, để được đương nhiên xóa án tích thì người bị kết án phải nghiêm túc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

*Lưu ý: Cá nhân nên lưu giữ các giấy tờ liên quan đến quá trình chấp hành án của mình như: bản sao bản án hình sự; giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biên lai thu tiền án phí và các nghĩa vụ khác trong bản án hình sự (nếu có); giấy chứng nhận đặc xá,... Việc lưu giữ các giấy tờ này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính người từng bị kết án, khi cần thiết người đó có thể cung cấp cho Cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp để hỗ trợ quá trình tra cứu, xác minh thông tin, giúp việc xóa án tích sẽ nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Trình tự, thủ tục xác nhận đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (bao gồm: Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu, thì cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích cho người đó, nếu có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này.

Như vậy, người bị kết án không phải về các tội xâm phạm an ninh quốc gia (tại Chương XIII) và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI) của Bộ luật Hình sự, khi đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận “không có án tích” cho mình.

*Lưu ý: Người bị kết án đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích khi yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì được xác nhận “Không có án tích”; khi yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 sẽ ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích và các thông tin khác của bản án;

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được sử dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động như xin việc làm, hành nghề, du học..., còn Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp để người đó biết được thông tin lý lịch tư pháp của mình và phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, người có yêu cầu cấp cần lưu ý đề nghị cấp loại Phiếu lý lịch tư pháp nào cho phù hợp với mục đích sử dụng Phiếu của mình.

2. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), xóa án tích theo quyết định của Tòa án áp dụng đối người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII) và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI) của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quyết định xóa án tích của Tòa án là căn cứ pháp lý chứng minh cá nhân thuộc trường hợp nêu trên đã được xóa án tích theo quy định của pháp luật.

Người thuộc trường hợp xóa án tích theo Quyết định của Tòa án khi muốn xóa án tích cần phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, nộp hồ sơ cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm và được Tòa án xem xét ra Quyết định xóa án tích.

Điều kiện để được xóa án tích theo quyết định của Tòa án:

Người bị kết án được Tòa án đã xét xử sơ thẩm xem xét xóa án tích căn cứ vào các điều kiện sau:

- Căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện.

- Thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.

- Người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, án phí, nghĩa vụ dân sự:

+ Hình phạt chính của bản án: phạt cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân;

+ Hình phạt bổ sung của bản án: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính;

+ Án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm (nếu có);

+ Các nghĩa vụ khác trong bản án: nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; trả lại tiền, tài sản,... (nếu có).

- Từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

+ 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án xuống tù chung thân.

Như vậy, trường hợp xóa án tích theo Quyết định của Tòa án thì người bị kết án phải đáp ứng nhiều điều kiện hơn so với trường hợp đương nhiên xóa án tích. Tức là, bên cạnh việc chấp hành xong bản án, không có hành vi phạm tội mới (không bị khởi tố bị can) trong một thời hạn theo quy định của pháp luật, thì Tòa án còn phải xem xét trên cơ sở tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án để ra Quyết định xóa án tích.

Thủ tục đề nghị Tòa án ra quyết định xóa án tích:

Người bị kết án nộp hồ sơ xin xóa án tích tại Tòa án đã xét xử sơ thẩm (có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện), hồ sơ gồm có: Mẫu đơn xóa án tích; Bản sao chứng minh nhân dân/ thẻ Căn cước công dân/Hộ chiếu của người có yêu cầu xin xóa án tích; Các giấy tờ chứng minh đã chấp hành xong bản án như: Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thụ hình án cấp; giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt; giấy chứng nhận không phạm tội mới do Công an quận, huyện nơi người bị kết án thường trú cấp (theo mẫu quy định của ngành Công an).

* Tòa án có thể bác đơn xin xóa án tích. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích.

 Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt:

Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt là trường hợp người bị kết án có thể được Tòa án quyết định xóa án tích thời điểm sớm hơn so với quy định của pháp luật khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Người bị kết án có những tiến bộ rõ rệt và đã lập công. Trường hợp có nhiều tiến bộ rõ rệt (quy định tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện) được hiểu như sau:

 “Chấp hành tốt nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động cải tạo và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên, cụ thể như sau: Người đang chấp hành án phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn phải có ít nhất 20 quý liên tục liền kề thời điểm xét; Người đang chấp hành án phạt tù trên 20 năm đến 30 năm phải có ít nhất 16 quý liên tục liền kề thời điểm xét; Người đang chấp hành án phạt tù trên 15 năm đến 20 năm phải có ít nhất 12 quý liên tục liền kề thời điểm xét; Người đang chấp hành án phạt tù trên 10 năm đến 15 năm phải có ít nhất 08 quý liên tục liền kề thời điểm xét; Người đang chấp hành án phạt tù trên 05 năm đến 10 năm phải có ít nhất 06 quý liên tục liền kề thời điểm xét; Người đang chấp hành án phạt tù trên 03 năm đến 05 năm phải có ít nhất 04 quý liên tục liền kề thời điểm xét; Người đang chấp hành án phạt tù từ 03 năm trở xuống phải có ít nhất 02 quý liên tục liền kề thời điểm xét”.

Lập công là trường hợp người chấp hành án có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, công tác, chiến đấu được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc xác nhận (Thông tư số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012 hướng dẫn việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại).

- Được cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích;

- Người bị kết án đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn được xem xét xóa án tích quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trường hợp người bị kết án nhưng không có án tích:

*Trường hợp người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích. (khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 2015- sửa đổi, bổ sung năm 2017).

*Trường hợp người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; Người bị áp dụng biện pháp tư pháp: Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

*Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

(Theo BTP)

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn