TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 17/11/2023 10:07

Vị trí việc làm, xác định vị trí việc làm theo quy định của pháp luật

Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, vị trí việc làm là công việc gắn với ngạch của công chức hoặc chức danh nghề nghiệp của viên chức và cũng là căn cứ để cơ quan quản lý công chức, viên chức tuyển dụng và quản lý các đối tượng này. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Vị trí việc làm là căn cứ để tuyển dụng, nâng ngạch và điều động công chức.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Viên chức năm 2010, vị trí việc làm được định nghĩa như sau: Vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, đây là căn cứ để xác định số lượng cũng như cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý đối tượng này trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Vị trí việc làm được phân loại và xác định như sau:

1. Phân loại vị trí việc làm

Với từng đối tượng được xác định là viên chức hay công chức sẽ có cách phân loại và các tiêu chí phân loại vị trí việc làm khác nhau. Cụ thể:

Với viên chức

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ đã phân loại vị trí việc làm theo khối lượng công việc hoặc theo tính chất, nội dung của công việc như sau:

- Phân loại vị trí việc làm theo khối lượng công việc: Do một người hoặc do nhiều người đảm nhận hoặc vị trí việc làm đó có thể kiêm nhiệm được.

- Phân loại vị trí việc làm theo tính chất, nội dung công việc:

Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý

Theo chức danh nghề nghiệp chuyên ngành/chuyên môn dùng chung như hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính…

Theo vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Tương tự như cách phân loại vị trí việc làm của viên chức, đối với công chức, tại Điều 5 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 về vị trí việc làm và biên chế công chức cũng chia vị trí việc làm thành các loại như sau:

- Theo khối lượng công việc: Do một người/nhiều người đảm nhiệm hoặc kiêm nhiệm.

- Theo tính chất, nội dung công việc:

Vị trí việc làm quản lý, lãnh đạo

Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành/chuyên môn dùng chung (tài chính, thanh tra, pháp chế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng…)

Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ...

2. Cách xác định vị trí việc làm hiện nay

Căn cứ quy định nêu trên, có thể xác định vị trí việc làm của công chức và viên chức theo các cách sau:

- Nguyên tắc: Đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với thực tiễn; Mỗi vị trí gắn với một chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp nhất định…

- Căn cứ xác định: Tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc; Mức độ phức tạp, quy mô công việc; Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin…

3. Mức lương theo vị trí việc làm được quy định như sau:

Theo Nghị quyết số 27 về cải cách tiền lương, bảng lương mới theo vị trí việc làm sẽ được ban hành làm cơ sở thay thế cho bảng lương hiện đang tính theo hệ số và mức lương cơ sở hiện nay. Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thay hệ thống bảng lương hiện hành, bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng.

Cụ thể công chức, viên chức sẽ có 02 bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo:

- Bảng lương chức vụ áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã;

- Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Thông qua đó, đảm bảo các nguyên tắc xếp lương như sau:

- Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì được hưởng lương theo chức vụ đó, nếu giữ nhiều chức vụ thì chỉ được hưởng mức lương chức vụ cao nhất…

- Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau;

- Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề…

Hà Chi

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn