TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 05/01/2024 17:11

Một số nội dung hỏi- đáp về chuẩn tiếp cận pháp luật

 

1. Xin hỏi việc niêm yết kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện như thế nào?

Việc niêm yết công khai kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 09/2021/QĐ-TTg như sau:

- Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm niêm yết kết quả đánh giá cp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Hình thức, địa điểm công khai, niêm yết: trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã đăng tải trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử thông báo trên đài truyền thanh cấp xã ít nhất 03 lần trong thời hạn ít nhất 05 ngày.

- Nội dung niêm yết công khai: o cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu.

- Thời điểm thực hiện việc niêm yết công khai: Ngay sau khi công chức Tư pháp – Hộ tịch xây dựng xong dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu và việc niêm yết, công khai phải hoàn thành trước khi tổ chức cuộc họp xem xét, đánh giá, thống nhất kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Sau khi công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tiến hành công bố công khai, rộng rãi kết quả cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn. Xin hỏi, việc công bố được thực hiện như thế nào?

Điểm d khoản 2 Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BTP quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và công bố kết quả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trước ngày 10 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá. Việc công bố kết quả thực hiện trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Như vậy, chậm nhất trong 02 ngày làm việc kể từ ngày ký Quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thực hiện việc công bố kết quả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ví dụ: Ngày 10/02/2023 (Thứ Sáu), Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A ký quyết định công nhận 100/102 xã, phường, thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Như vậy, chậm nhất đến ngày 14/02/2023, phải thực hiện công bố kết quả công nhận (do ngày 11-12/02/2023 là ngày nghỉ hàng tuần).

3. Tại điểm d nội dung 1 Chỉ tiêu 1 Tiêu chí 5 Phụ lục I Thông tư số 09/2021/TT-BTP quy định: “Phối hợp, xử lý kịp thời vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân” thì được 01 điểm. Xin hỏi, cách chấm điểm nội dung này trong các trường hợp sau đây:

- Trong năm đánh giá, cấp xã bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân và không có vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung

- Trong năm đánh giá đã phối hợp xử lý kịp thời vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung nhưng không bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân?

Trường hợp trong năm đánh giá không phát sinh vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung và bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân thì vẫn tính điểm tối đa.

Trường hợp có phát sinh vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung và đã phối hợp, xử lý kịp thời mà chưa bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân hoặc ngược lại bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân nhưng chưa phối hợp, xử lý kịp thời vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì được 0,5 điểm.

4. Trong năm đánh giá, xã A đã tiếp nhận 20 kiến nghị, phản ánh của người dân, trong đó đã giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời hạn 16 kiến nghị; giải quyết chậm thời hạn 02 kiến nghị và giải quyết không đúng thủ tục 02 kiến nghị. Xin hỏi, xã A được chấm bao nhiêu điểm tại nội dung 2 Chỉ tiêu 1 Tiêu chí 5 về tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh?

Tại Phụ lục 1 Thông tư 09/2021/TT-BTP quy định cách chấm điểm nội dung 2 Chỉ tiêu 1 Tiêu chí 5 về tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh được xác định theo tỷ lệ % trên cơ sở Tổng số kiến nghị, phản ánh được giải quyết đúng quy định pháp luật/Tổng số kiến nghị, phản ánh đủ điều kiện giải quyết đã được tiếp nhận. Theo đó, có 06 mức điểm tương ứng với các tỷ lệ % về kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh. Đạt 100% được 02 điểm tối đa, các mức điểm tiếp theo được xác định cách nhau 0,5 điểm và cách nhau 10 % tỷ lệ kết quả đạt được; riêng trường hợp đạt từ 50% đến dưới 70% được 0,25 điểm; trường hợp dưới 50% được 0 điểm. Trường hợp, trong năm đánh giá không có kiến nghị, phản ánh được tính 02 điểm.

Theo đó, chấm điểm đối với nội dung này đối với xã A như sau: Xã A có 16 kiến nghị, phản ánh được giải quyết đúng quy định pháp luật và 04 kiến nghị chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật. Vì vậy, tỷ lệ kết quả tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật là 16/20 x 100 = 80%, điểm số đạt được là 01 điểm.

5. Chỉ tiêu 1 của Tiêu chí 5 đánh giá chính quyền cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xin hỏi, căn cứ vào văn bản, quy định nào để đánh giá, xác định kết quả thực hiện chỉ tiêu này?

Nội dung “Tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo” theo chỉ tiêu 1 của Tiêu chí 5 có điểm số tối đa là 02 điểm. Việc chấm điểm được xác định theo tỷ lệ % trên cơ sở kết quả của Tổng số khiếu nại, tố cáo được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời hạn so với Tổng số khiếu nại, tố cáo đủ điều kiện giải quyết đã được tiếp nhận. Theo đó có 06 mức điểm tương ứng với các tỷ lệ % về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đạt 100% được 02 điểm tối đa, các mức điểm tiếp theo được xác định cách nhau 0,5 điểm và cách nhau 10 % tỷ lệ kết quả đạt được; riêng trường hợp đạt từ 50% đến dưới 70% được 0,25 điểm; trường hợp dưới 50% được 0 điểm. Trường hợp trong năm đánh giá không có khiếu nại, tố cáo được tính 02 điểm.

Để xác định một khiếu nại, tố cáo cụ thể đã được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định, cần căn cứ vào các văn bản pháp luật quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đó là Luật Khiếu nại năm 2011 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Tiếp công dân năm 2013), Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này. Đây là cơ sở để đánh giá kết quả, trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ví dụ: Thời hạn giải quyết tố cáo căn cứ vào Điều 21 Luật Tố cáo năm 2018; thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu căn cứ vào Điều 28 Luật Khiếu nại năm 2011....  Tương tự, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng vậy, cần căn cứ vào các quy định cụ thể của pháp luật để đối chiếu, xác định mức độ có tuân thủ đầy đủ, kịp thời hay không

Để chấm điểm đối với nội dung nêu trên, công chức được giao làm đầu mối theo dõi, đánh giá, chấm điểm cần dựa vào sổ theo dõi, tiếp nhận, trả kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo để xác định tổng số khiếu nại, tố cáo được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời hạn và tổng số khiếu nại, tố cáo được tiếp nhận, thụ lý và giải quyết theo thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Ví dụ: Trong năm đánh giá, xã T đã tiếp nhận, thụ lý và giải quyết theo thẩm quyền 20 khiếu nại, tố cáo, trong đó có 16 khiếu nại, tố cáo được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định. Vậy, tỷ lệ % = (16/20) x 100 = 80%;  điểm số đạt là 01 điểm.

6. Chỉ tiêu 2 của Tiêu chí 5 về “Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính”. Xin hỏi cần căn cứ vào văn bản, quy định nào để xác định, chấm điểm chỉ tiêu này?

Việc đánh giá, chấm điểm chỉ tiêu 2 của Tiêu chí 5 về tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính nhằm đánh giá kết quả, trách nhiệm của chính quyền và công chức cấp xã trong thực thi các quy định của pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính; giúp cho chính quyền và công chức cấp xã đề ra được giải pháp phù hợp nhằm khắc phục hạn chế, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, qua đó góp phần bảo đảm, thực hiện các quyền của công dân trong giải quyết thủ tục hành chính.

Chỉ tiêu này được xác định trên tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết đúng quy định pháp luật so với tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện giải quyết đã được tiếp nhận. Theo đó có 09 mức điểm tương ứng với các mức tỷ lệ % kết quả giải quyết thủ tục  hành chính. Đạt 100% được 07 điểm tối đa, các mức điểm tiếp theo được xác định cách nhau 01 điểm và cách nhau 5% tỷ lệ kết quả đạt được; riêng trường hợp đạt từ 50% đến dưới 70% được 0,25 điểm; trường hợp dưới 50% được 0 điểm.

Để xác định một thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã đã được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật, cần căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật (bộ luật, luật, nghị định, quyết định, thông tư...) hướng dẫn thực hiện hoặc có quy định về thủ tục hành chính đó. Đây là cơ sở quan trọng để nhận định, đánh giá mức độ và kết quả giải quyết các thủ tục hành chính.

Ví dụ: Khi đánh giá, chấm điểm kết quả giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh. Cần phải căn cứ Bộ thủ tục hành chính (thủ tục đăng ký khai sinh đã được công bố), Luật Hộ tịch năm 2014, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ, Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và đối chiếu với kết quả giải quyết việc này trên thực tế (về trình tự, thủ tục, thời hạn) để xác định tỷ lệ thủ tục hành chính về khai sinh trong năm đã được giải quyết đúng quy định hay chưa.

7. Tại Phụ lục II Thông tư số 09/2021/TT-BTP quy định việc chấm điểm Chỉ tiêu 3 của tiêu chí 5. Theo đó, trong năm đánh giá cấp xã không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì được 05 điểm. Xin hỏi, những chủ thể nào được xác định là cán bộ, công chức cấp xã?

Theo quy định tại Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019): “Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”

Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định cụ thể các các chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã như sau:

- Cán bộ cấp xã có các chức vụ sau đây: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam); Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. 

- Công chức cấp xã có các chức danh sau đây: Trưởng Công an (áp dụng đối với xã, thị trấn chưa tổ chức công an chính quy theo quy định của Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14); Chỉ huy trưởng Quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội.

- Cán bộ, công chức cấp xã bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã.

8. Tại Phụ lục II Thông tư số 09/2021/TT-BTP quy định chấm điểm Chỉ tiêu 4 tiêu chí 5: Xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” được 06 điểm. Xin hỏi, việc xác định xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn, an ninh, trật tự” được căn cứ vào văn bản nào?

Xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” là xã, phường, thị trấn được cơ quan có thẩm quyền công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo quy định tại Thông tư số 124/2021/TT-BCA ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”. Để chấm điểm chỉ tiêu này, cần căn cứ vào văn bản công nhận xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Nếu trong năm, xã, phường, thị trấn được Ủy ban nhân dân cấp huyện đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” thì được 06 điểm, ngược lại, thì được 0 điểm.

9. Tiêu chí 1 về “Ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao” gồm có mấy chỉ tiêu. Ý nghĩa của việc quy định tiêu chí này trong đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

Việc quy định tiêu chí 1 nhằm đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm trong việc ban hành đúng, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính của chính quyền cấp xã bởi văn bản có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo thông tin phục vụ quản lý, điều hành và quyết định hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Văn bản vừa là công cụ hữu hiệu phục vụ cho việc quản lý và điều hành nhà nước tại địa phương, là nguồn cung cấp thông tin pháp luật cơ bản, vừa là cơ sở để đánh giá kết quả hoạt động và hoạch định phương hướng phát triển của một cơ quan, tổ chức từ đó góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của người dân trên địa bàn.

Tiêu chí này có 02 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1 về ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao (05 điểm).

+ Chỉ tiêu 2 về ban hành đúng quy định pháp luật các văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân (05 điểm).

10. Khi chấm điểm chỉ tiêu 1 của Tiêu chí 1 về Ban hành đầy đủ, dúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao”, X chỉ tiến hành rà soát, đánh giá kết quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân mà không rà soát, đánh giá kết quả đối với văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân ban hành. Đề nghị cho biết xã X thực hiện đánh giá như vậy có đúng không?

Ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao là chỉ tiêu 1 thuộc Tiêu chí 1 về “Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn”. Theo Thông tư số 09/2021/TT-BTP, chỉ tiêu này có điểm số tối đa là 3 điểm. Điều 3, Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định có 02 hình thức văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành để quy định những vấn đề được luật giao Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của Ủy ban nhân dân. Hơn nữa, tại Phụ lục I của Thông tư số 09/2021/TT-BTP đã quy định rõ tài liệu đánh giá của chỉ tiêu này bao gồm các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp xã ban hành trong năm đánh giá, kèm theo các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho chính quyền cấp xã (nếu có).

Do đó, việc xã X chỉ tiến hành rà soát, đánh giá kết quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân xã ban hành là chưa đầy đủ mà cần phải tiến hành rà soát, đánh giá cả đối với kết quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân xã ban hành trong năm.

(Theo BTP)

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn