TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 28/01/2021 14:56

Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính

Câu 1. Mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã được quy định như thế nào?

Tại Điều 4 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

- Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình là 30.000.000 đồng.

- Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là 40.000.000 đồng.

- Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là 50.000.000 đồng.

Câu 2. Tôi đang làm việc tại văn phòng luật sư, tôi đã được thông báo về việc hàng năm phải tham gia các lớp bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ. Xin hỏi, nếu không tham gia các lớp bồi dưỡng này có bị xử phạt không?

Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư được quy định như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;

b) Thông báo không đúng thời hạn cho Đoàn luật sư về việc đăng ký hành nghề, thay đổi nội dung đăng ký hành nghề”.

  Như vậy, theo quy định trên, nếu không tham gia lớp bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ, bạn sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Câu 3. Hành vi lợi dụng danh nghĩa luật sư để thực hiện tư vấn pháp luật nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt như thế nào?

Tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định hành vi vi phạm quy định về hoạt động tư vấn pháp luật như sau:

“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung thẻ tư vấn viên pháp luật;

b) Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác ngoài khoản thù lao mà trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật đã thu;

c) Lợi dụng danh nghĩa trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên pháp luật để thực hiện tư vấn pháp luật nhằm trục lợi”.

Như vậy, theo quy định trên, hành vi lợi dụng danh nghĩa luật sư để thực hiện tư vấn pháp luật nhằm trục lợi sẽ bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng; bị tước quyền sử dụng thẻ tư vấn viên pháp luật, chứng chỉ hành nghề luật sư từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Câu 4. Do chưa có nhu cầu sử dụng, anh M cho anh P là bạn thân mượn 01 chiếc xe ô tô tải 05 tấn để tiện cho việc giao hàng. Thấy có xe đi lại tiện lợi, lại thấy bạn cho mượn lâu không đòi nên lòng tham đã nổi lên, P đã nhờ làm hợp đồng công chứng giả nhằm sang tên chiếc xe cho mình. Xin hãy cho biết hành vi trên bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?

Tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch như sau:

“3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng;

b) Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo;

c) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch;

d) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch;

đ) Cản trở hoạt động công chứng”.

Như vậy, theo quy định trên hành vi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm nêu trên..

Câu 5. Mức tiền phạt từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi nào của công chứng viên khi nhận lưu giữ di chúc; công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP các hành vi sau sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:

a) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, khai nhận di sản trong trường hợp thừa kế theo di chúc mà có căn cứ cho rằng di chúc không hợp pháp;

b) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản có nội dung chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng di sản thừa kế là tài sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Câu 6. Xin hãy cho biết hành vi công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của công chứng viên hoặc thiếu chữ ký của người dịch vào từng trang của bản dịch hoặc không đính kèm bản sao của bản chính bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?

Tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định của công chứng viên về công chứng bản dịch như sau:

“2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi công chứng bản dịch mà thiếu chữ ký của công chứng viên hoặc thiếu chữ ký của người dịch vào từng trang của bản dịch hoặc không đính kèm bản sao của bản chính”.

Câu 7. Một lần A cùng mẹ đến văn phòng công chứng gần nhà để công chứng hợp đồng mua bán nhà đất. Khi được tiếp đón, tiếp nhận hồ sơ A không thấy công chức viên đeo thẻ công chức viên khi hành nghề. A muốn biết hành vi này sẽ bị xử phạt như thế nào?

Tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về Hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không đánh số thứ tự từng trang đối với văn bản công chứng có từ 02 trang trở lên;

b) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp phiếu yêu cầu công chứng không đầy đủ nội dung theo quy định;

c) Không mang theo thẻ công chứng viên khi hành nghề;

d) Tham gia không đầy đủ nghĩa vụ bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm theo quy định”.

Như vậy, theo quy định trên Công chức viên không mang theo thẻ công chức viên khi hành nghề sẽ bị xử phạt từ từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Câu 8. Xin hãy cho biết hành vi vi phạm quy định về người trưng cầu, người yêu cầu giám định tư pháp được pháp luật quy định như thế nào?

Tại Điều 19 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP hành vi vi phạm quy định về người trưng cầu, người yêu cầu giám định tư pháp được quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp không đầy đủ, không chính xác thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo hoặc làm sai lệch đối tượng giám định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Câu 9. Nhằm mục đích tư lợi cá nhân, K là giám định viên đã có hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung kết luận giám định. Xin hãy cho biết hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung kết luận giám định sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?

Tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm quy định về hoạt động giám định tư pháp như sau:

“2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đánh tráo hoặc có hành vi làm sai lệch đối tượng giám định;

b) Không bảo quản các mẫu vật, tài liệu có liên quan đến vụ việc giám định;

c) Tiết lộ nội dung kết luận giám định cho người khác mà không được người trưng cầu, người yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản;

d) Không lập, lưu giữ hồ sơ giám định;

đ) Không thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định;

e) Không tuân thủ quy trình giám định, quy chuẩn chuyên môn trong quá trình thực hiện giám định;

g) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung kết luận giám định;

h) Can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp;

i) Không phân công hoặc phân công người không có khả năng chuyên môn phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định;

k) Đưa ra bản kết luận giám định không tuân thủ về hình thức hoặc nội dung theo quy định;

l) Kết luận giám định những vấn đề không thuộc phạm vi chuyên môn được yêu cầu.

Như vậy, theo quy định trên, K sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung kết luận giám định. Đồng thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét việc sử dụng kết luận giám định khi phát hiện vi phạm làm ảnh hưởng đến nội dung kết luận giám định.

Câu 10. Hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề đấu giá bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?

Tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định của đấu giá viên như sau:

“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề đấu giá, thẻ đấu giá viên;

b) Thỏa thuận trái pháp luật với cá nhân, tổ chức có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và d khoản 7 Điều này;

c) Biết mà không yêu cầu người tập sự hành nghề đấu giá do mình hướng dẫn chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật về đấu giá tài sản trong quá trình tập sự tại tổ chức đấu giá tài sản đó”.

Như vậy, hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề đấu giá bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật là chứng chỉ hành nghề đấu giá, thẻ đấu giá viên bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm; kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với chứng chỉ hành nghề đấu giá, thẻ đấu giá viên bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên.

Câu 11. Hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?

Tại khoản Điều 23 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản như sau:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng”. Đồng thời, sẽ bị hủy kết quả đấu giá tài sản nếu tài sản đấu giá là tài sản công đối với hành vi vi phạm dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét việc hủy kết quả đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công khi có hành vi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Câu 12. Theo quy định của Luật Thương mại năm 2010  trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp trong trường hợp trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp. Tôi muốn biết nếu trọng tài viên vẫn thực hiện giải quyết tranh chấp trong trường hợp trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp sẽ bị xử phạt như thế nào?

Tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về hoạt động của trọng tài viên như sau:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Giải quyết tranh chấp trong trường hợp trọng tài viên là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên trong vụ tranh chấp;

b) Giải quyết tranh chấp trong trường hợp trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp;

c) Giải quyết tranh chấp trong trường hợp trọng tài viên đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của một trong các bên trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản;

d) Giải quyết tranh chấp khi có căn cứ rõ ràng cho thấy trọng tài viên không vô tư, khách quan”

  Như vậy, trọng tài viên thực hiện hành vi giải quyết tranh chấp trong trường hợp trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm của mình.

Câu 13. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của hòa giải viên thương mại được pháp luật quy định như thế nào?

Tại Điều 30 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của hòa giải viên thương mại như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho các bên về thẩm quyền, thù lao và chi phí trước khi tiến hành hòa giải.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tiết lộ thông tin về vụ việc, khách hàng mà mình biết được trong quá trình hoà giải, trừ trường hợp các bên tranh chấp đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

b) Nhận, đòi hỏi tiền, lợi ích khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận;

c) Hoạt động hòa giải thương mại mà không đủ tiêu chuẩn làm hòa giải viên thương mại;

d) Đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên hoặc đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hoà giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Câu 14. Hành vi lập vi bằng vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?

 Tại Điều 32 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về hành nghề thừa phát lại như sau:

“4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng thông tin về hoạt động của thừa phát lại để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức;

b) Lập vi bằng liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của thừa phát lại; cháu ruột mà thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì;

c) Lập vi bằng vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, bao gồm: Xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lại trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự;

d) Lập vi bằng vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội;

đ) Lập vi bằng xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính;

e) Lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản mà không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật;

g) Lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu;

h) Lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ;

i) Vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại theo quy định của pháp luật;

k) Lập tài liệu kèm theo vi bằng không phù hợp với thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng theo quy định”.

Như vậy, theo quy định trên hành vi lập vi bằng vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại từ 06 tháng đến 09 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Câu 15. A hiện đang làm việc tại một văn phòng thừa phát lại. Trong quá trình làm việc A muốn được tham gia một số lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, khi đề đạt nguyện vọng A không được trưởng văn phòng đồng ý. Xin hỏi hành vi của Trưởng văn phòng thừa phát lại có vi phạm pháp luật không? Pháp luật quy định mức xử phạt đối với hành vi này được pháp luật quy định như thế nào?

Tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định hành vi vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa phát lại như sau:

“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không tạo điều kiện cho thừa phát lại tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ;

b) Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu ngoài phạm vi hoặc không đúng thẩm quyền;

c) Nhận tập sự hành nghề thừa phát lại mà văn phòng thừa phát lại không đủ điều kiện nhận tập sự theo quy định;

d) Lập vi bằng mà không có hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng dịch vụ có nội dung không đúng quy định;

đ) Gửi vi bằng, tài liệu chứng minh về Sở Tư pháp để đăng ký không đúng thời hạn quy định.”

Như vậy, việc không tạo điều kiện cho thừa phát lại tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

Câu 16. Xin hãy cho biết hành vi không ghi lời chứng trong văn bản chứng thực bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật.

Tại khoản 3 Điều 34 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định về hành vi vi phạm quy định về chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký như sau:

“3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký mà không ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu theo đúng quy định; không ghi lời chứng vào trang cuối của bản sao giấy tờ, văn bản có từ 02 trang trở lên; không đóng dấu giáp lai đối với bản sao giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực đã ký có từ 02 tờ trở lên;

b) Chứng thực chữ ký trong trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký trước mặt người thực hiện chứng thực hoặc không ký trước mặt người tiếp nhận hồ sơ chứng thực chữ ký;

c) Không ghi lời chứng trong văn bản chứng thực;

d) Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu chứng thực ngoài phí, chi phí chứng thực đã được niêm yết;

đ) Không lưu trữ sổ chứng thực, giấy tờ, văn bản đã chứng thực chữ ký trong thời hạn 02 năm, trừ trường hợp chứng thực chữ ký của người giám định trong bản kết luận giám định tư pháp;

e) Không thực hiện báo cáo thống kê số liệu về chứng thực định kỳ 06 tháng và hằng năm;

g) Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký mà không ghi vào sổ chứng thực”

  Như vậy đối chiếu với quy định trên hành vi không ghi lời chứng trong văn bản chứng thực sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

  Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 03 tháng đến 06 tháng.

Câu 17. Xin hãy cho biết hành vi vi phạm quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch được pháp luật quy định như thế nào?

Theo Điều 35 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 hành vi vi phạm quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch được quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để chứng thực hợp đồng, giao dịch.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả của cá nhân để được chứng thực hợp đồng, giao dịch.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi mạo danh chủ thể để được chứng thực hợp đồng, giao dịch.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc làm giả đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cơ quan thực hiện chứng thực đang lưu trữ hồ sơ chứng thực thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

Câu 18. Khi đi dịch thuật giấy tờ để nộp hồ sơ xin việc làm, H có nghe nói đến hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung văn bản. H muốn biết hành vi vi phạm đó được pháp luật quy định như thế nào? Có bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hay không?

Căn cứ khoản 1 Điều 36 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định về hành vi vi phạm quy định về chứng thực chữ ký người dịch như sau:

Hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản cần dịch hoặc văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ của người dịch theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung

Và áp dụng biên pháp khắc phục hậu quả là kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Câu 19. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh bị phạt tiền như thế nào?

Theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 thì hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh bị phạt tiền như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+  Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh;

+  Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh;

+  Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

Câu 20. Hành vi cho người khác sử dụng giấy tờ của mình để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn bị xử phạt như thế nào?

Theo điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định về hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn thì hành vi cho người khác sử dụng giấy tờ của mình để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy chứng nhận kết hôn đã cấp do có hành vi vi phạm quy định nêu trên.

Câu 21. Chị Nguyễn Thị A đến Ủy ban nhân dân xã đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Nội dung đơn xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của chị A là để đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, thực tế chị A xin cấp giấy độc thân là để nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Xin hỏi hành vi của chị A bị xử phạt như thế nào?

Điểm d khoản 2 Điều 40 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không đúng mục đích ghi trong giấy xác nhận.”

Do đó, căn cứ quy định trên, việc chị Nguyễn Thị A sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động nhưng ghi mục đích xin là kết hôn là hành vi sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không đúng mục đích ghi trong giấy xác nhận. Hành vi này của chị A bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Câu 22. Ông B là thương binh, được hưởng chế độ đãi ngộ theo chính sách của nhà nước. Sau khi ông B mất được 02 năm, anh H  con trai trưởng của ông mới thực hiện việc khai tử cho ông B, mục đích để hàng tháng nhận tiền trợ cấp của nhà nước dành cho chế độ thương binh của ông B. Hỏi hành vi của anh H bị xử phạt như thế nào?

Điểm b khoản 3, điểm b khoản 5 Điều 41 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định về hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai tử như sau:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

[…]

b) Không làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết để trục lợi;”

“5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

[…]

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 3 Điều này”.

Như vậy, trong tình huống này, anh H không làm thủ tục đăng ký khai tử cho ông B nhằm trục lợi tiền trợ cấp của nhà nước dành cho chế độ thương binh của ông. Hành vi này bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời phải khắc phục hậu quả bằng cách buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Câu 23. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký giám hộ bị xử phạt như thế nào?

Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký giám hộ tại Điều 42 như sau:

-  Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký giám hộ.

-  Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+  Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký giám hộ;

+  Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung đăng ký giám hộ.

-  Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả của cá nhân để làm thủ tục đăng ký giám hộ.

-  Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký giám hộ.

+ Biện pháp khắc phục hậu quả:

Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều 42 Điều này

Câu 24. Hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 43 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 thì hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.

- Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ;

- Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Câu 25. Hành vi cam đoan, làm chứng, sai sự thật về nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 5 Điều 44 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020  thì hành vi cam đoan, làm chứng, sai sự thật về nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm.

Câu 26. Hành vi vi phạm nguyên tắc đăng ký, quản lý hộ tịch, sử dụng giấy tờ hộ tịch; xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu hộ tịch bị phạt tiền như thế nào?

Điều 45 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm nguyên tắc đăng ký, quản lý hộ tịch, sử dụng giấy tờ hộ tịch; xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu hộ tịch như sau:

-  Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ hộ tịch.

-  Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch thông tin trong sổ hộ tịch;

+ Sửa chữa làm sai lệch thông tin cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử hoặc phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, phương tiện điện tử của cơ sở dữ liệu hộ tịch;

+ Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được đăng ký việc hộ tịch khác.

-  Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+  Đe dọa, cưỡng ép, cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch;

+  Đưa hối lộ để được đăng ký hộ tịch mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

+  Mua chuộc, hứa hẹn lợi ích vật chất, tinh thần để được đăng ký hộ tịch;

+  Cho người khác sử dụng giấy tờ hộ tịch của mình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

-  Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+  Huỷ hoại giấy tờ hộ tịch; sổ hộ tịch;

+  Truy cập trái phép, trộm cắp, phá hoại thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử;

+  Lợi dụng việc đăng ký hộ tịch hoặc trốn tránh nghĩa vụ đăng ký hộ tịch nhằm hưởng chế độ, chính sách ưu đãi hoặc nhằm mục đích trục lợi khác.

Câu 27. Hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ về quốc tịch bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại điểm b khoản 2, khoản 4, Điều 46 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020  thì hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ về quốc tịch bị:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

- Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung do hành vi vi phạm.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Câu 28. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 thì hành vi vi phạm quy định về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật bị xử phạt như sau:

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Cản trở việc thực hiện quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân;

+  Cản trở hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

-  Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu có nội dung sai sự thật, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

-  Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng phổ biến, giáo dục pháp luật để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

-  Biện pháp khắc phục hậu quả:

+  Buộc cải chính thông tin và buộc huỷ bỏ tài liệu đối với hành vi nêu trên đối với hành vi: cung cấp thông tin, tài liệu có nội dung sai sự thật, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; lợi dụng phổ biến, giáo dục pháp luật để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Câu 29. Pháp luật quy định xử phạt như thế nào đối với hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của tuyên truyền viên pháp luật, báo cáo viên pháp luật?

Điều 49 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của tuyên truyền viên pháp luật, báo cáo viên pháp luật như sau:

-  Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+  Lợi dụng danh nghĩa tuyên truyền viên pháp luật để thực hiện các hoạt động không thuộc nhiệm vụ được giao nhằm trục lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

+  Lợi dụng danh nghĩa báo cáo viên pháp luật để thực hiện các hoạt động không thuộc nhiệm vụ được giao nhằm trục lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

-  Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trên.

Câu 30. Hành vi cố ý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 thì hành vi cố ý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Câu 31. Hành vi vi phạm quy định về người thực hiện trợ giúp pháp lý bị xử phạt tiền như thế nào?

Tại Điều 52 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định về việc xử phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về người thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

-  Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Cho người khác sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý;

+ Sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý của người khác;

+ Không nộp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong trường hợp bị thu hồi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý;

+ Không từ chối hoặc tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp phải từ chối theo quy định;

+ Không lập hồ sơ, bàn giao hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để đủ điều kiện thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý của người khác để trục lợi;

+ Cho người khác sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý để trục lợi;

+ Lợi dụng danh nghĩa người thực hiện trợ giúp pháp lý để trục lợi, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;

+ Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý mà không có căn cứ;

+ Làm sai lệch các tài liệu trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.

-  Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

+ Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật;

+ Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;

+ Thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp không đủ điều kiện thực hiện trợ giúp pháp lý.

Câu 32. Ông A có đơn yêu cầu bồi thường gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh X do có căn cứ xác định việc thu hồi đất của ông A là trái pháp luật gây thiệt hại cho ông A. Biết việc này, ông B là cán bộ địa chính của xã đã gặp ông A để yêu cầu rút đơn và có hành vi đe dọa. Hỏi hành vi của ông B bị xử phạt như thế nào?

Điểm b khoản 2 Điều 56 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định như sau:

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

b) Ép buộc, lừa dối hoặc đe dọa người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường;”

Trong tình huống trên, khi biết ông A nộp đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có thẩm quyền, ông B yêu cầu rút đơn và có hành vi đe dọa. Do đó, căn cứ quy định trên, ông B bị phạt tiền tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

Câu 33. Hành vi cung cấp tài liệu, chứng cứ sai sự thật để được giảm mức hoàn trả hoặc hoãn việc hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ không còn làm trong cơ quan nhà nước bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 57 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020  thì hành vi cung cấp tài liệu, chứng cứ sai sự thật để được giảm mức hoàn trả hoặc hoãn việc hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ không còn làm trong cơ quan nhà nước bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Câu 34. Anh K 18 tuổi và chị S 17 tuổi được bố mẹ hai bên tổ chức hôn lễ và dự định khi hai người đủ tuổi sẽ đi đăng ký kết hôn. Lý do việc tổ chức hôn lễ cho anh K và chị S là do bố mẹ hai bên đã hẹn ước với nhau sau này sẽ kết thành thông gia và hai bạn trẻ cũng yêu thương nhau. Hỏi việc tổ chức hôn lễ cho anh K và chị S bị xử phạt như thế nào?

Khoản 1 Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.”

Trong tình huống trên, bố mẹ của anh K và chị S đã tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho con khi cả hai người đều chưa đủ tuổi kết hôn là vi phạm pháp luật. Do đó, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, việc tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Câu 35. Chị C đồng ý mang thai hộ cho vợ chồng anh A, chị B (đã kết hôn 10 năm nhưng chưa có con) và để nhận được số tiền 100.000.000 triệu đồng từ anh A, chị B. Hỏi việc mang thai hộ của chị C bị xử phạt như thế nào?

Tại Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020  quy định như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”

Trong trường hợp trên, chị C mang thai hộ cho vợ chồng anh A chị B với mục đích nhận số tiền 100.000.000 triệu đồng là hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại. Do đó hành vi của chị A bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp từ hành vi nêu trên.

Câu 36. Anh K là chú ruột và là người giám hộ của cháu H (10 tuổi) do bố mẹ của cháu H đã mất. Cháu H được nhận di sản thừa kế của bố mẹ là nhà đất nơi cháu đang sinh sống. Tuy nhiên anh K đã tự ý bán một phần diện tích đất nêu trên với lý do để có tài chính chăm sóc cháu H, nhưng thực tế là để phục vụ cho cá nhân anh K. Hỏi hành vi của anh K bị xử phạt như thế nào?

Điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 61 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định như sau:

“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Lợi dụng việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ để trục lợi;”

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này”.

Trong tình huống trên, anh ăn K là người giám hộ của cháu H. Anh K có hành vi  tự ý bán một phần diện tích đất là tài sản của cháu H nhằm phục vụ cho cá nhân anh K. Như vậy, anh K đã lợi dụng việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ để trục lợi. Hành vi này bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 61 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Đồng thời, căn cứ điểm a khoản 3 Điều 61 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, anh K buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Câu 37. Vợ chồng anh chị T có hai con, trong đó N là con đẻ và D là con nuôi. Hai anh chị thường xuyên có hành vi phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi. Xin hỏi hành vi của vợ chồng anh T bị xử phạt như thế nào?

Điểm b khoản 1 Điều 62 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020  quy định như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

b) Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.”

Trong tình huống trên, vợ chồng anh T có hành vi biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi. Hành vi này bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Câu 38. Hành vi giới thiệu trẻ em làm con nuôi trái pháp luật của văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 63 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì hành vi giới thiệu trẻ em làm con nuôi trái pháp luật của văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Đồng thời, hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 63 Nghị định 82/2020/NĐ-CP đình chỉ hoạt động của văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam từ 01 tháng đến 03 tháng; Phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 63 Nghị định 82/2020/NĐ-CP là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi giới thiệu trẻ em làm con nuôi trái pháp luật.

Câu 39. Ông P là bị đơn trong vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tiền, Tòa án đã có bản án tuyên ông P có nghĩa vụ trả nợ. Khi cơ quan thi hành án dân sự đến nơi cư trú của ông P để yêu cầu thi hành án thì ông P đã chuyển nhà sang tỉnh khác mà không thông báo với cơ quan thi hành án. Hỏi hành vi của ông P bị xử phạt như thế nào?

Điểm b khoản 2 Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định như sau:

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

b) Không thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú;”

Như vậy ở tình huống trên, ông P đã có hành vi không thông báo với cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi trên của ông P bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Câu 40. Hành vi không thực hiện xác minh hoặc xác minh điều kiện thi hành án không bảo đảm thời hạn theo quy định bị xử phạt như thế nào?

Theo điểm a khoản 2 Điều 65 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 thì hành vi không thực hiện xác minh hoặc xác minh điều kiện thi hành án không bảo đảm thời hạn theo quy định bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Câu 41. Hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bị xử phạt như thế nào?

Theo Điều 66 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 thì hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bị phạt Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. 

Câu 42. Doanh nghiệp tư nhân CH mất khả năng thanh toán, tuy nhiên do không muốn người khác biết về thực tế tình hình của doanh nghiệp nên chủ doanh nghiệp tư nhân CH không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Hỏi hành vi của chủ doanh nghiệp tư nhân CH bị xử phạt như thế nào?

Điều 67 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định như sau: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần, chủ tịch hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.”

Như vậy trong trường hợp này, việc chủ doanh nghiệp tư nhân CH không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Câu 43. Công ty A làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán nên nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến Tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên, khi nộp cho Tòa án báo cáo tài chính trong 3 năm gần nhất, Công ty A đã có sự chỉnh sửa so với tài liệu thực tế. Hỏi hành vi cung cấp không chính xác báo cáo tài chính cho Tòa án của Công ty A bị xử phạt như thế nào?

Khoản 2 Điều 69 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định như sau:

“Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

2. Cung cấp không chính xác tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc phá sản cho chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã, Tòa án, Viện kiểm sát, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.”

Trong trường hợp này, hành vi của Công ty A bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Câu 44. Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của người lao động liên quan đến thủ tục phá sản bị xử phạt như thế nào?

Điều 75 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định về xử phạt  hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của người lao động liên quan đến thủ tục phá sản như sau:

-  Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi che giấu tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản.

-  Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản.

-  Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu do thực hiện hành vi tẩu tán tài sản.

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn