TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 27/05/2022 14:42

Tìm hiểu một số quy định về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện và quyền được bồi thường thiệt hại của nạn nhân                     

          1. Luật Tố cáo hiện hành quy định về trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn thời hạn giải quyết tố cáo. Cách xác định vụ việc phức tạp được pháp luật quy định như thế nào?

          Khoản 2 Điều 30 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày”. Trên cơ sở đó, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo hướng dẫn vụ việc phức tạp là vụ việc có một trong các tiêu chí sau đây:

          - Tố cáo về một nội dung nhưng phải xác minh từ 02 địa điểm trở lên;

          - Tố cáo có từ 02 nội dung phải xác minh trở lên;

          - Nhiều người tố cáo về cùng một nội dung hoặc nội dung tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người;

          - Tố cáo có yếu tố nước ngoài: người tố cáo ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài; hành vi bị tố cáo xảy ra ở nước ngoài; nội dung tố cáo phải xác minh ở nước ngoài;

          - Nội dung tố cáo liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức;

          - Các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình giải quyết tố cáo còn ý kiến khác nhau;

          - Có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn.

2. Công dân có quyền tố cáo đối với những hành vi vi phạm pháp luật nào?

          Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018, công dân có thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức bao gồm tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Như vậy, trên tinh thần mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, người dân có quyền tố cáo bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào.

          Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018:

          - Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng sau đây:  Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Cơ quan, tổ chức.

          - Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

3. Đơn tố cáo phải đáp ứng những điều kiện gì theo quy định pháp luật hiện hành?

          Trong trường hợp người tố cáo thực hiện quyền tố cáo bằng đơn tố cáo thì theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018, đơn tố cáo phải ghi rõ  ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

          Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo

4. Đề nghị cho biết quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình nhằm mục đích gì?

 

Điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018 quy định người tố cáo có nghĩa vụ cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật này, trong đó có nội dung về họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo.

Quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ và cách thức liên hệ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo. Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo, do vậy người tố cáo cần phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình. Trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để cố ý tố cáo sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh những trường hợp tố cáo mang tính xây dựng, tích cực thì cũng có không ít người lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, tố cáo tràn lan, không có căn cứ, gây phức tạp, mất đoàn kết nội bộ, làm tốn kém cả thời gian và công sức cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết.

5. Theo quy định của pháp luật, trường hợp nào trong nội dung tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo nhưng vẫn được cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét giải quyết?

Điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018 quy định người tố cáo có nghĩa vụ cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật này, trong đó có nội dung về họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo. Đồng thời, khoản 1 Điều 25 Luật Tố cáo năm 2018 về tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo quy định: “Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật này thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của Luật này”. Như vậy, chỉ những tố cáo trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo mới được cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 25 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo quy định tại khoản 1 Điều này có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý”. Như vậy, các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra nhằm mục đích phục vụ cho công tác quản lý đối với những thông tin từ các tố cáo không ghi rõ họ, tên nhưng với điều kiện phải có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh.

6. Đề nghị cho biết người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý kỉ luật theo hình thức nào?

Điều 22 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người có thm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật;

- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập.

Thứ hai, hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

- Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo;

- Cố ý không thụ lý tố cáo, không ban hành kết luận nội dung tố cáo; không quyết định xử lý tố cáo theo thẩm quyền hoặc không kiến nghị người có thẩm quyền xử lý tố cáo.

Thứ ba,nh thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

-  Cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mt ổn định, an ninh, trật tự xã hội;

- Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;

- Không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.

7. Pháp luật quy định như thế nào về cách thức giải quyết trường hợp người tố cáo không gửi đơn mà đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tố cáo trực tiếp?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018, trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.

8. Tôi đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan có thẩm quyền để tố cáo hành vi tham nhũng của một người và được cơ quan có thẩm quyền mời đến làm việc trực tiếp. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, xin hỏi pháp luật quy định như thế nào về làm việc trực tiếp với người tố cáo?

Điều 11 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định cụ thể về làm việc trực tiếp với người tố cáo như sau:

- Người giải quyết tố cáo, Tổ xác minh làm việc trực tiếp với người tố cáo; yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng mà họ có được để làm rõ nội dung tố cáo.

  Người tố cáo có trách nhiệm trình bày trung thực về nội dung tố cáo, hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được.

- Nội dung làm việc với người tố cáo phải lập thành biên bản, có chữ ký của người tố cáo, người chủ trì làm việc với người tố cáo. Biên bản được lập thành ít nhất 02 bản, giao 01 bản cho người tố cáo (nếu người tố cáo có yêu cầu) và lưu 01 bản trong hồ sơ giải quyết tố cáo. Trường hợp người tố cáo không ký biên bản làm việc thì người chủ trì làm việc với người tố cáo và thành viên khác của Tổ xác minh ký biên bản và ghi rõ việc người tố cáo không ký. Biên bản làm việc thực hiện theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

- Trường hợp không làm việc trực tiếp với người tố cáo vì lý do khách quan thì người giải quyết tố cáo, người ra quyết định thành lập Tổ xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh có văn bản yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng để làm rõ nội dung tố cáo.

          9. Người giải quyết tố cáo cần phải thực hiện trách nhiệm gì trong tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo?

          Điều 44 Luật Tố cáo năm 2018 quy định trách nhiệm của người giải quyết tố cáo trong tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo như sau:

          - Trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, người giải quyết tố cáo xử lý như sau:

          + Đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, người giải quyết tố cáo xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kỷ luật, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật;

          + Đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, người giải quyết tố cáo xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật;

          + Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo cố ý tố cáo sai sự thật;

          + Đối với hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu của tội phạm thì có văn bản chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền.

          - Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp xử lý khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.

          - Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo.

          10. Hồ sơ giải quyết tố cáo gồm những tài liệu gì?

          Điều 39 Luật Tố cáo năm 2018 quy định việc giải quyết tố cáo phải được lập thành hồ sơ. Căn cứ vào vụ việc cụ thể, hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo bao gồm:

          - Đơn tố cáo hoặc văn bản ghi nội dung tố cáo; báo cáo hoặc biên bản kiểm tra, xác minh thông tin cá nhân của người tố cáo, biên bản làm việc trực tiếp với người tố cáo để xác minh nội dung tố cáo;

          - Quyết định thụ lý tố cáo; văn bản giao xác minh nội dung tố cáo;

          - Biên bản xác minh; kết quả giám định, thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình xác minh;

          - Văn bản giải trình của người bị tố cáo; biên bản làm việc với người bị tố cáo về nội dung giải trình;

          - Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo trong trường hợp giải quyết tố cáo giao cho người khác tiến hành xác minh nội dung tố cáo

          - Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo; quyết định tiếp tục giải quyết tố cáo;

          - Kết luận nội dung tố cáo hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo;

          - Quyết định xử lý của người giải quyết tố cáo, văn bản kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý;

          - Các tài liệu khác có liên quan.

          Đối với việc giải quyết lại vụ việc tố cáo, hồ sơ bao gồm những tài liệu quy định nêu trên và các tài liệu sau đây:

          - Đơn tố cáo tiếp hoặc văn bản ghi nội dung tố cáo tiếp; văn bản yêu cầu hoặc kiến nghị về việc giải quyết lại vụ việc tố cáo;

          - Kết luận nội dung giải quyết lại vụ việc tố cáo;

          - Quyết định xử lý của người giải quyết lại vụ việc tố cáo;

          - Các tài liệu khác có liên quan trong quá trình giải quyết lại vụ việc tố cáo.

          Hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo phải được đánh số thứ tự. Việc lưu trữ, khai thác, sử dụng hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm bí mật thông tin về người tố cáo.

11. Bà H là giám đốc công ty X, bị cơ quan điều tra tạm giữ vì nghi ngờ bà có liên quan đến vụ án tham nhũng ở công ty. Trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền đã trả tự do cho bà H do xác định bà không liên quan đến vụ án. Xin hỏi, bà H được bồi thường thiệt hại và được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp như thế nào?

Điều 29 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cùng với việc bồi thường thiệt hại thì bà H còn được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định sau đây:

- Khôi phục chức vụ (nếu có), việc làm và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan;

- Khôi phục quyền học tập;

- Khôi phục tư cách thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

12. M là công chức làm việc tại cơ quan Y. Trong quá trình làm việc M bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc. Không đồng ý với quyết định thôi việc, M đã khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền. Sau khi điều tra, cơ quan có thẩm quyền kết luận hành vi buộc thôi việc đối với M là trái pháp luật. Xin hỏi, trường hợp này M có được phục hồi danh dự hay không? Nếu có, cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện phục hồi danh dự cho M?

Khoản 1 Điều 31 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật, người bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trái pháp luật thì được phục hồi danh dự.

Theo đó trường hợp của M bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật nên M sẽ được phục hồi danh dự.

Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm chủ động thực hiện việc phục hồi danh dự cho M.

13. Đề nghị cho biết Nhà nước không bồi thường đối với các thiệt hại nào?

Theo quy định tại Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các thiệt hại Nhà nước không có trách nhiệm bồi thường bao gồm:

- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại;

- Thiệt hại xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép;

- Thiệt hại xảy ra trong hoàn cảnh người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì thiệt hại được bồi thường là phần thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.

Ngoài các thiệt hại nêu trên, trong hoạt động tố tụng hình sự, Nhà nước không bồi thường các thiệt hại sau đây:

- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự;

- Thiệt hại xảy ra do người bị thiệt hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm;

- Thiệt hại xảy ra do người có hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu rõ ràng cấu thành tội phạm, bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố;

- Thiệt hại xảy ra do người bị khởi tố, truy tố, xét xử đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử.

Trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đúng yêu cầu của người yêu cầu mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba. Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Trong hoạt động thi hành án dân sự, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo đúng yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại. Người yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

14. Sau khi khiếu nại đối với người ra quyết định thu hồi đất của mình, anh A được cơ quan có thẩm quyền xác định việc thu hồi đất của anh là vi phạm pháp luật. Anh A được xác định là người bị thiệt hại trực tiếp do hành vi thu hồi đất trái pháp luật gây ra. Khi anh A có yêu cầu bồi thường thì phải chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ gì?

 Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người bị thiệt hại trực tiếp khi có yêu cầu bồi thường thì hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm:

Văn bản yêu cầu bồi thường, gồm có các nội dung:

- Họ, tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc (nếu có) của người yêu cầu bồi thường;

- Ngày, tháng, năm làm văn bản yêu cầu bồi thường;

- Hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ;

- Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ;

- Thiệt hại, cách tính và mức yêu cầu bồi thường;

- Đề nghị tạm ứng kinh phí bồi thường (nếu có);

- Đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường nhưng phải nêu rõ tên văn bản và địa chỉ thu thập văn bản đó trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không có khả năng thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; 

- Yêu cầu phục hồi danh dự (nếu có); Yêu cầu khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có)).

Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người bị thiệt hại không được gửi hoặc không thể có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại.

Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có).

15. Đề nghị cho biết cách xác định các thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được thực hiện như thế nào?

Điều 3 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định cách xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như sau:

- Về xác định giá thị trường của tài sản: Được xác định theo giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng trên thị trường là giá giao dịch phổ biến trung bình trên thị trường của 03 tài sản đó do 03 cơ sở kinh doanh khác nhau trên thị trường cung cấp.

- Về xác định thị trường: Là thị trường trong phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi phát sinh thiệt hại thực tế.

Trường hợp thị trường cấp huyện nơi phát sinh thiệt hại thực tế không có tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng thì thị trường là thị trường cấp huyện gần nhất với nơi phát sinh thiệt hại thực tế trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Về mức độ hao mòn của tài sản: Được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định.

- Về giá thị trường để sửa chữa, khôi phục lại tài sản bị hư hỏng: Được xác định theo giá giao dịch phổ biến trung bình trên thị trường cấp huyện để sửa chữa, khôi phục lại tài sản do 03 cơ sở dịch vụ sửa chữa, khôi phục khác nhau trên thị trường cung cấp.

Trường hợp không xác định được giá thị trường thì thực hiện định giá theo quy định của pháp luật về giá.

16. Ông X phạm tội giết người và bị áp dụng hình phạt tù chung thân. Sau 20 năm chấp hành án phạt tù, ông X được minh oan. Xin hỏi, thiệt hại về tinh thần của ông X được tính như thế nào?

Điểm b khoản 3 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 05 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định, khoảng thời gian làm căn cứ để xác định thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù đến ngày chấp hành xong biện pháp ngăn chặn hoặc được trả tự do hoặc đến ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Như vậy, đối với trường hợp của ông X, ông bị kết án oan sai thì Nhà nước sẽ có trách nhiệm bồi thường, trong đó có bồi thường thiệt hại về tinh thần. Theo các quy định nêu trên, thiệt hại về tinh thần của ông X sẽ được tính từ ngày ông bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù đến ngày ông được trả tự do. Mỗi một  ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được tính giá trị bằng 05 ngày lương cơ sở.

17. Pháp luật quy định như thế nào trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không nhận quyết định giải quyết bồi thường?

Theo quy định tại Điều 47 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 thì ngay sau khi có biên bản kết quả thương lượng thành, Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định giải quyết bồi thường và trao cho người yêu cầu bồi thường tại buổi thương lượng.

Trường hợp người yêu cầu bồi thường không nhận quyết định giải quyết bồi thường thì người giải quyết bồi thường lập biên bản về việc không nhận quyết định. Biên bản phải có chữ ký của đại diện các cơ quan tham gia thương lượng. Biên bản phải nêu rõ hậu quả pháp lý của việc không nhận quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 51 của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017. Cơ quan giải quyết bồi thường phải gửi cho người yêu cầu bồi thường trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.

Theo đó, hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biên bản về việc không nhận quyết định giải quyết bồi thường mà người yêu cầu bồi thường không nhận quyết định giải quyết bồi thường thì Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định đình chỉ giải quyết bồi thường.

18. Đề nghị cho biết khi nào thì người yêu cầu bồi thường được đề nghị hoãn giải quyết yêu cầu bồi thường? Trong thời hạn bao lâu thì cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định hoãn giải quyết bồi thường?

Điều 49 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định nếu do ốm nặng có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên hoặc có lý do chính đáng khác mà không thể tự mình tham gia vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường thì người yêu cầu bồi thường có thể đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định hoàn giải quyết yêu cầu bồi thường.

Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định hoãn giải quyết bồi thường trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người yêu cầu bồi thường đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường hoãn giải quyết yêu cầu bồi thường.

Thời hạn hoãn giải quyết yêu cầu bồi thường được xác định theo đề nghị của người yêu cầu bồi thường nhưng tối đa là 30 ngày, trừ trường hợp người yêu cầu bồi thường bị ốm nặng mà chưa thể tự mình tham gia vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường.

Quyết định hoãn giải quyết bồi thường phải nêu rõ lý do, thời hạn hoãn và phải được gửi cho người yêu cầu bồi thường, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Hết thời hạn hoãn giải quyết yêu cầu bồi thường thì Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định tiếp tục giải quyết bồi thường.

19. Đề nghị cho biết việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại bằng hình thức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai được thực hiện như thế nào?

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định việc phục hồi danh dự bằng hình thức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai được thực hiện như sau:

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kể từ ngày có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại về việc Nhà nước tổ chức thực hiện phục hồi danh dự. Trường hợp người bị thiệt hại đồng ý với nội dung trong thông báo thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thực hiện phục hồi danh dự

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dựThủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm tổ chức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai. Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm mời các thành phần tham gia buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai sau đây:

Người bị thiệt hại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự;

Đại diện lãnh đạo cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; đại diện lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau cùng gây thiệt hại;

Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại;

Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ hoặc chồng, cha, mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại;

Người đại diện theo ủy quyền của người bị thiệt hại (nếu có), người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại (nếu có);

Đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị thiệt hại làm việc, học tập (nếu có); đại diện tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp mà người bị thiệt hại là thành viên (nếu có);

Đại diện cơ quan báo chí;

Các thành phần khác mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thấy cần thiết.

20. Đề nghị cho biết việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai được thực hiện như thế nào?

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định việc phục hồi danh dự bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai được thực hiện như sau:

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dự, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở trung ương có trách nhiệm đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên 01 tờ báo trung ương và 01 tờ báo địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại trong 03 số liên tiếp; đăng tải nội dung xin lỗi và cải chính công khai trên Cổng thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dự, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở địa phương có trách nhiệm đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên 01 tờ báo cấp tỉnh tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại trong 03 số liên tiếp; đăng tải nội dung xin lỗi và cải chính công khai trên Cổng thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;

 Ngay sau khi đăng báo xin lỗi và cải chính công khai, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm gửi tờ báo đó tới người bị thiệt hại và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại để niêm yết công khai tại trụ sở.

 

 

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn