TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/12/2023 10:50

Chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Mô hình Nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Về quan hệ quốc tế, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 trong 200 quốc gia trên thế giới; thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, pháp quyền trong quan hệ quốc tế ngày càng được đề cao, là công cụ hữu hiệu để điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau và giữa quốc gia với các cá nhân, tổ chức “có yếu tố nước ngoài” trên lãnh thổ của quốc gia đó. Như vậy, Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng một cách toàn diện vào đời sống quốc tế, trong đó có lĩnh vực pháp luật, pháp quyền. Vấn đề hội nhập quốc tế được ghi nhận ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật của nước ta, trong đó Hiến pháp năm 2013 quy định:

Điều 12.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

….

Điều 50.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.”

Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ “Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực củng cố và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế”. Ngày 18/11/1996, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về kinh tế đối ngoại nhằm chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đại hội lần thứ IX của Đảng đã đề ra chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”; ngày 27/11/2001, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW “Về hội nhập kinh tế quốc tế”. Đại hội lần thứ X của Đảng khẳng định chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác”; ngày 05/02/2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”.

Việc thực hiện chủ trương này của Đảng đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống Nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp Nhân dân vào công cuộc đổi mới; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh kết quả đạt được, hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ đối ngoại còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Trong tình hình đó, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị Khóa XI ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về hội nhập quốc tế”. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa đường lối đối ngoại và chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Để cụ thể hóa các nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 22-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/05/2014 về hội nhập quốc tế

Đoàn Kiểm tra của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp làm việc tại Hải Phòng
về việc xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luậ

Tại thành phố Hải Phòng, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 12/01/2016 thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/05/2014 của Chính phủ về Hội nhập quốc tế; Ủy ban Nhân dân  thành phố đã ban hành Quyết định số 1315/QĐ-UBND ngày 08/7/2016 về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy. Hàng năm, Ủy ban Nhân dân  thành phố cũng ban hành Kế hoạch về Hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng. Tại các Kế hoạch của Ủy ban Nhân dân  thành phố đều xác định “hoàn thiện thể chế” là một trong số các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trên cơ sở đó, hàng năm, Sở Tư pháp đều ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch của Ủy ban Nhân dân  thành phố về hội nhập quốc tế; Kế hoạch về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Kế hoạch kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Các hoạt động cụ thể được triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt: tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hội nhập quốc tế thông qua các hội nghị, lớp tập huấn, qua việc biên soạn, in và phát hành tài liệu và các thông tin đại chúng; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; công tác bổ trợ tư pháp và công tác xây dựng, rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến, thẩm định để trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hội nhập quốc tế như: Nghị quyết số 21/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng Nhân dân  thành phố về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trường, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế thành phố Hải Phòng, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 04/2008/NQ-HĐND ngày 18/4/2008 của Hội đồng Nhân dân thành phố về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đến năm 2010, 2020; Quyết định số 872/2015/QĐ-UBND ngày 24/4/2015 của Ủy ban Nhân dân  thành phố ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn (được thay thế tại Quyết định số 68/2022/QĐ-UBND ngày 28/11/2022)Trong đó, có nhiều nội dung đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới thay thế để phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý tại địa phương.

Trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tư pháp đã thực hiện nhiều đợt rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành liên quan đến hội nhập quốc tế, như: Năm 2018, thực hiện rà soát 30 văn bản quy phạm pháp luật; năm 2019 thực hiện rà soát 45 văn bản văn bản quy phạm pháp luật; năm 2021 thực hiện rà soát 41 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành. Năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Dương Thanh Huyền

Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn