TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 16/11/2020 08:27

Đốn cây dừa hàng xóm- phải bồi thường

 

Nhà bà Lan và ông Tiến ở cạnh nhau. Cây dừa do cha bà Lan trồng đã lâu trên phần đất giáp ranh với nhà ông Tiến. Càng lên cao ngọn dừa càng ngả sang nhà ông Tiến, nên ông có sang nhà yêu cầu bà chặt cây nhưng bà chưa đồng ý vì cho rằng cây chỉ ngả có một phần, không ảnh hưởng gì.

Đầu năm nay, trong lúc bà đi vắng, ông Tiến đã thuê người đến cưa cây. Do ông Tiến tự ý đốn cây, xâm phạm đến tài sản của bà nên bà yêu cầu ông phải bồi thường 2 triệu đồng. Ông Tiến có đơn đến tổ hòa giải đề nghị hòa giải giữa hai nhà.

Khi nhận được đơn của ông Tiến, các thành viên trong tổ hòa giải đã tiến hành xác minh và tổ chức hòa giải, mời ông Tiến, bà Lan và công chức tư pháp- hộ tịch của xã cùng tham dự.

Hòa giải viên nêu vụ việc để hai bên trình bày ý kiến của mình. Ông Tiến cho rằng cây dừa nghiêng qua đất nhà mình, nếu dừa rụng quả sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng người trong nhà. Mặt khác, ông nhiều lần báo chính quyền về việc yêu cầu bà Lan chặt cây dừa nhưng bà không làm nên ông mới tự quyết định đốn cây. Ông cho rằng mình đã gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết nên không phải bồi thường. Về phía bà Lan thì nhất quyết đòi bồi thường 2 triệu đồng vì cây dừa trồng trên đất bà, nó có nghiêng qua đất ông Tiến nhưng không ảnh hưởng gì.

Hòa giải viên đã phân tích cho hai bên rõ: trong vụ này cả hai bên cùng có lỗi.

Tuy ngọn dừa có ngả sang nhà ông Tiến nhưng mới chỉ ngả phần ngọn. Phía ông Tiến đã tự ý chặt cây dừa của bà Lan mà không báo cho chính quyền cũng như không có biên bản thể hiện việc ông đã thông báo nhiều lần mà bà Lan không chặt cây. Đồng thời, theo quy định, người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại nhưng trong trường hợp này chưa thể coi là tình thế cấp thiết.

Khoản 1 Điều 171 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

Mặt khác, ông Tiến có quyền kiện yêu cầu bà Lan chặt cây dừa theo quy định pháp luật nhưng ông không làm. Trong trường hợp này giá trị cây dừa không cao chứ nếu giá trị đủ 2 triệu đồng thì ông Tiến có thể bị truy cứu về tội hủy hoại tài sản của người khác. 

Còn bà Lan trồng cây dù trên đất mình nhưng ngọn cây đã nghiêng qua đất ông Tiến, nếu quả rụng có thể nguy hiểm cho người nhà ông Tiến, ông Tiến đã nhắc nhở nhiều lần mà bà không chặt cây là không đúng.

Thấy hai bên là láng giềng, bà Lan đã già cả nên hòa giải viên vận động ông Tiến chấp nhận bồi thường giá trị cây dừa theo giá bồi thường của Nhà nước là 300.000 đồng/cây đang cho trái, bà Lan cũng nên đồng ý để giữ tình làng xóm thân thiết lâu nay giữa hai nhà. Buổi hòa giải đã thành công.

Hương Phan

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn