TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/08/2023 09:39

Kỹ năng điều hành diễn đàn, đối thoại; xây dựng báo cáo kết quả diễn đàn, đối thoại và tổng hợp ý kiến góp ý đối với dự thảo chính sách được lấy ý kiến

1. Kỹ năng điều hành diễn đàn, đối thoại

Điều hành hội thảo là công việc khó, rất quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với thành công của hội thảo. Việc điều hành hội thảo cần lưu ý:

- Người điều hành cần nắm khá rõ các nội dung chính sẽ thảo luận tại hội thảo để có thể bình luận, điều chỉnh và định hướng thảo luận theo hướng xây dựng tích cực, giảm thiểu căng thẳng không cần thiết khi xung đột ý kiến (nếu có), đảm bảo các thảo luận phù hợp với mục tiêu đặt ra. Bên cạnh các nội dung chính sẽ thảo luận, người điều hành cũng cần có kiến thức chung về những vấn đề liên quan vì một chính sách, quy định pháp luật nằm trong tổng thể hệ thống pháp luật và tính thống nhất là một trong các tiêu chí để bình luận, góp ý.

- Lựa chọn vấn đề thảo luận: là việc định hướng cho các thảo luận trong hội thảo. Đây là yếu tố quan trọng để kiểm soát diễn tiến và hiệu quả của việc lấy ý kiến thông qua hội thảo. Việc lựa chọn vấn đề thảo luận cần lưu ý những điểm sau đây:

Ưu tiên 1: Lựa chọn các vấn đề có ý nghĩa quan trọng cần góp ý (ví dụ quy định có tác động xấu đến các doanh nghiệp cần kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ, hoặc quy định có tác động tốt cần được tiếp tục hoặc góp ý để đạt được mức cao hơn).

Ưu tiên 2: Lựa chọn những vấn đề quan tâm trùng hợp với vấn đề mà dư luận xã hội và/hoặc vấn đề mà cơ quan soạn thảo, ban hành chính sách đã lựa chọn. Sau khi đã lựa chọn, chủ đề thảo luận cần được nêu gọn lại cho súc tích, dưới dạng câu hỏi (đồng ý, không đồng ý, tại sao) để việc thảo luận tại hội thảo có trọng tâm và đi đúng hướng.

2. Kỹ năng xây dựng báo cáo kết quả diễn đàn, đối thoại và tổng hợp ý kiến góp ý đối với dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL được lấy ý kiến

- Tổng hợp kết quả thảo luận tại hội thảo

Việc tổng hợp lại kết quả hội thảo bằng văn bản là việc làm có ý nghĩa đối với hiệu quả tác động chính sách (tránh việc các thảo luận tại hội thảo bị “bỏ quên” do không có gì ghi nhận lại). Việc tổng hợp cần lưu ý:

+ Tổng hợp những nội dung hội thảo theo chủ đề, dựa trên các tiêu chí đã đặt ra (tính thống nhất, minh bạch, hợp lý, khả thi) và với sắp xếp theo trình tự logic vấn đề với các lập luận, quan điểm xung quanh vấn đề đó chứ không theo diễn tiến thời gian thảo luận tại hội thảo.

+ Chỉ tập hợp những ý kiến rõ ràng, có lập luận, lý lẽ (bỏ những ý kiến không có ý nghĩa với chủ đề hội thảo hoặc mục tiêu góp ý xây dựng pháp luật).

+ Ý kiến rõ ràng, cụ thể để cơ quan soạn thảo có thể tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo một cách thuận lợi.

+ Văn bản tổng hợp kết quả hội thảo nên được gửi đến ít nhất là các đơn vị: cơ quan chủ trì soạn thảo; các cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra, thẩm định dự thảo; các đơn vị khác có khả năng tác động đến chính sách liên quan, báo chí (trong trường hợp cần thiết).

- Tổng hợp ý kiến góp ý đối với dự thảo chính sách

Việc soạn thảo ý kiến bình luận đối với các dự thảo chính sách, pháp luật bằng văn bản và gửi các cơ quan liên quan là hình thức vận động chính sách được sử dụng phổ biến hiện nay. Ưu điểm của hình thức này là có thể chủ động thực hiện vào bất kỳ giai đoạn nào của quá trình soạn thảo chính sách, quy định pháp luật. Hơn nữa, hiệu quả của hình thức này cũng chắc chắn hơn, vì ý kiến được thể hiện dưới hình thức văn bản, mang tính chính thức và phải được các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Để các góp ý có chất lượng, mang tính thuyết phục cao, phục vụ tốt nhất mục tiêu hoàn thiện chính sách và quy định pháp luật, các ý kiến cần được soạn thảo đảm bảo các nội dung sau:

+ Xác định rõ quan điểm tiếp cận

Mỗi chủ thể có quan điểm tiếp cận khác nhau đối với chính sách xuất phát từ vị trí, lợi ích và mục tiêu của mình. Vì thế, để các góp ý rõ ràng, dễ hiểu, có sức thuyết phục cao, cần xác định và nêu rõ quan điểm tiếp cận chính sách của mình. Các góp ý cụ thể sau đó với dự thảo văn bản chính sách sẽ bám sát các quan điểm tiếp cận này.

Chú ý: để cơ quan soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dễ tiếp thu góp ý, chủ thể góp ý cần tiếp cận dự thảo theo các quan điểm/nguyên tắc chung, được thừa nhận rộng rãi (ví dụ quan điểm hệ thống pháp luật phải thống nhất, không trùng lặp; quan điểm về quyền tự do kinh doanh và hạn chế can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nguyên tắc minh bạch về thủ tục…).

+ Xác định rõ những vấn đề nào cần góp ý điều chỉnh

Để đảm bảo tính tập trung của văn bản góp ý, hiệp hội nên lựa chọn một nhóm hạn chế những quy định có khả năng tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thành viên và hiệp hội trước mắt và lâu dài để góp ý (không nên sa đà vào các góp ý về những vấn đề tiểu tiết, mang tính câu chữ trừ khi những thay đổi nhỏ về câu chữ có thể ảnh hưởng đến các quy định quan trọng).

+ Phân tích tại sao các chính sách, quy định pháp luật đó cần được điều chỉnh, sửa đổi

Đây là nội dung quan trọng, cần tập trung thực hiện để tạo ra các lập luận có sức thuyết phục. Những lập luận có thể sử dụng bao gồm:

Về khía cạnh thực tiễn: Chính sách, pháp luật đó có ảnh hưởng (tiêu cực) như thế nào đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?

Về khía cạnh pháp lý: Tính hợp hiến, hợp pháp của quy định, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, các xu hướng và quan điểm quản lý liên quan, thông lệ quốc tế, bài học kinh nghiệm trong quá khứ. Căn cứ vào các tiêu chí đã đề cập ở trên.

Về mối quan hệ chi phí – lợi ích: Việc thực hiện chính sách, quy định liên quan mang lại lợi ích gì? Cho ai? ở mức nào? Lợi ích đó có đủ bù đắp các chi phí mà Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội bỏ ra hay không?

+ Gợi ý giải pháp điều chỉnh

Để giải pháp gợi ý có tính thuyết phục, cần chú ý:

Lựa chọn giải pháp khả thi và có thể chấp nhận được từ cả góc độ của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước (có tính đến hài hòa lợi ích của các nhóm doanh nghiệp và mục tiêu quản lý nhà nước);

Trường hợp giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp khó đạt được thì có thể cùng lúc đưa ra nhiều giải pháp với thứ tự ưu tiên.

+ Nguồn góp ý

“Nguyên liệu đầu vào” cho những nội dung góp ý nêu trên là kết quả của các hoạt động lấy ý kiến, kết hợp với quan điểm của VCCI (hiệp hội) dựa trên quan điểm tiếp cận hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật theo hướng: Kết quả hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến; Ý kiến chuyên gia (cộng tác viên của hiệp hội); Thông tin phản ánh trên báo chí…

(theo Bộ Tư pháp)

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn