TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 23/11/2022 16:16

Kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở

Chương trình phát thanh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là việc tổ chức thực hiện các tin, bài về pháp luật trên đài phát thanh theo thời lượng nhất định, bảo đảm phù hợp với đối tượng đại chúng là nhân dân.

Với chức năng thông tin nhiều chiều, mạng truyền thanh cơ sở là phương tiện có chi phí thấp, quảng đại nhất để tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cần chú ý một số nội dung sau:

- Chuẩn bị chương trình phát thanh

+ Xác định nội dung và hình thức thực hiện chương trình phát thanh: Nội dung chương trình phát thanh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phong phú, thiết thực, gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân tại địa bàn cơ sở. Các chương trình phát thanh về pháp luật ở cơ sở thường có các nội dung sau:

Thông tin, giới thiệu đường lối, chính sách của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước và của địa phương, trong đó chú trọng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân địa phương hoặc những văn bản mới được Nhà nước hoặc chính quyền địa phương ban hành.

Giải đáp pháp luật: Giải đáp những thắc mắc, băn khoăn, những kiến nghị của người dân địa phương liên quan đến những quy định của pháp luật, đến tình hình thực thi và chấp hành pháp luật ở cơ sở.

Phản ánh thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật ở địa phương và trên cả nước. Giới thiệu gương người tốt, việc tốt trong thực hiện, chấp hành pháp luật, đặc biệt là ở địa phương…

Nội dung trên được truyền tải thông qua các hình thức như: Tin, bài, hỏi - đáp pháp luật, tiểu phẩm, thơ ca, hò vè, hát, câu chuyện truyền thanh…

+ Xác định thời lượng phát thanh: Nội dung chương trình phát thanh tuyên truyền pháp luật cần phải được biên tập ngắn gọn để bảo đảm thời lượng phát thanh vừa phải, thông thường khoảng từ 15 phút đến 30 phút. Thời lượng phát thanh cần phải phù hợp với từng địa bàn cụ thể.

+ Bố trí thời gian phát thanh: Thời gian phát thanh cần được bố trí thích hợp với tập quán sinh hoạt của người dân địa phương. Ví dụ: Tại địa bàn nông thôn, vào những ngày nông nhàn có thể bố trí phát thanh vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Trong ngày mùa, người dân thường đi làm đồng cả ngày thì nên bố trí phát thanh vào buổi chiều tối, khi bà con đã trở về nhà.

Một chương trình phát thanh có thể bố trí phát lại từ một đến hai lần trong tuần để bảo đảm người dân trên địa bàn có thể hiểu được đầy đủ hơn, rõ ràng hơn nội dung chương trình.

+ Các nguồn tài liệu chủ yếu có thể khai thác phục vụ chương trình phát thanh pháp luật: Những tài liệu pháp luật (như đề cương tuyên truyền, sách hỏi - đáp pháp luật...) do các cơ quan tư pháp cấp trên cung cấp; từ những nguồn khác: tài liệu từ cán bộ chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã như: tư pháp - hộ tịch, công an, quân sự, văn phòng - thống kê, địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán.

- Thực hiện chương trình phát thanh

Chương trình phát thanh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khi được thực hiện cần đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Nội dung pháp luật thiết thực, đáp ứng nhu cầu của người dân ở cơ sở, được biên soạn ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ hiểu.

+ Cách thể hiện phong phú, hấp dẫn, truyền cảm với nhiều thể loại khác nhau (tin, bài, câu chuyện, tiểu phẩm...); giọng đọc của phát thanh viên rõ ràng, truyền cảm.

+ Chất lượng âm thanh tốt, âm thanh vừa đủ.

+ Bố trí thời gian, thời lượng phát sóng chương trình phù hợp.

- Kỹ năng xây dựng nội dung chương trình phát thanh về pháp luật

Nội dung một chương trình phát thanh có thể được thực hiện dưới các hình thức: Tình huống hỏi - đáp pháp luật, tóm tắt nội dung văn bản pháp luật, tin, bài ngắn về pháp luật. Ngoài ra, hình thức tiểu phẩm, câu chuyện truyền thanh, hát, đọc thơ, vè... có nội dung pháp luật cũng đem lại hiệu quả cao cho các chương trình phát thanh pháp luật tại cơ sở.

+ Xây dựng các tình huống hỏi - đáp pháp luật: Giải đáp pháp luật là nội dung quan trọng của chương trình phát thanh ở địa phương, bởi vì nó đáp ứng được một cách trực tiếp nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Các tình huống hỏi - đáp thường được xây dựng trên cơ sở các câu hỏi cụ thể, trực tiếp của người dân về các vấn đề pháp luật liên quan tới họ hoặc căn cứ vào yêu cầu chung về nội dung pháp luật cần phổ biến, tuyên truyền tại địa phương.

+ Tóm tắt nội dung văn bản pháp luật: Khi tóm tắt nội dung văn bản pháp luật để giới thiệu trên hệ thống truyền thanh cơ sở cần nêu được tinh thần chung của văn bản, nội dung những quy định quan trọng nhất, những quy định được đông đảo người dân địa phương quan tâm.

Minh Anh

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn