TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/12/2022 09:48

Một số kỹ năng về phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật có đặc trưng chính là thông qua việc cung cấp dịch vụ pháp lý, giải đáp pháp luật, hướng dẫn khách hàng ứng xử đúng pháp luật để thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và nâng cao hiểu biết pháp luật cho họ.

Hoạt động tư vấn pháp luật là tổng hợp một chuỗi hành vi, bắt đầu từ việc nhận yêu cầu của đối tượng cho đến khi phải đưa ra được một giải pháp cho họ. Mục đích cuối cùng của hoạt động tư vấn pháp luật là đưa ra được một lời khuyên cho đối tượng được tư vấn. Thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, các luật sư và tư vấn viên pháp luật có thể kết hợp thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật như: cung cấp thông tin pháp luật cho khách hàng, giúp khách hàng hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ pháp luật, hướng dẫn họ phương pháp, cách thức xử sự trong những hoàn cảnh cụ thể phù hợp với pháp luật và tránh được những hậu quả pháp lý bất lợi.

1. Những yêu cầu căn bản đối với tư vấn viên pháp luật

- Có kiến thức pháp lý vững vàng, hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực tư vấn;

- Thường xuyên tích lũy tư liệu, kiến thức;

- Có khả năng nói và viết tốt;

- Nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy với công việc;

- Có khả năng hòa đồng và giao tiếp: cần phải tạo được không khí thân thiện, cởi mở cho người đến yêu cầu tư vấn;

- Hiểu biết về tâm lý: Không thể tư vấn và tuyên truyền pháp luật một cách hiệu quả nếu thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu hiểu biết về tâm lý của đối tượng mà mình đang phục vụ;

- Có vốn sống, am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán.

2. Những lưu ý trước khi thực hiện tư vấn pháp luật

- Về đối tượng được tư vấn: cần tìm hiểu và có thông tin tương đối cụ thể về đối tượng được tư vấn - nhu cầu của họ (cần gì và thiếu cái gì), nghề nghiệp, giới tính, lứa tuổi, trình độ học vấn (nếu có thể).

- Về chủ đề pháp luật: Căn cứ vào nhu cầu của đối tượng cần tư vấn để kết hợp phổ biến, tuyên truyền những nội dung chính sách, vấn đề pháp luật có liên quan.

- Về thời gian, không gian, địa điểm, điều kiện kinh tế - xã hội: Đây cũng là các yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi thực hiện tư vấn pháp luật.

- Lựa chọn hình thức phù hợp: Tư vấn trực tiếp, gián tiếp (qua văn bản: thư trả lời, giải đáp qua báo, đài...), tại chỗ hoặc lưu động, xây dựng các diễn đàn, chuyên mục trên sóng phát thanh, truyền hình v.v...

- Chuẩn bị phương tiện, thiết bị hỗ trợ: nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền miệng, sử dụng băng tiếng, băng hình, tờ rơi, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền khác, khai thác tiện ích của các phương tiện truyền thông, hệ thống truyền thanh ở cơ sở...

3. Một số nghiệp vụ cơ bản của tư vấn viên pháp luật pháp luật

a) Tìm hiểu đối tượng được tư vấn

- Tiếp cận và tìm hiểu các thông tin liên quan: Để biết một cá nhân, một tổ chức muốn được tư vấn pháp luật về vấn đề gì, cán bộ tư vấn cần tranh thủ các cơ hội để tiếp cận và tìm hiểu đối tượng; cán bộ tư vấn cần đặt các câu hỏi thích hợp với thái độ của đối tượng đến yêu cầu tư vấn, dẫn dắt cuộc trò chuyện, gợi mở từng vấn đề để có những thông tin cơ bản và liên quan trực tiếp đến việc tư vấn.

- Xác định rõ mục đích, nhu cầu: Sau khi biết được những thông tin cần thiết, cán bộ tư vấn cần khẳng định lần nữa về mục đích và nhu cầu của đối tượng cần tư vấn. Trong trường hợp họ thực sự có vướng mắc pháp luật thì vụ việc phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị các phương án trả lời trước khi đưa ra ý kiến tư vấn trực tiếp, chính thức cho đối tượng.

Trong trường hợp nhận được yêu cầu tư vấn bằng văn bản, cán bộ tư vấn có thể tìm hiểu thông tin cụ thể bằng cách gửi văn bản hỏi hoặc liên hệ trực tiếp với đối tượng yêu cầu tư vấn qua điện thoại, hẹn gặp trực tiếp. Cán bộ tư vấn phải biết chọn lọc và tìm ra trúng mục đích, vấn đề chính mà người hỏi mình tư vấn.

b) Công tác chuẩn bị

- Về nội dung tư vấn và tuyên truyền: Cần chuẩn bị cẩn thận, tỉ mỉ về nội dung, tài liệu trước khi thực hiện tư vấn hay phổ biến một quy định pháp luật. Nội dung pháp luật được đưa ra tư vấn hay tuyên truyền phải đảm bảo tính chính xác cao, thông qua xử lý thông tin của cán bộ tư vấn hoặc có sự trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp.

- Về lựa chọn hình thức: Cán bộ tư vấn có thể ở thế chủ động hoặc bị động trong việc lựa chọn hình thức tư vấn pháp luật. Trong trường hợp tổ chức các cuộc tư vấn và phổ biến, giáo dục tại chỗ hoặc lưu động thì cán bộ tư vấn có vai trò chủ động để đưa ra hình thức tư vấn (thuyết trình, hỏi đáp, đóng vai diễn các tình huống pháp luật, v.v...).

- Về chuẩn bị phương tiện hỗ trợ: Tại các cuộc tư vấn kết hợp tuyên truyền pháp luật có vài chục hoặc hàng trăm người tham dự, các thiết bị âm thanh, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ là yếu tố không thể thiếu góp phần tăng hiệu quả của cuộc tư vấn đó.

c) Cần linh hoạt, tự tin và có những kinh nghiệm, kỹ năng trong tư vấn pháp luật

Cán bộ tư vấn cần hết sức linh hoạt, tránh sự gượng ép. Không nên đưa ra những vấn đề quá xa, quá sâu, chẳng có chút liên hệ với nội dung mình đang tư vấn. Đối với một nhóm đối tượng nhất định thì cán bộ tư vấn pháp luật có thể liên hệ đến một số vấn đề pháp luật thiết thực đối với cuộc sống và công việc hiện tại của họ.

d) Đánh giá kết quả công việc và rút kinh nghiệm

Một thao tác không thể bỏ qua trong mỗi hoạt động tư vấn là phải có sự nhìn lại, đánh giá những việc đã làm xem điều gì đạt được, điều gì chưa được và cần rút kinh nghiệm cho lần sau. Mỗi cán bộ tư vấn có thể tự mình rút ra một số bài học, kinh nghiệm hữu ích từ hoạt động hoặc chia sẻ thu hoạch của mình với đồng nghiệp tại các cuộc họp tổng kết để khái quát thành bài học.

Phan Hương

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn