TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 18/11/2021 16:01

Bảo vệ trẻ em theo pháp luật hình sự Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nội luật hóa quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và tạo hành lang pháp lý xử lí những hành vi xâm hại đến quyền trẻ em.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và hành chính 8.091 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục là 6.364 vụ với 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại. Thực tế trên cho thấy, tội phạm xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đang có chiều hướng gia tăng. Đây là những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây ra thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức mà còn gây ra những tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý rất khó khắc phục đối với nạn nhân. Chính vì lý do như trên nên đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có những công cụ đấu tranh kịp thời mà một trong những công cụ chính là pháp luật.

Quy định pháp luật Việt Nam về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Xâm hại tình dục: Bộ luật Hình sự năm 2015 ghi nhận một số tội liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, theo đó, bất kỳ hành vi giao cấu nào với trẻ em dưới 13 tuổi đều bị coi là hiếp dâm người dưới 16 tuổi và phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng có quy định một số tội danh khác như: Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 144), Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145) và Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146), Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147). Như vậy, đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những điều khoản quy định cụ thể và có chế tài hình sự nghiêm khắc đối những hành vi này, đáp ứng được yêu cầu của pháp luật quốc tế.

Mại dâm trẻ em: Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định riêng một tội danh về “mại dâm trẻ em”. Tuy nhiên, Điều 329 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi về mua dâm với người dưới 18 tuổi, cụ thể, những người có hành vi mua dâm với người dưới 18 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bất kể người chưa thành niên đồng ý với hành vi đó. “Mua dâm” được định nghĩa là hành vi của một người mua chuộc một trẻ chưa thành niên bằng lợi ích vật chất để trẻ đồng ý với hành vi giao cấu. Người mua dâm trẻ em dưới 13 tuổi bị xử lý về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi và bị áp dụng chế tài nghiêm khắc. Bộ luật Hình sự cũng cấm hành vi chứa chấp mại dâm (Điều 327) và môi giới mại dâm (Điều 328). Đối với cả hai tội danh này, hình phạt tăng nặng sẽ được áp dụng cho tội danh đối với trẻ em từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi và từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi.

Khiêu dâm trẻ em: Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy bao gồm các hành vi: Làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán hoặc tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy. Trường hợp phạm tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy đối với người dưới 18 tuổi thì hình phạt là tù từ 03 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Nhìn chung, theo quy định của Bộ luật Hình sự, mặc dù không quy định trực tiếp hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhưng thông qua các tội danh cụ thể khác liên quan đến nhóm hành vi xâm hại tình dục trẻ em phần nào cũng đã tiếp cận và sát hợp với các văn bản pháp luật quốc tế về quyền trẻ em.

Một số bất cập của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Thứ nhất, để tạo cơ sở cho việc xây dựng quy định về hành vi xâm hại tình dục trẻ em cần thống nhất khái niệm “trẻ em”. Trước đây, Bộ luật Hình sự năm 1999 đồng thời sử dụng hai khái niệm “trẻ em” và “người chưa thành niên”. Các khái niệm này được ghi nhận trong các luật cụ thể, theo Luật Trẻ em năm 2016 quy định “trẻ em là người dưới 16 tuổi” (Điều 1); còn theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi” (Điều 21). Việc sử dụng đồng thời hai khái niệm này tạo ra sự phân biệt giữa trẻ em dưới 16 tuổi và người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Quy định như trên phần nào cũng chưa phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế, theo đó, các quốc gia phải định nghĩa “trẻ em” là mọi người dưới 18 tuổi.

Về vấn đề này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có sự sửa đổi không sử dụng thuật ngữ “trẻ em” và “người chưa thành niên” mà sử dụng các mốc độ tuổi để xác định như một tình tiết định khung tăng nặng trong các tội liên quan đến người dưới 18 tuổi (với vai trò là nạn nhân). Tuy nhiên, việc quy định như vậy cũng chỉ thay đổi về mặt hình thức chưa phản ánh được nội hàm của thuật ngữ “trẻ em” theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em, điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng mở rộng độ tuổi của nạn nhân (đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi) để bảo đảm tất cả trẻ em được bảo vệ đầy đủ theo quy định của các chuẩn mực quốc tế và đảm bảo sự phù hợp giữa luật của quốc gia và pháp luật quốc tế.

Thứ hai, mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có sự thay đổi ở một số tội danh liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, tuy nhiên, cũng có một số nội dung khác cần phải được nghiên cứu bổ sung. Chẳng hạn, hành vi gây cảm tình với nạn nhân hiện nay chưa được tội phạm hóa trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi này xảy ra khi kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em - có hành vi để bắt đầu và phát triển mối quan hệ với trẻ em, sử dụng quan hệ đó để xây dựng lòng tin nhằm mục đích cuối cùng là tiến tới việc xâm hại tình dục trẻ em đó.

Trong Bộ luật Hình sự, hành vi gây cảm tình nhằm thực hiện hành vi phạm tội khá tương đồng với hành vi chuẩn bị thực hiện tội phạm (Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015), tuy nhiên, các hành vi liên quan đến chuẩn bị thực hiện tội phạm xâm hại tình dục trẻ em lại không phải chịu trách nhiệm hình sự chính điều này tạo ra khoảng trống pháp lý và không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa đối với người chuẩn bị thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Thứ ba, để phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các văn bản pháp lý liên quan, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định việc chứa mại dâm và môi giới mại dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi như là một tình tiết tăng nặng trong hai tội này (Điều 327, Điều 328 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Về mặt lập pháp có thể thấy mối liên hệ giữa ba hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm và mua dâm người dưới 18 tuổi, nhưng việc xây dựng nội dung của ba điều luật này còn thiếu sự thống nhất. Chẳng hạn, trong trường hợp người có hành vi chứa chấp, môi giới mại dâm hoặc mua dâm mà nạn nhân là trẻ em duới 13 tuổi, thì người phạm tội không bị xử về các hành vi chứa chấp hay môi giới mại dâm hay mua dâm người dưới 18 tuổi mà bị xử về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (đối với người có hành vi mua dâm trẻ em) hoặc với vai trò là người đồng phạm cho hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi (đối với người có hành vi chứa, môi giới mại dâm). Tuy nhiên, nếu người mua dâm người dưới 13 tuổi chưa thực hiện được hành vi phạm tội, thì không thể xử lý người có hành vi mua dâm cũng như người chứa chấp, môi giới mại dâm. Từ đó, dẫn tới lúng túng khi cá thể hoá trách nhiệm hình sự của người chứa và môi giới mại dâm người dưới 13 tuổi.

Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em gái là nạn nhân của tội phạm tình dục bằng pháp luật hình sự

- Cần có sự thống nhất về độ tuổi của trẻ em, theo đó cần sửa đổi Luật Trẻ em năm 2016 theo hướng coi trẻ em là người dưới 18 tuổi để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

- Trên cơ sở nâng độ tuổi trẻ em, nên mở rộng đối tượng tác động của một số tội như tội dâm ô người dưới 16 tuổi hoặc tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thành người dưới 18 tuổi để bảo vệ tối đa quyền của nhóm người này.

- Cần xem lại chế tài của một số tội phạm để đồng bộ với việc mở rộng phạm vi các Tội hiếp dâm người dưới 18 tuổi, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, Tội giao cấu hoặc thực hiện quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi.

- Cần có thêm những hướng dẫn áp dụng các tội phạm tình dục nói chung, tội phạm tình dục đối với trẻ em nói riêng… Hướng đến trong tương lai cần tiếp tục sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 để phù hợp với thực tế.

(Theo Tạp chí dân chủ và pháp luật.

Trang điện tử: www.tcdcpl.moj.gov.vn)

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn