TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 11/07/2022 09:48

Quấy rối tình dục trên môi trường mạng, vấn nạn không thể bỏ qua và xem nhẹ

 

 

Quấy rối tình dục qua mạng được hiểu là hành vi tình dục có tác động tiêu cực đối với nạn nhân trên bất kỳ nền tảng kỹ thuật số nào (dù công khai hay riêng tư). Đây được công nhận là một hình thức của bạo lực tình dục. Cụ thể hơn, kẻ lạm dụng chủ yếu thông qua các nền tảng mạng xã hội, sẽ tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí là ép buộc trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và lạm dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Tổ chức Plan International đấu tranh vì quyền lợi của trẻ em gái đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến của 14.000 thiếu nữ và phụ nữ trẻ độ tuổi từ 15-25 tại 22 quốc gia, trong đó có Brazil, Ấn Độ, Nigeria, Tây Ban Nha, Thái Lan, Mỹ. Kết quả khảo sát cho thấy cứ 5 thiếu nữ và phụ nữ trẻ thì có 1 người từ bỏ hoặc ngừng sử dụng một nền tảng truyền thông xã hội sau khi bị quấy rối. Theo khảo sát, các vụ tấn công phổ biến nhất là trên Facebook với 39% thiếu nữ được hỏi cho biết đã bị quấy rối, tiếp đến là Instagram (23%), WhatsApp (14%), Snapchat (10%), Twitter (9%) và TikTok (6%). Gần 50% thiếu nữ cho biết họ bị đe dọa bạo lực thể chất hoặc tình dục.

 

 

Có thể thấy trong thời đại công nghệ 4.0, không thể phủ nhận rằng Internet đem đến cho con người vô số tiện ích như: cung cấp thông tin, chia sẻ, kết nối… Nhưng chính trên môi trường này lại tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm, xuất hiện các dạng tội phạm mới, trong đó có quấy rối tình dục. Với sự phát triển của Internet, cùng với mạng xã hội, thanh, thiếu niên đã trở thành "công dân số" từ rất sớm. Việt Nam hiện có khoảng 68 triệu người dùng Internet, trong đó hơn 1/3 ở độ tuổi 15-24. Nạn nhân của việc quấy rối trên mạng hầu hết là các cô gái trẻ. Họ bị các đối tượng xấu tiếp cận với cách thức khá giống nhau như: bắt chuyện, làm quen, sau đó là lời nói thô tục và thậm chí gửi clip đồi truỵ...

Kết quả điều tra của UNICEF gần đây cho thấy, 74% trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam tin rằng các em có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng. Một thực trạng đáng lo ngại là số tuổi của trẻ em bị xâm hại qua mạng ngày càng trẻ hoá. Công nghệ thông tin phát triển cộng với việc toàn cầu hóa và những bất cập trong quản lý trang mạng xã hội đã khiến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trên mạng có chiều hướng gia tăng nhưng rất ít trường hợp được xử lý.

Các hành vi phổ biến được xác định là quấy rối tình dục là: đụng chạm về cơ thể một cách không mong muốn như ôm, hôn, quàng vai, chạm các bộ phận trên cơ thể; tiếp đến là cưỡng hiếp hoặc cố gắng cưỡng hiếp, hành hung, tấn công thân thể, tiếp xúc khiếm nhã, tấn công tình dục (82,4%)… Hành vi tình dục qua các nền tảng trực tuyến ít bị coi là quấy rối tình dục. Gần 70% số người được hỏi không coi hành động email hoặc tin nhắn khiêu dâm lặp đi lặp lại, hoặc không phù hợp là quấy rối tình dục.

Cần có chương trình giáo dục về văn hóa thúc đẩy nâng cao ý thức với pháp luật

Biện pháp ứng phó của người bị quấy rối tình dục, trong đó đáng chú ý là chỉ có 20,2% số người bị quấy rối có phản ứng là “nói với người đó không được làm như vậy”; có 1,5% là nói với gia đình và bạn bè; 11% báo cho người có thẩm quyền. Còn lại phần lớn là giữ im lặng và tránh gặp mặt người đó. Nguyên do việc không tố cáo hành vi quấy rối, bởi họ sợ rằng họ không có đủ tự tin để đưa vấn đề ra công chúng và một trong những e ngại của họ là vấn đề có thể không được giải quyết; hoặc không muốn bị mang ra bàn tán hoặc đồn thổi trước công chúng. Thậm chí còn có tâm lý là tố cáo không được gì, có khi còn mất nhiều hơn…

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuỳ theo tính chất, mức độ, hành vi quấy rồi tính dục qua mạng có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt hành chính, căn cứ điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Ngoài ra, hành vi quấy rối, làm phiền người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017) hoặc vu khống người khác (Điều 156 Bộ luật Hình sự). Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội 2 lần trở lên; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm…

Một số văn bản luật đã có quy định liên quan nhưng mới tập trung nhiều hơn vào khía cạnh pháp lý, các thuật ngữ pháp lý hơn là quan tâm và chưa giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới từ góc độ văn hóa, xã hội, đạo đức vốn được đóng khung trên các chuẩn mực xã hội, các định kiến giới. Do đó, cần có chương trình giáo dục về văn hóa nhằm thúc đẩy nâng cao ý thức với pháp luật; cần có quy định cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục để tránh những lời bào chữa về văn hóa, ranh giới hành vi tình dục mong muốn và không mong muốn; cũng như có cơ chế trình báo vấn đề này rõ ràng hơn nữa.

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn