TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 09/10/2020 09:24

Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con của Tòa án

Việc xác định quan hệ cha mẹ con có ý nghĩa rất lớn, không chỉ là căn cứ để xác định quyền, nghĩa vụ của bố mẹ đối với con mà còn thể hiện được trách nhiệm của các bên trong mối quan hệ này. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều có thể dễ dàng xác định được quan hệ cha, mẹ, con.

Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về xác định cha, mẹ như sau:

Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Theo quy định tại Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.

Tại khoản 2 Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: 

Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp xác định cha, mẹ, con trong trường hợp người có yêu cầu chết.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết.

Đồng thời, tại khoản 4 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Khoản 10 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thẩm quyền xác định cha, mẹ, con khi có tranh chấp là của Tòa án. Đối với trường hợp không có tranh chấp thì áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, theo đó: “Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp”.

Thu Hương

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn