TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 23/11/2022 16:36

Hàng giả và tội buôn bán hàng giả

Hàng giả

Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 cảu Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng giả gồm:

- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

- Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 Luật Dược năm 2016;

- Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn:

+ Giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa;

+ Giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác;

+ Giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Tội buôn bán hàng giả: Theo Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015

* Khung hình phạt tội buôn bán hàng giả đối với cá nhân

Người nào buôn bán hàng giả mà đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt như sau:

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người nào buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194, 195 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 192 hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196, 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+ Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với người nào buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

+ Buôn bán qua biên giới;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người nào buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

+ Làm chết 02 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

 Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội buôn bán hàng giả còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

* Khung hình phạt tội buôn bán hàng giả đối với pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì bị phạt như sau:

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khung 1 mục 2.1 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l, m khoản 2 Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khung 3 mục 2.1 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

- Pháp nhân thương mại phạm tội buôn bán hàng giả còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, theo Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người phạm tội buôn bán hàng giả có thể chịu mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. 

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội này thì có thể bị phạt tiền lên đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Nguyễn Hà

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn