TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 11/10/2022 14:07

Hướng dẫn các tiêu chí về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

 

Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, nội dung 5 tiêu chí và 20 chỉ tiêu đánh giá cụ thể như sau:

1. Các tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

- Tiêu chí 1. Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn.

Việc quy định tiêu chí 1 nhằm đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm trong việc ban hành đúng, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính của chính quyền cấp xã. Tiêu chí này có 02 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1 về ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao.

+ Chỉ tiêu 2 về ban hành đúng quy định pháp luật các văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.

- Tiêu chí 2. Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nhằm đánh giá kết quả, mức độ hoàn thành trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm, thực hiện các quyền của công dân trong tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật. Công khai, cung cấp thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật một trong những hình thức cơ bản để đưa pháp luật đến với người dân. Các thông tin pháp luật được công khai, minh bạch, phổ biến kịp thời là điều kiện bảo đảm để người để người dân có thể dễ dàng tiếp cận pháp luật. Tiêu chí này có 06 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1 về công khai các thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

+ Chỉ tiêu 2 về cung cấp thông tin theo yêu cầu kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin.

+ Chỉ tiêu 3 về ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

+ Chỉ tiêu 4 về triển khai các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở.

+ Chỉ tiêu 5 về tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho tuyên truyền viên pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

+ Chỉ tiêu 6 về bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Tiêu chí 3. Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý.

Hòa giải cơ sở và trợ giúp pháp lý có thể coi là các thiết chế hỗ trợ tiếp cận pháp luật. Việc đánh giá theo các chỉ tiêu của tiêu chí 3 nhằm đo lường, đánh giá hoạt động và hiệu quả của thiết chế hòa giải ở cơ sở; mức độ, trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở và giới thiệu, thông tin về trợ giúp pháp lý cho người dân trên địa bàn theo quy định. Tiêu chí này có 03 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1 về các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

+ Chỉ tiêu 2 về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

+ Chỉ tiêu 3 về thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý.

- Tiêu chí 4. Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Mục đích của tiêu chí 4 nhằm đo lường mức độ bảo đảm của Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của người dân tại cơ sở và đánh giá, đo lường mức độ tham gia và tiếp cận của người dân đối với nội dung về dân chủ ở xã, phường, thị trấn nhằm thực hiện các mục tiêu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Tiêu chí này có 5 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1 về tổ chức trao đổi, đối thoại với nhân dân theo đúng quy định pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.

+ Chỉ tiêu 2 về tổ chức để nhân dân bàn, quyết định trực tiếp các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

+ Chỉ tiêu 3 về tổ chức để nhân dân bàn, biểu quyết các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

+ Chỉ tiêu 4 về tổ chức để nhân dân tham gia ý kiến các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

+ Chỉ tiêu 5 về tổ chức để nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

- Tiêu chí 5. Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Tiêu chí 5 nhằm đánh giá, đo lường mức độ bảo đảm các điều kiện cần thiết; trách nhiệm thực hiện các hoạt động công vụ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong tiếp công dân, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công vụ, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời cũng phản ánh, đánh giá thực trạng và đo lường khả năng, mức độ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn của chính quyền cấp xã. Tiêu chí này có 4 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1 về tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

+ Chỉ tiêu 2 về tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính.

+ Chỉ tiêu 3 về không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Chỉ tiêu 4 về đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo đúng quy định pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

2. Các điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Điều kiện về điểm số của các tiêu chí áp dụng điểm số chung để đảm bảo tính công bằng trong sự thụ hưởng, thực hiện quyền, lợi ích của người dân; điều kiện về cán bộ, công chức vi phạm pháp luật được điều chỉnh theo hướng tập trung vào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã.

Theo đó có 03 điều kiện cụ thể như sau:

- Điều kiện 1: Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên.

- Điều kiện 2: Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên.

- Điều kiện 3: Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ở điều kiện này chỉ cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chỉnh quyền cấp xã; quy định rõ hình thức kỷ luật là kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này nhằm bảo đảm thống nhất, công bằng, khách quan, hài hòa giữa việc nâng cao trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ; theo đó cần tập trung vào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã và đảm bảo tính thống nhất khi áp dụng trên thực tế.

3. Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Việc đánh giá, công nhận, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện thường xuyên theo định kỳ hàng năm, tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm đánh giá.         

Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện tại 02 cấp (cấp xã tự đánh giá, cấp huyện đánh giá, thẩm định, quyết định công nhận) do UBND xã và UBND cấp huyện chủ trì tổ chức triển khai, trong đó:

- UBND cấp xã chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, công việc: Tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; xây dựng các Báo cáo, tài liệu về kết quả tự đánh giá; niêm yết công khai kết quả tự chấm điểm, đánh giá để nhân dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến; tổ chức cuộc họp đánh giá, thống nhất về kết quả tự đánh giá; lập và gửi hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định.

Thời hạn thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ, công việc trên trước ngày 10/01 của năm liền kề sau năm đánh giá.

Hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bao gồm: Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu; bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có); văn bản đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tài liệu khác có liên quan (nếu có).

- UBND cấp huyện chủ trì tổ chức việc đánh giá, xem xét và quyết định công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Các nhiệm vụ bao gồm: Giao Phòng Tư pháp rà soát, kiểm tra hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật và tổ chức phiên họp hoặc lấy ý kiến của thành viên Hội đồng để tư vấn, thẩm định đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xem xét, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luậ; công bố kết quả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử của cấp huyện.

Thời hạn thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ, công việc trên trước ngày 10/02 của năm liền kề sau năm đánh giá.

Nguyễn Hương

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn