TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 11/06/2021 10:10

Nên sửa đổi một số quy định về “Trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin” trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016

Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan Nhà nước. Trách nhiệm cung cấp thông tin cho công dân của cơ quan Nhà nước cũng được xác định rõ ràng và cụ thể trong Luật. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, quy định về phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin chưa bảo đảm tính ổn định và thống nhất.

Trách nhiệm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân trước hết là của Nhà nước, do đó, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin cho công dân để một mặt, giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mặt khác, tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 liệt kê các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin như: Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm cung cấp thông tin do Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tạo ra và thông tin do mình tạo ra; Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do Chủ tịch nước tạo ra và thông tin do mình tạo ra; Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm cung cấp thông tin do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo ra và thông tin do mình tạo ra…

 Việc quy định bằng cách liệt kê như trên sẽ không bảo đảm tính ổn định lâu dài của văn bản luật đặc biệt khi các cơ quan Nhà nước có sự thay đổi hay tinh gọn sẽ phát sinh yêu cầu sửa luật, gây lãng phí nguồn lực.

Thứ hai,  tại Điều 11 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm: Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin; cung cấp thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực; cung cấp thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu cung cấp thông tin.

Với quy định này thì các hành vi bị nghiêm cấm đã gộp chung tất cả các đối tượng, bao gồm: Cơ quan cung cấp thông tin, người cung cấp thông tin, người thực hiện quyền tiếp cận thông tin … vào chung một điều luật. Cách quy định này có ưu điểm là dễ tìm kiếm, không trùng lặp về nội dung. Tuy nhiên, mỗi loại chủ thể có trách nhiệm quyền và nghĩa vụ khác nhau, nên không thể có quy định hành vi bị cấm như nhau đối với tất cả đối tượng. Nếu cơ quan chức năng làm không tốt công tác tuyên truyền, phổ biến luật thì công dân rất khó xác định được hành vi nào của mình bị nghiêm cấm và không bị nghiêm cấm.

Thứ ba, quy định về công khai thông tin chưa thống nhất

 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định công dân được tiếp cận thông tin bằng các cách thức:

 Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin (Điều 10). Trong đó, đối với thông tin phải được công khai thì thời điểm công khai thông tin đối với từng lĩnh vực được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, trường hợp pháp luật chưa có quy định thì chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày tạo ra thông tin, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải công khai thông tin.

Như vậy, đối với cơ quan Nhà nước phải có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh việc công khai đối với những thông tin phải được công khai và công dân được tự do tiếp cận đối với loại thông tin này. Nhưng khoản 1 Điều 23 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 lại quy định thông tin phải được công khai có thể là thông tin được cung cấp theo yêu cầu. Quy định này có thể dẫn đến tình trạng trì hoãn việc cung cấp thông tin của cơ quan Nhà nước, nguyên tắc kịp thời cung cấp thông tin cho công dân không được bảo đảm. Nghĩa vụ chủ động công khai thông tin của cơ quan Nhà nước không được thực hiện nghiêm. Bởi cơ quan cung cấp thông tin có thể viện dẫn lý do “cung cấp thông tin theo yêu cầu” để dẫn đến việc không kịp thời công khai thông tin.

Thứ tư, quy định cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp và quy trình bảo vệ thông tin và bảo vệ các hệ thống quản lý thông tin là chưa phù hợp.

Thông tin được lưu trữ, vận hành trên cơ sở dữ liệu thông tin, việc thực hiện nhiệm vụ này là thuộc nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trách nhiệm cung cấp thông tin và thực hiện trách nhiệm trên là chính xác. Hơn nữa, trách nhiệm này đã được ghi nhận tại điểm e khoản 1 Điều 35 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và đã giao trực tiếp trách nhiệm này cho Bộ Thông tin và Truyền thông tại khoản 3 Điều 35 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, đó là: “Hướng dẫn kỹ thuật về biện pháp, quy trình bảo quản thông tin và hệ thống quản lý thông tin”. Mặc dù có khác nhau về mặt câu chữ giữa từ “bảo vệ” và “bảo quản”, nhưng nghĩa của chúng đều nhằm lưu trữ thông tin được sử dụng lâu dài, tránh gây lãng phí nguồn lực cho Nhà nước. Bên cạnh đó, cũng không phải cơ quan cung cấp thông tin nào cũng có đủ nguồn lực thực hiện trách nhiệm này, chẳng hạn như Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ không có đủ, điều kiện để hướng dẫn kỹ thuật về biện pháp và quy trình bảo vệ thông tin và bảo vệ các hệ thống quản lý thông tin. Cho nên quy định trách nhiệm này đối với tất cả các cơ quan cung cấp thông tin là khó khả thi.

2. Một số kiến nghị

Từ việc phân tích, đánh giá những hạn chế nêu trên, để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân thực chất, hiệu quả trên thực tế, cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 về trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin theo hướng:

- Thứ nhất, sửa đổi Điều 9 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 theo hướng bỏ nội dung tại khoản 2, theo đó, Điều 9 Luật Tiếp cận thông tin nên quy định: “Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 của Luật này; đối với trường hợp quy định tại Điều 7 của Luật này thì cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình nhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 của Luật này; đối với trường hợp quy định tại Điều 7 của Luật này thì cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định”.

- Thứ hai, sửa đổi khoản 2 Điều 6 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 như sau:

Điều 6. Thông tin công dân không được tiếp cận

1. Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật.
Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này.

2. Thông tin có nội dung nếu được tiếp cận sẽ gây nguy hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

- Thứ ba, sửa đổi Điều 11 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với công dân, bao gồm: Hủy hoại thông tin; làm giả thông tin; sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực; sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin; các hành vi khác theo quy định của pháp luật.

- Thứ tư, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là những chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết điều, khoản, điểm trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan cấp trên và biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được phân công trên phạm vi cả nước và địa phương. Theo đó, nên sửa đổi Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 theo hướng bỏ nội dung dung điểm g khoản 1 Điều 34 và bổ sung quy định “Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc xem xét, cân nhắc việc cung cấp thông tin vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định pháp luật” vào Điều 35.

- Thứ năm, bỏ khoản 1 Điều 23 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Theo đó, nội dung Điều 23 Luật Tiếp cận thông tin nên quy định:

“Điều 23. Thông tin được cung cấp theo yêu cầu

1. Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đủ điều kiện cung cấp theo quy định tại Điều 7 của Luật này.

2. Thông tin liên quan đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thuộc loại thông tin quy định tại Điều 17 của Luật này và khoản 2 Điều này.

3. Ngoài thông tin quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện và khả năng thực tế của mình, cơ quan nhà nước có thể cung cấp thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ”.

Minh Anh

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn