TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/12/2023 10:49

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân , do Nhân dân , vì Nhân dân  và một số giải pháp xây dựng, hoàn thiện theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW

1. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân

Ở Việt Nam, thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” được nêu tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng năm 1994 và tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đảng các kỳ tiếp theo. 

Tổng kết 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta xác định: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”.

 2. Một số giải pháp trọng tâm trong xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW

Nghị quyết số 27-NQ/TW có nêu 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là hệ thống những giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện.

2.1. Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

2.2. Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước

Bộ máy nhà nước là tổng thể các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương, được tổ chức, hoạt động theo những nguyên tắc thống nhất, tạo thành cơ chế đồng bộ nhằm thực hiện nhiệm vụ, chức năng của nhà nước. Bộ máy nhà nước ta bao gồm hệ thống cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp.

2.2.1. Đảm bảo Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định : “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”. Theo đó, các quy định của pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể hóa định hướng này. Ví dụ: Về số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 quy định phải đảm bảo ít nhất là 25%; đến năm 2014, Luật quy định phải đảm bảo ít nhất 35% và hiện nay theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020 quy định có ít nhất 40% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Việc tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhằm nâng cao chất lượng quy trình lập pháp.

2.2.2. Xây dựng một nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân

Sau khi thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, giai đoạn 2011-2020 và hiện nay đang triển khai thực hiện thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, nền hành chính nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Thể chế của nền hành chính từng bước được hoàn thiện và được triển khai có hiệu quả trên thực tế. Thủ tục hành chính đã chuyển biển căn bản theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được triển khai thực hiện đạt được một số kết quả tích cực, hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước của bộ máy hành chính nhà nước từng bước được nâng cao. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và sự phát triển của đất nước. Hiệu quả trong quản lý ngân sách quốc gia được nâng cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng “Chính phủ điện tử”, “Chính phủ số” được đẩy mạnh.  

Trong thời gian tới, để xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Nâng cao chất lượng dịch vụ công; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả. Thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị. 

Cải cách phân cấp ngân sách nhà nước theo hướng phân định rõ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, nâng cao tính chủ động, tự chủ của ngân sách địa phương. 

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ Nhân dân và sự phát triển của đất nước. Thực hiện việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo quy định tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

2.2.3. Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại

Một trong những định hướng được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta đó là: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân ”. Mục tiêu mà hoạt động tư pháp hướng tới đó chính là bảo vệ công lý, lẽ phải, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hiện nay, trước nhiệm vụ phát triển, bảo vệ đất nước, cùng với cải cách nền hành chính, Đảng, Nhà nước ta đang triển khai thực hiện cải cách tư pháp. Để thực hiện mục tiêu này, cần nghiêm chỉnh thực hiện nguyên tắc xét xử độc lập; có cơ chế đảm bảo cho người dân tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý. Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật. Nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là chức danh tư pháp.

2.3. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác

Đây là nhiệm vụ được xác định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, theo đó: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”, một số nhiệm vụ cụ thể, đó là:

- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ đảng viên và Nhân dân, trước hết là nêu cao tính gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, kiên trì giáo dục rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm không tham nhũng, lãng phí, quan liêu, biểu hiện tiêu cực.

- Hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan như pháp luật hình sự, pháp luật hành chính, pháp luật về tài chính, pháp luật đất đai... Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, qua đó góp phần phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm liêm chính, trong sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.

- Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng lãng phí; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan báo chí và người dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

 

Phạm Thị Liên, ThS, GVC Khoa Nhà nước và Pháp luật,

Trường Chính trị Tô Hiệu

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn